Kỷ luật bàn ăn: 'Cú hích' của mẹ 9X đưa con vào nếp ăn tốt sau những lần bị 'lệch sóng'

Nếu các mẹ đang đau đầu vì một đứa con 'cực thái độ' trong mỗi bữa ăn: vứt khay, ném đồ, đập bàn đập ghế…, và các mẹ không biết phải xử trí ra sao thì những chia sẻ dưới đây của chị Thu Thủy (29 tuổi, sống tại Hà Nội) sẽ dành cho các mẹ.

Kỷ luật bàn ăn: Cái tên nghe có vẻ hơi hãi hùng, nhưng theo chị Thủy điều này không khác lắm so với việc tạo thói quen khi ăn tốt cho con. Đó cũng là "cú hích" để đưa con vào lại nếp ăn tốt sau những lần bị “lệch sóng”.

Chị Thu Thủy và bé NaNa (Ảnh: NVCC)

Chị Thu Thủy và bé NaNa (Ảnh: NVCC)

Dựa trên những kiến thức nghiên cứu, tổng hợp và kinh nghiệm bản thân, chị Thủy cho biết: “Kỷ luật bàn ăn giúp con biết trân trọng đồ ăn, biết cách ăn hiệu quả, nhai kỹ càng và thưởng thức món ăn trọn vẹn. Việc bố mẹ cho con có những thói quen tốt từ những ngày đầu ăn dặm, sẽ giúp việc kỷ luật bàn ăn sau này của con đỡ phản kháng và chông gai hơn.

Mới mất nếp sẽ lấy lại rất dễ, còn các bé quen được chiều chuộng bằng ăn rong, bằng Tivi, ipad, điện thoại, thì con đường kỷ luật bàn ăn thật sự rất khó khăn và cần nhiều sự kiên nhẫn cũng như kiên định của bố mẹ”.

Bên cạnh đó, bà mẹ trẻ nhấn mạnh, kỷ luật bàn ăn không phải là bỏ đói con như nhiều lời đồn của những người hiểu sai, mà còn qua rất nhiều quy trình cần được lặp đi lặp lại cho con hiểu.

Con còn bé, cần sự hướng dẫn và kiên trì của bố mẹ. Nhưng con cũng đủ thông minh, để hiểu được khi những hành động đó được lặp đi lặp lại. Con sẽ hiểu trong tiềm thức rằng, nếu ném đồ ăn, mình sẽ bị đói. Nếu không ngồi trên bàn ăn, sẽ không được ăn miếng thịt ngon lành như con muốn. Bản năng trong con sẽ tự ra lệnh, cho cơ thể biết cảm giác đói để điều chỉnh hành vi".

Thế nào là thói quen ăn uống tốt?

Theo mẹ bé NaNa, con cần có những thói quen tích cực như sau:

- Con ngồi trên ghế ăn, được thắt dây an toàn. Nách của con phải cao hơn bàn của ghế ăn chừng 5cm, nếu con thấp quá hãy gấp 1 cái khăn mỏng cho con ngồi lên. Việc này giúp con không bị mỏi tay khi với đồ ăn.

- Con đeo yếm để giữ vệ sinh quần áo và cho chính con.

- Con không nghịch đồ ăn, không kén ăn.

- Con ăn với thái độ vui thích.

- Bữa ăn gói gọn trong 30 phút.

- Vệ sinh sạch sẽ mặt mũi tay chân trước và sau khi ăn.

Quy trình mỗi bữa ăn nên như thế nào?

Rửa tay – ngồi vào bàn ăn – thắt đai an toàn – đeo yếm – mời con ăn – đến khi con không muốn ăn nữa thì mời ra – vệ sinh mặt mũi, răng miệng, tay chân. Đó là một quy trình bữa ăn khoa học, hợp lý được chị Thủy nghiên cứu và áp dụng.

Khi bố mẹ thực hiện nhất quán các quy trình này từ khi bé bắt đầu ăn dặm, con sẽ tự biến điều này thành thói quen, và bố mẹ cũng nên cố gắng duy trì thói quen này cho bé.

Ngay khi con có dấu hiệu "lệch sóng", bà mẹ trẻ sẽ lập tức thiết lập kỷ luật bàn ăn để đưa con về thói quen tốt (Ảnh: NVCC)

Khi nào cần kỷ luật bàn ăn?

- Con không chịu ngồi im ăn, đứng lên ghế, nghịch trên ghế.

- Nghịch đồ ăn mà không chịu tập trung ăn: Hất, ném, vứt, quăng, bôi nhoe nhoét,…

- Khi bé chỉ ăn 1 nhóm chất, mà không chịu ăn các nhóm chất khác. Ví dụ: có bé chỉ thích ăn thịt, không chịu ăn rau và ăn cơm, nhất quyết không ăn mà vứt, bôi, ném. Tình trạng kéo dài có thể dẫn đến thiếu chất.

- Ngồi trên ghế ăn không ăn, cho ra ngoài chơi thì vừa chơi vừa ăn.

Khi nào không kỷ luật bàn ăn?

Chị Thu Thủy cho biết: “Khi nhận thấy dấu hiệu bé ốm mệt, bé mọc răng, bé đang tập kỹ năng, bé mới ăn dặm không nên áp dụng kỷ luật bàn ăn. Vì các con mới chỉ trong giai đoạn tập cầm nắm, tập cho vào mồm, tập cắn, tập nhai nhả, tập nuốt.

