Kỷ luật giải ngân

Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong quý 2. Tốc độ tăng trưởng GDP quý 2 chỉ tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81%.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

“Nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế cấp bách hơn bao giờ hết, tinh thần không để dịch bệnh quay lại song phải tiến công mạnh mẽ vào nhiệm vụ phục hồi, tăng trưởng kinh tế”, Thủ tướng yêu cầu tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương sáng hôm qua.

Về giải ngân vốn đầu tư công, thời gian qua mới đạt 33%, giải ngân vốn ODA rất thấp, 10%. Chúng ta có gần 700 nghìn tỉ đồng, tương đương 3 tỉ USD, nhưng “tiêu” rất chậm. Giải ngân, nói vui là biết cách “tiêu tiền” trở thành “mệnh lệnh”.

Chậm giải ngân trở thành căn bệnh kinh niên của Việt Nam. Còn nhớ, năm ngoái, ngày 21/8/2019, Thủ tướng Chính phủ phải ban hành Công điện 1042/CĐ-TTg về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.

Theo đó, Thủ tướng từng yêu cầu kiểm điểm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật với các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, cản trở, gây chậm trễ trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công...; xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng xây dựng, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết...

Ai cũng biết, tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh và các hiệp định đã ký kết, nhất là đối với năm 2020, đất nước vừa trải qua Covid-19.

Lý do vẫn “muôn thuở”. Đó là các vướng mắc, khó khăn, điển hình nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư. Đối với dự án sử dụng nguồn vốn TPCP thì chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng chậm, thủ tục đấu thầu.

Việc giao kế hoạch vốn chậm, thường 6 tháng đầu năm chưa xong “thủ tục” làm ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai các dự án. Do vướng mắc về thủ tục cho nên trong thực tế, việc chưa có sản phẩm để giải ngân là điều dễ hiểu.

Tất cả tại “quy trình” mà con người vừa là “chủ thể”, vừa là “nạn nhân”. Đấy là chưa nói đến việc, luật pháp ngày càng chứng minh “thiếu đồng bộ”.

Việc không nhất quán giữa Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, nếu không được gỡ bỏ, giải quyết rốt ráo thì tình trạng lúng túng, chậm giải ngân đầu tư công sẽ còn kéo dài.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý đến việc có biện pháp cụ thể mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa.

Hơn bao giờ hết, càng khó khăn, càng cần tập trung rà soát các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Nếu tư duy của bộ, ngành vẫn là cơi nới “sân bãi” vì quyền lợi cục bộ, “quyền anh”, “quyền tôi”..., thậm chí gây khó khăn để kiếm “phong bì” thì không bao giờ tạo được động lực phát triển.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ky-luat-giai-ngan-d128553.html