Kỳ lạ những bức tranh giúp người khiếm thị ngắm được

Những nghệ sĩ của dự án Maris đã giúp mọi người, kể cả người khiếm thị được thưởng thức các bức tranh đẹp và thơm.

Chị Nguyễn Trần Lan Thanh, một người khiếm thị đến từ quận Bình Thạnh, lần tay trên những bức tranh lá cờ hiện đang được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, quận 1). Chị lần tay thật chậm rãi, sau đó ngửi mùi hương trên bức tranh.

Bức tranh lá cờ Việt Nam treo khá cao. Anh Từ Phước An Khang (tình nguyện viên đến từ ĐH Ngoại thương) lấy ghế để chị đứng lên cao, thưởng thức bức tranh bằng xúc giác và khướu giác. Tôi hỏi: "Chị thấy đẹp không?", chị Lan Thanh trả lời: "Tôi thấy các lá cờ đều đẹp. Tôi có thể tưởng tượng ra chúng". Câu trả lời ấy khiến những tình nguyện viên hướng dẫn người khiếm thị cảm thấy xúc động.

Chị Lan Thanh cho biết: "Các lá cờ đều đẹp. Tôi có thể tưởng tượng ra chúng"

Chị Lan Thanh cho biết: "Các lá cờ đều đẹp. Tôi có thể tưởng tượng ra chúng"

Nhiều người, trong đó có người khiếm thị đã đến thăm triển lãm và "xem tranh". Triển lãm Maris lần này là các bức tranh của họa sĩ nghệ thuật đương đại Liku Maria Takahashi, đến từ Nhật Bản.

Làm thế nào để người khiếm thị xem tranh?

Tình nguyện viên An Khang hướng dẫn cho những người bạn khiếm thính "xem" các bức tranh: "Chỗ nào cát/hạt đá lớn là màu đậm, cát mịn là màu nhạt. Màu vàng có mùi chanh, màu đỏ có mùi hoa hồng..."

Từ ngày 14 đến 17-2, triển lãm tác phẩm Maris tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM sẽ được ngắm những bức tranh làm bằng cát miêu tả quốc kỳ của nhiều quốc gia và những bức tranh miêu tả vẻ đẹp của hoa, động vật...

Nhiều em học sinh khiếm thị đã đến xem triển lãm tranh Maris

Dựa theo Bảng tiêu chuẩn thống nhất trên toàn thế giới Maris, có 10 cấp độ thô của cát để biểu hiện màu đậm nhạt tương ứng. Người không bị khiếm thị chỉ cần chiêm ngưỡng bức tranh bình thường, nhưng người khiếm thị có thể sờ vào độ mịn thô của cát để tưởng tượng độ đậm nhạt của tranh. Màu của bức tranh được biểu thị bằng mùi thơm tinh dầu quết lên đó. Màu cam sẽ có hương thơm của cam, màu tím tỏa ra mùi hoa oải hương, màu xanh có mùi thơm của Salvia, màu đỏ mang mùi hoa hồng...

Hai bạn trẻ khiếm thính xem bức tranh "Màu sắc bảo hộ sư tử"

Liku Maria Takahashi là người đã thành lập dự án nghệ thuật Maris từ năm 2010 đến nay.

Bức tranh Tuyên bố Maris là bông hoa đỏ năm cánh khổ lớn rực rỡ. Họa sĩ Liku bày tỏ: "Một xã hội giúp người khiếm thị vui sống là xã hội tốt bụng với tất cả mọi người khác. Tất cả mọi người đối xử với người khác chỉ cần tốt hơn một chút thôi, chắc chắn thế giời này không còn chiến tranh, bầu trời, núi và biển sẽ phục hồi được như xưa"

Đây là bức "Tuyên bố Maris"

Vẻ đẹp của sự giản dị

Đây là lần thứ hai dự án Maris đến TP.HCM dưới dự tài trợ và bảo trợ của quỹ giao lưu quốc tế, Tổng lãnh sự quán Nhật, Hội người mù Nhật Bản...

Những bức tranh của Maris, bắt đầu là những là quốc kỳ với cách thực hiện khá đơn giản. Maris mang tính biểu tượng và tôn vinh những ý nghĩa tốt đẹp của cộng đồng. Đã có nhiều người khiếm thị trên thế giới cùng Maris chế tác quốc kỳ, nghĩa là người khiếm thị có thể vẽ tranh theo phương pháp nghệ thuật Maris.

Dự án Maris mong đợi một thế giới yêu thương và tốt đẹp hơn cho mọi người trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả mỹ thuật.

Thông điệp của Maris là Tình yêu và Hòa Bình. Đã có hơn 300 tình nguyện viên Việt Nam đến từ các trường ĐH tham gia học cách vẽ tranh, họ cũng chịu trách nhiệm về việc gúp người khiếm thị tham quan, học cách vẽ tranh, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cộng đồng.

HỒNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/nhung-buc-tranh-ky-dieu-giup-nguoi-khiem-thi-co-the-ngam-duoc-817153.html