Kỳ lân Gojek, Baemin rút khỏi Việt Nam, điều gì xảy ra tiếp theo?
Baemin và Gojek, hai kỳ lân công nghệ nổi tiếng, đã lần lượt rời khỏi thị trường Việt Nam. Điều này phản ánh sự khốc liệt trong cạnh tranh, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội lớn cho những doanh nghiệp mới bước vào giành lấy thị phần.
Gojek, ứng dụng gọi xe và giao đồ ăn thuộc hệ sinh thái kỹ thuật số GoTo của Indonesia, vừa thông báo sẽ "rút chân" khỏi thị trường Việt Nam từ ngày 16/9 tới đây. Đại diện “kỳ lân công nghệ” này cho biết, đây là một quyết định chiến lược nhằm củng cố hoạt động kinh doanh của tập đoàn.
Gây sốc nhưng không bất ngờ
“Tại GoTo, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào tăng trưởng, duy trì cam kết với mục tiêu hòa vốn Ebitda (lợi nhuận trước thuế và lãi vay, đánh giá lợi nhuận kiếm được từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp) điều chỉnh cho năm 2024,” đại diện Gojek chia sẻ.
Đồng thời, Gojek Việt Nam khẳng định sẽ cung cấp hỗ trợ cần thiết cho tất cả các bên liên quan, bao gồm nhân viên, người dùng, tài xế và đối tác nhà hàng bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển tiếp, đồng thời tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành.
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works, tổng giá trị hàng hóa (GMV) trên các nền tảng giao đồ ăn tại Việt Nam trong năm 2023 đạt 1,4 tỷ USD, với mức tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á, đạt 27%. Trong khi đó, các thị trường khác trong khu vực chỉ tăng trưởng ở mức một con số.
Trong năm 2023, Baemin chỉ chiếm 5% GMV trong thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam, tỷ lệ quá khiêm tốn so với GrabFood (47%) và ShopeeFood (45%). Mặc dù Baemin đã thu hẹp hoạt động đáng kể trước khi rút lui hẳn khỏi thị trường, tỷ lệ này vẫn cao hơn Gofood với chỉ 3%.
Với mảng gọi xe, theo báo cáo quý II/2024 của Decision Lab, tỷ lệ thâm nhập thị trường của Gojek chỉ đạt 18%, giảm 4 điểm phần trăm so với quý trước. Từ quý II/2023 đến quý IV/2023, con số này cũng liên tục giảm. So với các đối thủ, tỷ lệ của Gojek thậm chí chỉ bằng một nửa so với Xanh SM - ứng dụng gọi xe mới gia nhập thị trường từ tháng 4/2023 và liên tục tăng trưởng qua mỗi quý.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Hoàng Tùng, chuyên gia ngành dịch vụ và ẩm thực (F&B), Giám đốc điều hành Pizza Home và FoodEdu, nhận định rằng thông tin Gojek rời khỏi Việt Nam là một cú sốc đối với thị trường. Tuy nhiên, những dấu hiệu về khó khăn của Gojek đã được giới quan sát chú ý từ hơn một năm trước. Thời điểm đó, đã có tin đồn về việc Grab đang thương thảo để mua lại Gojek tại thị trường Việt Nam cùng một số quốc gia khác ở Đông Nam Á, nhưng cuối cùng thương vụ này không thành.
Ông Tùng cho biết: "Gojek rõ ràng đã nhận thấy việc đạt được lợi nhuận là vô cùng khó khăn, hiệu quả kinh doanh không cao, nên họ đã quyết định "rút chân" khỏi thị trường Việt Nam. Cạnh tranh trong lĩnh vực gọi xe tại Việt Nam rất khốc liệt, một trong những minh chứng là việc Baemin - một 'kỳ lân' khác - cũng đã rời bỏ Việt Nam."
Cửa sáng cho người đến sau
Đặc biệt, trong phân khúc giao đồ ăn, nhiều chuyên gia nhận định đây là một thị trường đầy tiềm năng, vì các nền tảng công nghệ có thể thu phí lên tới 25% doanh thu từ các cửa hàng, chưa kể nguồn thu từ khách hàng và phí giao hàng. Tuy nhiên, dù miếng bánh này có vẻ béo bở khi việc đặt đồ ăn trực tuyến đang dần trở thành thói quen của nhiều người, sự rút lui của các "kỳ lân" công nghệ cũng là lời cảnh báo rằng thị trường này không dễ dàng để chiếm lĩnh.
Chuyên gia nghiên cứu thị trường bán lẻ, ông Phạm Chinh, đã từng nhận định rằng trong lĩnh vực giao đồ ăn tại Việt Nam, chưa có công ty nào đạt được lợi nhuận. Do đó, ai kiên trì hơn và tồn tại được đến cuối cùng sẽ là người chiến thắng.
Đối với lĩnh vực gọi xe, các chuyên gia nhìn nhận mặc dù Grab vẫn đang chiếm lĩnh thị trường, nhưng cơ hội vẫn mở ra cho những đối thủ mới như Be hay Xanh SM. Xanh SM (thuộc GSM) của tỉ phú Phạm Nhật Vượng, dù mới ra mắt vào tháng 4/2023, đã nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn Việt Nam. Theo báo cáo tài chính năm 2023, GSM đạt doanh thu hơn 20.163 tỷ đồng từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Vào tháng 4/2024, công ty CP Be Group, đơn vị sở hữu và phát triển nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ Be, đã nhận được khoản đầu tư từ công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS), một thành viên của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). VPBankS đã đầu tư và sở hữu cổ phần của Be Holdings – công ty mẹ của Be Group, với tổng giá trị giao dịch lên tới 739,5 tỷ đồng.
Chuyên gia Hoàng Tùng nhận định rằng việc Gojek rút khỏi thị trường sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp còn lại như Be và Xanh SM khai thác tiềm năng. "Thị trường tuy khốc liệt nhưng nhu cầu vẫn luôn tồn tại," ông chia sẻ. Hơn nữa, các doanh nghiệp này có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ những tập đoàn lớn, như VPBankS đầu tư vào Be và Vingroup đứng sau Xanh SM. Điều này hứa hẹn rằng cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới.