Kỷ luật cầu thủ trẻ bán độ: Lãnh đạo không bị gì?

Các cầu thủ trẻ bán độ bị kỷ luật quá nhẹ nhưng điều băn khoăn và không thấy cán bộ nào phải chịu trách nhiệm.

Ngày 12/5/2020, bày tỏ với Đất Việt về mức án kỷ luật mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đưa ra với các cầu thủ có hành vi bán độ tại giải U21 Quốc gia 2019, chuyên gia bóng đá Lê Thụy Hải bày tỏ sự không đồng tình vì cho rằng, mức đó quá nhẹ.

Bên cạnh đó, ông Hải còn đặt ra nhiều vấn đề băn khoăn về trách nhiệm của đơn vị quản lý trong câu chuyện này.

Theo đó, có 11 cầu thủ U21 Đồng Tháp bị VFF kỷ luật vì có hành vi bán độ tại trận đấu với U21 Vĩnh Long trong khuôn khổ giải U21 Quốc gia 2019.

Trong bản tường trình với VFF, cầu thủ Huỳnh Văn Tiến của U21 Đồng Tháp thừa nhận cầm đầu nhóm cầu thủ bán độ của U21 Đồng Tháp vào năm 2019, Tiến đã đã rủ rê tất cả các cầu thủ khác trong đội, trừ đội trưởng Hoàng Duy chơi các cược với hình thức tài/xỉu số tiền 150 triệu đồng khi U21 Đồng Tháp gặp U21 Vĩnh Long diễn ra vào ngày 19/6.

Cầu thủ Huỳnh Văn Tiến (số 11 - áo đỏ) là người cầm đầu trong vụ cá độ tại trận Vĩnh Long - Đồng Tháp ở Giải U21 quốc gia 2019.

Cầu thủ Huỳnh Văn Tiến (số 11 - áo đỏ) là người cầm đầu trong vụ cá độ tại trận Vĩnh Long - Đồng Tháp ở Giải U21 quốc gia 2019.

Kết thúc trận đấu đó, U21 Đồng Tháp nhận về số tiền thắng là 133 triệu đồng, Tiến chia cho 10 cầu thủ đá chính và 2 cầu thủ dự bị.

Đến trận đấu ở giải Hạng Nhì, Huỳnh Văn Tiến viết trong tờ trình có một cầu thủ đàn anh ở Bình Định bảo nếu đá thắng sẽ cho tiền mình và các đồng đội ở Đồng Tháp.

Đó là trận đấu gặp Long An, Tiến và 7 cầu thủ nữa nhận được 75 triệu đồng. Đến trận gặp Vĩnh Long, Tiến nhận được 9 triệu đồng, chia cho 2 cầu thủ nữa, mỗi người cầm về 3 triệu.

Trong số những cầu thủ trẻ vướng vào nghi án bán độ tại U21 Đồng Tháp, có không ít cái tên từng khiến người hâm mộ kỳ vọng vào tương lai tương sáng của bóng đá nước nhà.

Với vai trò là người cầm đầu vụ cá độ, Huỳnh Văn Tiến bị ban kỷ luật VFF phạt 5 triệu đồng và đình chỉ tham gia các hoạt động bóng đá do VFF tổ chức trong 5 năm.

Hành vi của Huỳnh Văn Tiến được VFF xác định là hành vi tổ chức và tham gia cá độ, đánh bạc.

Ngoài ra, 10 cầu thủ khác của đội bóng U21 Đồng Tháp tham gia cá độ còn lại đều phải nhận mức án phạt 2,5 triệu đồng, đình chỉ tham các hoạt động bóng đá do VFF tổ chức trong 6 tháng, bao gồm: Nguyễn Nhật Trường, Nguyễn Anh Phát, Võ Minh Trọng, Lê Nhựt Huy, Giang Sô Ny, Trần Hữu Nghĩa, Cao Tấn Hoài, Dương Vũ Linh, Kha Tấn Tài, Trần Công Minh.

Theo ông Hải, mặc dù với án phạt này thì tương lai của các cầu thủ liên quan gần như sẽ chấm dứt hoặc không biết trôi về đâu. Bởi sau đó, ở cấp CLB, những cầu thủ này sẽ không được sử dụng hoặc nặng nề hơn là không được chấp nhận để cho luyện tập và thi đấu.

Tuy nhiên, với số tiền và quãng thời gian mà các cầu thủ phải chịu phạt thì quá nhỏ, những đồng nghiệp sẽ nhìn vào đó và cho rằng, việc bán độ trót lọt có thể đem lại lợi ích nhiều hơn thế và sẵn sàng mạo hiểm thực hiện hành vi tiêu cực.

"Án phạt này sẽ khó tạo ra sự trong sạch trong bóng đá Việt Nam, nhất là ở những giải trẻ, khi mà các cầu thủ chưa đủ chín chắn để nhận ra hậu quả của hành vi bán độ ảnh hưởng lớn như thế nào tới tương lai của bản thân và của nền bóng đá" - ông Hải nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này còn băn khoăn một điều rất lớn, đó là việc những cán nhân, đơn vị quản lý cầu thủ có hành vi bán độ tại sao chưa bị phạt, chưa bị truy xét trách nhiệm?

Theo ông Hải, để làm trong sạch nền bóng đá Việt Nam thì ngoài việc phải có án phạt nghiêm khắc cho hành vi tiêu cực thì cũng cần phải truy xét tới cùng trách nhiệm của đơn vị quản lý đội bóng, từ cá nhân trực tiếp quản lý cầu thủ cho tới cá nhân quản lý đội bóng đó.

"Trước đó, tôi từng nói tới câu chuyện, việc bán độ thường xảy ra ở những CLB địa phương, do lãnh đạo địa phương đứng ra tổ chức, quản lý. Có những trường hợp bán độ là để giữ ghế của lãnh đạo.

Còn ở những đội bóng có sự đầu tư của doanh nghiệp tư nhân thì sẽ khó xảy ra chuyện bán độ, và nếu như có thì án phạt đưa ra cũng rất nghiêm khắc, án phạt đó dành cho cả cầu thủ và người quản lý.

Còn đối với những đội bóng địa phương, do lãnh đạo Nhà nước ở các Sở, ngành quản lý thì dường như câu chuyện trách nhiệm đang bị cố ý bỏ quên. Trong khi, việc bán độ này có liên quan tới bệnh thành tích.

Đơn vị trực tiếp quản lý cầu thủ cũng là đơn vị của Nhà nước, anh quản lý nhân viên của mình không nghiêm, để xảy ra tiêu cực nhưng anh lại không bị sao là điều vô lý!" - ông Hải cho hay.

Vân Tùng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-thao/su-kien/ky-luat-cau-thu-tre-ban-do-lanh-dao-khong-bi-gi-3401968/