Kỷ luật 4 cán bộ xã để quần thể di tích quốc gia đền Hữu bị xâm lấn

UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã thành lập Hội đồng và quyết định kỷ luật 4 cán bộ xã Thanh Yên vì để chủ đầu tư chùa Linh Sâm xây dựng trái phép, xâm lấn đất bảo vệ di tích lịch sử, kiến trúc quốc gia đền Hữu. Chùa Linh Sâm bị đình chỉ xây dựng khi đã hoàn thành xây thô 6 hạng mục.

Xã “bật đèn xanh”... cho việc sai phạm

Ngày 10/2, ông Nguyễn Văn Quế, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho biết, huyện đã họp hội đồng kỷ luật các cán bộ liên quan đến vụ việc để chủ đầu tư xây chùa Linh Sâm xâm lấn đất bảo vệ di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền Hữu.

Sau khi xem xét báo cáo của UBND xã Thanh Yên và các phòng ban liên quan, huyện này đã kỷ luật khiển trách đối với ông Lê Hồng Long, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Yên; ông Nguyễn Cảnh Điền, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Yên; ông Bùi Trung Thông, cán bộ văn hóa xã Thanh Yên. Ngoài ra, UBND huyện Thanh Chương cũng kỷ luật với hình thức cảnh cáo ông Nguyễn Văn Dũng, cán bộ địa chính xã Thanh Yên.

Quần thể di tích quốc gia đền Hữu bị xâm lấn

Quần thể di tích quốc gia đền Hữu bị xâm lấn

“Di tích đền Hữu đã được huyện giao cho xã, ban Quản lý đền quản lý. Để xảy ra việc xây dựng chùa xâm lấn diện tích bảo vệ đền Hữu có trách nhiệm của lãnh đạo xã và cán bộ liên quan đến tham mưu, quản lý địa bàn. Trước đó cả bốn cán bộ này đã họp kiểm điểm và xin nhận hình thức kỷ luật khiển trách”, ông Quế nói.

Từ tháng 8/2019, chùa Linh Sâm được khởi công xây dựng cạnh bên trái đền Hữu – thờ Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, tại làng Xuân Bảng, xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương. Tuy nhiên việc xây dựng chùa vấp phải sự phản ứng của người dân, đặc biệt là người trong dòng họ Nguyễn Cảnh.

Ông Nguyễn Cảnh Nhu, đại diện dòng họ Nguyễn Cảnh cho biết: “Chùa Linh Sâm cũ nằm trên đồi Ó, cách đền Hữu khoảng 1km chứ không nằm bên cạnh. Chủ đầu tư xây dựng chùa chồng lấn lên phần lớn diện tích khu vực bảo vệ di tích quốc gia đền Hữu. Không chỉ xâm phạm đất di tích, chủ đầu tư còn dùng cả một ngôi nhà cổ thuộc đền Hữu để làm chỗ sinh hoạt cho công nhân xây dựng. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan và sự linh thiêng của đền”.

Đền Hữu được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, thờ Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (1521-1576) và hợp tự các vị sơn thần của làng. Toàn bộ khu vực đền Hữu rộng khoảng 3,2ha. Để bảo vệ di tích, ngày 20/5/2008, lãnh đạo các ngành tỉnh Nghệ An đã ký bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích (vùng I và vùng II).

Năm 2009, đền Hữu được bộ VH-TT&DL xếp hạng là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Trải qua hơn 400 năm, ngôi đền được xem là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và lịch sử khi còn giữ được 3 tòa thượng điện, trung điện và hạ điện, 38 sắc phong do các triều đại phong kiến phong tặng và rất nhiều cổ vật, di vật có giá trị. Đền vừa là công trình tưởng niệm người có công với dân, với nước gắn với tín ngưỡng thờ thánh của cộng đồng dân cư, vừa là di tích kiến trúc độc đáo, lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa. Trước phản ánh của người dân, ông Nguyễn Cảnh Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Yên thừa nhận chủ đầu tư đã xây dựng chùa Linh Sâm khi chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý.

Nguyên nhân do địa chính xã không có bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích đền Hữu nên đã chỉ sai cho chủ đầu tư. Sau đó xã đã ra thông báo đình chỉ việc xây chùa. Điều đáng nói, sau 10 ngày, chùa Linh Sâm lại tiếp tục được thi công. Đến nay, khu vực này đã mọc lên 6 tòa nhà và cổng tam quan với kiến trúc đồ sộ cơ bản hoàn thành phần thô. Sự việc kéo dài cho đến ngày 28/10/2019, UBND huyện Thanh Chương mới chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND xã Thanh Yên lập biên bản đình chỉ thi công chùa Linh Sâm cho đến khi hoàn tất các thủ tục pháp lý.

Loay hoay việc tháo dỡ hay không

Ngày 22/11/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã Công văn số 8327/UBND-NC về việc kiểm tra, xử lý vụ việc xây dựng chùa tại xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh giao: “Sở VH&TT chủ trì phối hợp với các sở TN&MT, Xây dựng, Tư pháp và UBND huyện Thanh Chương, kiểm tra hiện trạng, hồ sơ pháp lý, bản đồ địa chính, biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích, việc cắm mốc giới trên thực địa; làm rõ ranh giới, diện tích đất tổng thể của di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Hữu tại xã Thanh Yên theo đúng quy định của pháp luật. Xác định rõ diện tích đất bị lấn chiếm, xây dựng trái pháp luật trong khu vực bảo vệ của di tích. Kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật...”.

Cuối tháng 11/2019, đoàn công tác của sở VH&TT Nghệ An do bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Phó giám đốc dẫn đầu đã đến di tích quốc gia đền Hữu kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy, hiện trên khuôn viên được khoanh vùng bảo vệ I của đền Hữu đang bị chủ đầu tư chùa Linh Sâm xây dựng trái phép, lấn chiếm với diện tích 5.700m2 ; 6 hạng mục như tam quan, tam bảo, nhà tổ, tả - hữu vu, điện mẫu và nghi môn.

Trước sai phạm nghiêm trọng trên, sở VH&TT tỉnh Nghệ An đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch quảng cáo; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc để xảy ra vụ việc xâm lấn đất di tích quốc gia đền Hữu. Phía Sở khẳng định, công trình xây dựng chùa Linh Sâm tại di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Hữu do ban Tôn giáo tỉnh Nghệ An tham mưu cho UBND tỉnh. Ban Tôn giáo đã không xin ý kiến tham mưu qua cơ quan thẩm quyền về di tích văn hóa là sở VH&TT.

Công trình chùa xây dựng trái phép như thế không những vi phạm luật Xây dựng mà còn xem thường luật Di sản văn hóa. Riêng về phương án có tháo dỡ công trình chùa Linh Sâm xây trái phép hay không, ông Nguyễn Văn Quế cho hay, huyện đã yêu cầu xã đình chỉ chủ đầu tư thi công và chờ ý kiến từ UBND tỉnh và các sở, ban ngành tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, hiện nay đã nhiều tháng trôi qua vẫn chưa thể xử lý.

Trong phiên tiếp công dân tháng 12/2019, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh (hiện là Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng) cũng đề nghị các cấp ngành liên quan kiểm tra, xử lý các sai phạm, đánh giá lại thực trạng xây dựng và phải ưu tiên bảo vệ di tích quốc gia đền Hữu.

Anh Ngọc

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 7

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/cuoi-tuan-ky-luat-4-can-bo-xa-de-quan-the-di-tich-quoc-gia-den-huu-bi-xam-lan-a311740.html