Con sẽ tuột tay làm rơi, cắn xong chưa biết cách nhai thì nhả, hoặc lần đầu nuốt sẽ ọe. Có một số bé thích vứt rồi nhìn đồ ăn rơi xuống đất 1 cách thích thú, bé đang có cảm giác vô hình về không gian và trọng lực. Để giúp bé nhanh chóng vượt qua giai đoạn này, bố mẹ nên tích cực chơi với con các trò chơi ném bóng, lăn bóng, thả giấy,…”.

Kỷ luật bàn ăn như thế nào?

Theo mẹ NaNa, các bé BLW từ 9 tháng trở lên có thể kỷ luật bàn ăn. Dưới 1 tuổi vẫn cho sữa ở các cữ sữa bình thường con hay uống, lượng sữa giảm đi chút hoặc y nguyên, không cho nhiều hơn. Trên 1 tuổi khi kỷ luật bàn ăn có thể cân nhắc cắt sữa. Đến khi con ăn nề nếp lại thì có thể cho sữa lại.

“3 lần cơ hội” là những gì bố mẹ cần chuẩn bị cho con. Giống như khi cho con uống sữa, sau khi mời 3 lần bé không bú nữa thì ngừng, không nên ép con bằng mọi cách, dễ dẫn đến biếng ăn tâm lý còn khó chữa hơn rất nhiều lần. Ăn dặm cũng thế, sau 3 lần mời mọc, con sẽ kết thúc bữa ăn hoàn toàn, không bù sữa, không ăn vặt, cho đến bữa ăn tiếp theo.

Chị Thu Thủy bày tỏ: “Làm theo quy trình, mời con ăn. Con không ăn, hoặc ăn 1 lúc có dấu hiệu “giờ chơi đến rồi, giờ nghịch đến rồi”, mẹ hãy nhìn vào mắt con, nói nhẹ nhàng và dùng những câu ngắn gọn, nhấn mạnh vào các từ quan trọng, cũng cho con học nhận thức luôn: “Con ném đồ ăn đi, con không ăn, con sẽ đói đấy!”.

Mẹ thử mời bé đồ ăn tiếp. Bé vẫn ném. Xin mời ra luôn kể cả bé chưa ăn gì mấy: “Con ném, không ăn, con no rồi đúng không? Chúng ta tạm dừng bữa ăn nhé!”. Mẹ bế bé ra một nơi yên tĩnh, không có đồ chơi, không chơi đùa, để cho con biết giờ ăn phải ăn chứ không phải chơi.

Sau 5-10 phút, thử mời lại con vào ghế ăn lần 2. Nếu con tiếp tục lại mời ra như lần 1. Sau lần thứ 3 bé không hợp tác. Hãy kết thúc bữa ăn. Thay từ “tạm dừng” bằng “kết thúc”. Dần dần bé sẽ hiểu được các câu hiệu như vậy”.

Sau khi đã kết thúc, dù con có đòi ăn, có ăn vạ, mẹ cũng cần giải thích cho con hiểu là “Khi mẹ cho con ăn, con không ăn nên con cố gắng đợi đến bữa ăn tiếp theo!”.

Tùy từng bé và tùy từng giai đoạn phát triển. Như bé NaNa, vào tuần 39, kỷ luật bàn ăn 3 ngày là con ăn cuống cuồng. Sau Tết, bị ăn rong đúng 1 lần nên không chịu ngồi bàn ăn, thời gian kỷ luật lên đến 1 tuần. Tuy nhiên, hầu hết sau đó bé đều ăn bù khá đều đặn.

Vì sao kỷ luật bàn ăn thất bại?

Bên cạnh đó, chị Thu Thủy cũng chỉ ra một số nguyên nhân khiến việc kỷ luật bàn ăn thất bại như sau:

- Bé chưa đói hẳn. Có bé chưa có lịch sinh hoạt hợp lý, thời gian ăn cách gần nhau quá, khả năng do người lớn dựa vào cảm giác của bản thân “chắc chắn bé đói” mà áp vào bé. Nên cho bé biết cảm giác đói để biết ăn no. Biết “xin” ăn để biết trân trọng đồ ăn.

- Không ăn vặt quá gần bữa ăn. Bụng bé sẽ lưng lửng và không tha thiết ăn gì nữa.

- Hiểu nhầm dấu hiệu học kỹ năng. Khi mẹ thấy bé “tự nhiên” làm gì đó mới mà trước đó không hề có, hãy cố đọc ra kỹ năng đó là gì, để giúp bé phát triển trong giờ chơi. Bé thành thạo càng sớm, giai đoạn đó sẽ càng chóng qua.

- Bố mẹ không kiên định khi thực hiện. Càng kéo dài dây dưa càng dẫn đến thất bại và tốn công sức của cả bố mẹ lẫn con. Nên quyết tâm rồi hãy thực hiện.

Lê Huyền

Nguồn Em Đẹp: https://emdep.vn/lam-me/ky-luat-ban-an-cu-hich-cua-me-9x-dua-con-vao-nep-an-tot-sau-nhung-lan-bi-lech-song-20200901101928388.htm