Kỷ luật cán bộ công chức: Bộ Nội vụ chưa nhận được hình thức nào xử lý bằng giáng chức!

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, qua báo cáo về xử lý cán bộ hàng năm đến nay, Bộ Nội vụ chưa nhận được một hình thức nào xử lý giáng chức, chỉ có giáng cấp đối với lực lượng vũ trang.

Trong dự thảo Luật cán bộ, công chức Chính phủ đề xuất bỏ hình thức giáng chức

Trong dự thảo Luật cán bộ, công chức Chính phủ đề xuất bỏ hình thức giáng chức

Chính phủ đề xuất bỏ hình thức kỷ luật giáng chức được quy định trong Luật Cán bộ, công chức. Tuy nhiên tại phiên thảo luận chiều 10/6 vẫn còn nhiều ý khác nhau giữa giữ hay không giữ hình thức kỷ luật này.

Dự thảo luật quy định kỷ luật với cán bộ công chức được quy định tại điều 79, về hình thức kỷ luật giáng chức, Tờ trình của Chính phủ đã đưa ra 2 phương án và lựa chọn phương án không tiếp tục quy định kỷ luật giáng chức với 2 lý do:

Thứ nhất là nếu quy định 2 hình thức giáng chức và cách chức thì dễ dẫn đến tình trạng nể nang. Thứ hai là nếu giữ hình thức giáng chức thì không phù hợp với vị trí, việc làm, vì đã xác định đủ số lượng lãnh đạo quản lý.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) khẳng định: với 2 lý do nêu trên thì tính thuyết phục chưa cao, vì nếu vì lý do nể nang mà không áp dụng giáng chức thì đó là lỗi chủ quan của chủ thể có thẩm quyền.

Lỗi này có thể chấn chỉnh được trong quá trình nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức. Nếu vì lý do vị trí đã được xác định đủ thì trong cơ quan, đơn vị khi đã thực hiện các vị trí việc làm xong, kể cả các vị trí của chuyên viên cũng được xác định và bố trí đủ hết. Trong khi đó lại chưa thể cho thôi việc, bởi vì mới chỉ là giáng chức.

Do vậy, vẫn phải sử dụng người này vào làm việc vị trí kể cả chuyên viên cũng đã hết.

“Đề nghị nên giữ lại hình thức giáng chức là cần thiết như phân tích trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Đồng thời, cũng phù hợp với nguyên tắc có thăng, có giáng trong công tác cán bộ”, đại biểu Tô Văn Tám bày tỏ.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Không đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), lại thống nhất như dự thảo là bỏ hình thức giáng chức.

Bởi hình thức này có khả năng áp dụng để bao che hay cảm tính cán bộ bị kỷ luật. Thời gian qua, hình thức này có áp dụng nhưng không nhiều, như vậy sẽ không phù hợp.

“Cán bộ bị kỷ luật đến mức phải cách chức thì cách chức còn không thì cảnh cáo, nếu giáng chức sẽ không đủ tính răn đe, có thể nể nang, xử lý nhẹ hơn. Việc cách chức, qua thời hạn bị kỷ luật sẽ có thể bổ nhiệm lại nếu đủ điều kiện. Riêng mục c, hạ bậc lương, tôi đề nghị áp dụng cả công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, không chỉ riêng người không giữ chức vụ.

Về thời hiệu xử lý kỷ luật, tôi thống nhất nếu công chức bị kỷ luật cách chức thì thời hạn 2 năm mới được bổ nhiệm lại chức vụ hoặc tương đương. Mới một năm đã được bổ nhiệm lại xem ra chưa thuyết phục”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Giải trình làm rõ hơn nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nôi vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, một số đại biểu tán thành với đề nghị của Chính phủ là bỏ hình thức giáng chức và nhiều đại biểu có ý kiến là chúng ta vẫn giữ hình thức giáng chức theo mức độ vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức.

“Qua báo cáo về xử lý cán bộ hàng năm đến nay, Bộ Nội vụ chưa nhận được một hình thức nào xử lý giáng chức, chỉ có giáng cấp đối với lực lượng vũ trang. Vấn đề này qua khảo sát, đề nghị các đại biểu nghiên cứu thêm, đóng góp để mang tính khả thi cao về hình thức giáng chức”, đại biểu Lê Vĩnh Tân kiến nghị.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/ky-luat-can-bo-cong-chuc-bo-noi-vu-chua-nhan-duoc-hinh-thuc-nao-xu-ly-bang-giang-chuc-post302382.info