Kỳ lạ ngôi làng kiêng kị không cho phụ nữ tham gia Lễ hội

Trong lúc nhiều lễ hội biến tướng, Lễ hội Làng Ngọc Tiên (Nam Định) vẫn giữ được nhiều giá trị cốt lõi, phụ nữ chỉ tham gia phần dâng hương, còn phần hội sẽ tuyệt đối không.

Làng Ngọc Tiên nằm Trung tâm hành chính xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định. Một ngôi làng cổ trù phú có từ cuối thời Lý đầu thời Trần với tên gọi ban đầu là “Nam Thiên Ngọc Ấp", mảnh đất phía Trời Nam của các Thân Vương Nhà Trần.

Làng Ngọc Tiên nằm Trung tâm hành chính xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định. Một ngôi làng cổ trù phú có từ cuối thời Lý đầu thời Trần với tên gọi ban đầu là “Nam Thiên Ngọc Ấp", mảnh đất phía Trời Nam của các Thân Vương Nhà Trần.

Hàng năm từ 12 -15 tháng Giêng, làng mở hội để tưởng nhớ tới công đức Thành Hoàng làng là vị Tướng Hoàng Văn Quảng hiệu là Quảng Phong đã có công chiêu mộ dân chúng đi đánh giặc Chiêm Thành. Ông hy sinh tại núi Đâu Mâu (Đèo Ngang) và sau khi hóa dân làng Ngọc Tiên đã lập Đền thờ để tưởng nhớ tời ngài.

Trong sự phát triển của cuộc sống và sự ồ ạt của nhiều Lễ hội trong thời kỳ mới Lễ hôi Làng Ngọc Tiên là sự minh chứng cho nét đẹp nền văn hóa lúa nước cổ xưa của nhân dân ta.

Sau phần Lễ là phần Hội, trong đó có cuộc thi đánh lửa thổi cơm, thao diễn lại tài thao lược nuôi quân của ông cha thuở xưa, theo tướng quân Hoàng Văn Quảng (thời Hậu Lê) đi đánh giặc bảo vệ quê hương đất nước rất đặc biệt.

Trong Lễ Hội có các phần thi chính như địch thẻ (chạy ra bến đò Cựa Gà lấy số thứ tự). địch thủy là các vận động viên của các đội tay cầm nậm nước chạy ra bến đò Cựa Gà để lấy nước đổ vào chõ đồng của đội mình. Trước ngày Lễ các đội mang đồ thờ ra bao sái, những chiếc chõ đồng hàng trăm năm được lau và đánh bóng để phụng việc Làng. (Những chiếc chõ này chỉ khi Lễ hội mới được dùng đến).

Phần địch hỏa - cọ hai thanh tre vào nhau để từ 8 giây tạo thành lửa để nhóm bếp. Đây là phần thi rất quan trọng vì việc đánh lửa rất nhanh, có năm, có đội phải mất hàng tiếng mới tạo nên lửa. Nhưng vì theo phong tục dân gian, lửa là sự may mắn nên bắt buộc đội nào cũng phải có lửa mới nhóm được bếp thi.

Việc nấu cơm thi nhiều nơi đã tổ chức nhưng có lẽ tại Lễ hội truyền thống Làng Ngọc Tiên rất khác biệt. 12 nghệ nhân của 6 đội treo trên mình 12 chiếc cần trúc uốn cong và mỗi chiếc cần treo lên đó là chiếc niêu để vừa đi vừa nấu cơm (không có sự hỗ trợ của người thứ 2). Với một vòng quanh khu di tích các nghệ nhân phải thực hiện xong phần nấu cơm của mình.

Ngoài các phần thi cổ truyền thi Kéo co của các đội cũng tạo lên phần Hội lôi cuốn cho người dân. Cứ 3 năm làng vào đám lại chọn một ông Chủ Hội - là người phải còn đầy đủ vợ chồng con cái, có nếp có tẻ hạnh phúc để lo việc Tế Lễ trong 3 năm cho cả làng.

Đặc biệt tại Lễ hội Làng Ngọc Tiên, theo Hương ước làng các phần thi đều do nam giới thực hiện, phụ nữ kiêng kị không được tham gia.

Cuối ngày 15 là các đội chuẩn bị mâm cỗ thi đầy đủ để cúng Thánh và đưa vào chấm giải. Vì sự độc đáo này mà dẫu cuộc sống nhiều lo toan biến đổi nhưng nhiều năm trôi qua, người làng luôn bảo nhau rằng: “Dù ai đi khắp ba miền/Nhớ ngày lễ hội Ngọc Tiên thì về/Dù cho bận rộn tứ bề/Rằm Giêng mở hội thì về Ngọc Tiên”.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/ky-la-ngoi-lang-kieng-ki-khong-cho-phu-nu-tham-gia-le-hoi-508528.html