Kỳ lạ loạt cổ thụ mọc trên phế tích cổ ở Việt Nam

Hình ảnh những cây cổ thụ gân guốc, xù xì mọc trùm lên những phế tích trăm tuổi là minh chứng cho sức mạnh tàn phá của thiên nhiên và thời gian đối với các công trình do con người xây dựng.

Phía trước chính điện đền thờ Lương Văn Chánh ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên có một cây bồ đề cổ thụ hình dáng độc đáo bậc nhất Việt Nam. Cây bồ đề này mọc trùm lên một phế tích cổ của ngôi đền với bốn chùm rễ lớn tạo thành ba lối đi xuyên qua gốc cây.

Theo đo đạc, thân cây có chu vi 12 mét, đường kính 3,8 mét, chiều cao 21 mét. Tuổi của cây được xác định ít nhất là 196 năm (tính đến thời điểm năm 2018). Căn cứ tính tuổi được xác định dựa vào lịch sử xây dựng đền thờ danh nhân Lương Văn Chánh.

Ngôi đền được xây dựng vào những năm 1630. Trải qua thời gian, đền xuống cấp, sụp đổ và chỉ còn là phế tích. Đến năm 1822, đền được xây lại để thờ tự. Khi đó, cánh cổng cũ của ngôi đền với một cây bồ đề mọc phía trên vẫn được giữ lại.

Theo thời gian, cây bồ đề ngày càng lớn, mọc trùm lên bức tường với ba vòm cổng. Vào năm 2014, cây cổ thụ độc đáo này đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Có lịch sử hơn 700 năm, chùa Hoằng Phúc (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung. Dấu tích kiến trúc xa xưa nhất còn được lưu giữ của chùa là một cánh cổng nằm ở sân trước. Cánh cổng này gây ấn tượng đặc biệt với một cây si lớnmọc trùm lên trên.

Theo lời người cao tuổi ở địa phương, cây si đã tồn tại trong nhiều thập niên, khi chùa Hoằng Phúc rơi vào tình trạng đổ nát do chiến tranh và thiên tai. Theo thời gian, rễ cây bám chặt và len lỏi vào mọi ngóc ngách của cánh cổng.

Qua những khe hở của rễ cây vẫn có thể nhận ra những đường nét kiến trúc cổ xưa của công trình. Theo sử sách, chùa Hoằng Phúc có lịch sử hình thành từ năm 1301.

Sau nhiều thập niên hoang phế, năm 2014, chùa Hoằng Phúc được khởi công xây mới, hoàn thành vào năm 2016. Sau khi chùa được tái dụng, chiếc cổng cũ với cây si mọc phía trên được lưu giữ như một chứng tích lịch sử.

Trong khuôn viên lăng vua Minh Mạng ở Huế có một phế tích ít người biết đến, đó là Tả tùng phòng trên núi Tịnh Sơn. Điểm đặc biệt của công trình này là cánh cửa vòm cuốn đã bị một cây si cổ thụ "nuốt chửng".

Hàng trăm nhánh rễ lớn nhỏ của cây bao trùm lên bề mặt cánh cổng, tạo nên một cảnh tượng rất lạ lùng.

Sức nặng của cây khiến cánh cổng bị nứt nhiều chỗ. Đây là minh chứng cho sức mạnh tàn phá của thiên nhiên và thời gian đối với các công trình do con người xây dựng.

Phía sau cánh cổng bị cây "nuốt" là tàn tích nền móng của Tả tùng phòng. Công trình này từng là một khu nhà 3 gian, 2 chái, được xây làm nơi các thái giám ăn ở mỗi khi hộ giá vua lên thăm lăng.

Mời quý độc giả xem video: Nghe ca khúc Việt Nam quê hương tôi.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/ky-la-loat-co-thu-moc-tren-phe-tich-co-o-viet-nam-1238708.html