Kỳ lạ tục kiêng kỵ đi biển đầy thú vị của ngư dân Đà Nẵng

Làm nghề biển, sống chung với biển nên những ngư dân Đà Nẵng có đời sống tâm linh phong phú.

Lễ cúng biển đầu năm của ngư dân Đà Nẵng

Lễ cúng biển đầu năm của ngư dân Đà Nẵng

Làm nghề biển, sống chung với biển nên những ngư dân Đà Nẵng có đời sống tâm linh phong phú. Khi ra biển, đối diện với những hiểm nguy do thiên nhiên gây ra đã dần dần tạo nên tâm lý kiêng kỵ của người dân miền biển. Mỗi lần giong buồm đi/về, họ luôn cầu nguyện những lực lượng có khả năng siêu nhiên, có thể cứu giúp và dẫn dắt họ an toàn trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đồng thời, trong tâm thức của ngư dân Đà Nẵng, họ đã đặt ra rất nhiều kiêng kỵ.

Ông Phan Phú Tuấn, một ngư dân có thâm niên đi biển ở Phường Phước Mỹ, Quận Sơn Trà cho biết: “Nghề đi biển ở Đà Nẵng gồm hai hình thức chính là đi khơi và đi lộng. Đi lộng là hình thức đánh bắt gần bờ, thời gian thường bắt đầu từ 5 - 6 giờ chiều, đến 4 - 5 giờ sáng ngày hôm sau thì về. Đi khơi thường dành cho các phương tiện đánh bắt lớn, hiện đại. Đi khơi chủ yếu là đi tập thể từ 7 đến 15 người, thời gian mỗi chuyến ra khơi có thể từ 15 đến 20 ngày, có khi cả tháng. Dù đi khơi hay đi lộng thì ngư dân Đà Nẵng đều có những điều kiêng kỵ phần lớn giống nhau”.

Những ngư dân này đều cầu mong một năm mưa thuận gió hòa để họ đi biển

Bình thường, mỗi lần đi ra biển họ cũng luôn coi ngày tốt hay xấu để tránh ngày “sát chủ”, tổ chức cầu cúng trên tàu để mong ra khơi được thuận buồm xuôi gió, giúp họ đánh được nhiều cá tôm.

Trước khi ra biển, công việc chuẩn bị lưới, thuyền đều rất quan trọng. Lúc phơi lưới, bặn mành thì người ta cấm tất cả mọi người không được đi qua dưới giàn mành. Khi khiêng giàn lưới xuống ghe thì phải có một người dẫn đường đi trước để tránh có người đi qua trước mặt, kiêng gặp phụ nữ có thai dọc đường. Người đi biển kiêng như vậy để tránh bị ô uế và gặp điều không may. Nếu vi phạm những điều trên thì người ta quay về nhà đi tiểu rồi mới ra lại thuyền.

Trong tâm thức của ngư dân Đà Nẵng, họ đã đặt ra rất nhiều kiêng kỵ

Đặc biệt là những người đang chịu tang thì cấm không được xuống thuyền, đồng thời cũng không nên đi ra bãi biển để tránh cho người khác khi đi ra thuyền gặp phải; người đi dự đám tang, lúc trở về cũng phải tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ mới được bước xuống thuyền.

Ông Lê Văn Kiến, ngư dân phường Thọ Quang năm nay đã 70 tuổi, có thâm niên đi biển từ khi mới 13 tuổi cho biết “Ngày xưa, khi đời sống người dân còn nghèo khó, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, ngư dân thường dùng thuyền buồm để ra khơi đánh bắt cá thì họ kiêng kỵ.

Người ta cũng xem tàu, thuyền như một vị thần và có nhiều quan niệm về con thuyền, như: mũi thuyền là bộ phận quan trọng nhất, tâm linh nhất, thường có vị thần ngự trị cho nên thường tối kỵ với đàn bà, họ cấm không cho đàn bà phụ nữ tới gần vì sợ sẽ làm ô uế. Khi ở trên tàu, thuyền muốn đi vệ sinh thì phải đi bên “đốc” (tức là bên phải) cấm việc đi bên “lái” (bên trái).Con thuyền là phương tiện quan trọng nhất đối với người dân biển. Là nơi cư trú của họ trong những ngày tháng lênh đênh trên biển. Do vậy, tàu thuyền không chỉ là phương tiện đánh bắt trong công cuộc mưu sinh mà còn là mái nhà che chở họ, vì thế nó vô cùng quan trọng, đặc biệt ẩn chứa chiều sâu đời sống tâm linh của ngư dân.

Thuận buồm xuôi gió, cá đầy khoang là mong ước của người dân Đà Nẵng (Ảnh Triều Phạm)

Khi đã ra ngoài khơi thì người ta kiêng không để vật dụng trên thuyền rớt xuống biển, bởi quan niệm nếu để vật rơi xuống biển thì bị chìm thuyền. Dù đồ vật có bị hỏng hay bể thì cũng để lại trên thuyền mang về.

Lúc tàu thả neo hoặc kéo neo lên thì không được đi tiểu tiện hay đi đại tiện vì ngư dân quan niệm rằng, khi thả neo hay kéo neo là được các vị thần cai quản nơi đó phù hộ cho, nếu làm ô uế thì sẽ bị thần trách phạt.

Khi đi ra biển, người ngồi ở mũi thuyền phải hướng mặt nhìn về phía trước, không được ngồi quay mặt về phía sau, bởi việc làm đó đồng nghĩa với sự tiếc nuối, lưu luyến, vĩnh biệt đất liền,... họ sợ sẽ gặp nhiều bất trắc.

Dù du lịch đã rất phát triển, nhưng Đà Nẵng vẫn còn những làng chài ven biển

Khi đã ra ngoài khơi thì người ta kiêng không để vật dụng trên thuyền rớt xuống biển, bởi quan niệm nếu để vật rơi xuống biển thì bị chìm thuyền. Dù đồ vật có bị hỏng hay bể thì cũng để lại trên thuyền mang về.

Đặc biệt trong tình cảm vợ chồng, sự chung thủy của người vợ ở nhà có chồng đang đánh bắt cá ở ngoài khơi cũng rất quan trọng. Khi ở ngoài khơi thì ngư dân đặc biệt kiêng kỵ việc chửi thề, đặc biệt là chửi mắng người “khuất mày khuất mặt”. Nếu phạm điều này thì họ sợ sẽ bị những âm linh, cô hồn làm cho gặp xui xẻo, không thu hoạch được gì.

Âu thuyền Thọ Quang vẫn luôn tấp nập ghe thuyền ra vào

Trong ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày khi ở trên biển, dù là người của biển khơi, “ăn sóng nói gió” nhưng họ cũng có nhiều từ ngữ kiêng kỵ.

Cuộc sống lênh đênh của những ngư dân trên biển cả bao la bất cứ lúc nào cũng gặp những sự cố mà không biết trước và cũng rất khó chống đỡ đã tạo nên tâm lý kiêng kỵ của họ.

Minh Ngọc - Văn Chung

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/ky-la-tuc-kieng-ky-di-bien-day-thu-vi-cua-ngu-dan-da-nang-86713.html