Kỳ lạ: Dí súng cạnh sườn Nga, Mỹ-NATO không đe dọa Nga

Washington-Brussels muốn tạo ra mâu thuẫn giữa hành động với mục đích hành động để xem Moscow phản ứng ra sao, từ đó sẽ điều chỉnh chiến lược...

Mỹ-NATO lại không đe dọa Nga?

Ngày 3/2, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg đã tuyên bố, việc điều chuyển lượng lớn binh sĩ Mỹ và liên quân tới Đông Âu và vùng Baltic là một phần trong kế hoạch tập trận chứ không nhằm chống Nga, theo hãng tin Pháp.

Người đứng đầu Ban điều hành NATO cho biết, khoảng 37.000 binh sỹ từ 18 nước sẽ tham gia cuộc tập trận do Mỹ tổ chức với tên gọi Người bảo vệ châu Âu-2020. Cuộc tập trận dự kiến diễn ra vào tháng 3 ở Đức, Ba Lan và các nước Baltic.

“Cuộc tập trận không nhằm chống lại bất cứ quốc gia cụ thể nào… Cuộc tập trận mang tính phòng thủ này thể hiện khả năng linh hoạt trong việc điều động binh sỹ từ Mỹ tới châu Âu nhằm giúp bảo vệ đồng minh", ông Stoltenberg khẳng định.

Tổng thư ký NATO còn cho hay: "Đây đợt triển khai quân lớn nhất của Mỹ tới châu Âu trong hơn 25 năm qua. Cuộc tập trận thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với NATO cũng như với an ninh và tự do của châu Âu".

Mỹ chuẩn bị có cuộc chuyển quân lớn nhất trong 1/4 thế kỷ đến Đông Âu và Baltic

Mỹ chuẩn bị có cuộc chuyển quân lớn nhất trong 1/4 thế kỷ đến Đông Âu và Baltic

Với những thông tin về cuộc tập trận Người bảo vệ châu Âu-2020, thì có thể thấy cuộc chuyển quân lớn nhất của Mỹ tới châu Âu - cụ thể là Đông Âu và Baltic- trong hơn 1/4 thế kỷ chẳng khác gì Mỹ-NATO đã "dí súng vào mạng sườn" Nga.

Vậy mà Tổng thư ký NATO lại vẫn khẳng định hành động này không chống lại Nga. Rõ ràng đây là một hiện tượng lạ, nhất là trong bối cảnh giữa Mỹ-NATO và Nga có leo thang căng thẳng sau khi INF bị hủy bỏ.

Có thể thấy, lời thanh minh của Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương về cuộc tập trận Người bảo vệ châu Âu-2020 không đe dọa Nga thì đến "đứa trẻ con cũng không nghe được", nói gì đến Moscow.

Ngày 4/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga sẽ không làm ngơ trước cuộc tập trận Người bảo vệ châu Âu-2020 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Như vậy, Moscow đã cảm nhận được mối đe dọa cuộc tập trận này.

Trước động thái này, dư luận hoài nghi về lời khẳng định lạ của Tổng thư ký NATO về cuộc tập trận Người bảo vệ châu Âu-2020. Phải chăng ông Stoltenberg không thể nói khác hay còn ẩn ý gì ở đây?

Mỹ-NATO 'rung chà', nhưng 'cá' Nga không nhảy

Giới phân tích cho rằng, lời khẳng định của Người đứng đầu ban điều hành NATO về việc cuộc tập trận Người bảo vệ châu Âu-2020 không nhằm chống lại quốc gia cụ thể nào - trong trường hợp này là Nga - là cố tình "rung chà xem cá nhảy".

Washington-Brussels muốn tạo ra mâu thuẫn giữa hành động - quy mô cuộc tập tận - với mục đích hành động - mục đích cuộc tập trận - để xem Moscow phản ứng ra sao, từ đó sẽ có những điều chỉnh về chiến lược và sách lược của NATO.

Trong trường hợp này, không khó nhận diện là Washington-Brussles trông chờ một phản ứng mạnh mẽ từ Moscow, trong đó không loại trừ Nga sẽ "trả miếng" NATO với một cuộc điều binh rậm rộ, tương xứng với Người bảo vệ châu Âu-2020.

Nếu Moscow phản ứng đúng như mong đợi của Washington-Brussels thì đó là cung cấp bảo bối cho NATO. Cụ thể, nếu Nga phản ứng quyết liệt với cuộc chuyển quân lớn nhất trong 1/4 thế kỷ của Mỹ đến châu Âu, sẽ giúp NATO có tiền để tồn tại.

Xin nhắc lại, trong thời Chiến tranh Lạnh, Washington-Brussels từng thực hiện nhiều ván cờ vô hại với họ, nhưng lại tạo sự nguy hại cho Moscow, bởi Mỹ-NATO và Liên Xô luôn "ăn miếng trả miếng", nên Moscow dễ rơi vào bẫy của đối phương.

NATO vất vả với Putin trong quá trình tìm kiếm tiền đề để tồn tại

Đáng nói là không phải việc “trả miếng” nào cũng cần thiết, song thiệt hại với Liên Xô thì luôn là chắc chắn. Bởi những cái bẫy của Mỹ-NATO đã buộc Liên Xô phải tốn rất nhiều nguồn lực để có thể ngang bằng với Mỹ-NATO cả về thế và lực.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã không chọn "ăn miếng trả miếng" với Washington, từ đó giúp Nga không thể sập bẫy của Mỹ-NATO. Điều đó đã thể hiện qua nhiều ván cờ, nước cờ của cựu điệp viên KGB này.

Đặc biệt, chiến lược đối ngoại của Tổng thống Putin đã ngăn, không cho Mỹ có cơ hội tái lập đối đầu ý thức hệ, khiến cho NATO không có tiền đề tồn tại và cơ sở thể hiện sức mạnh, từ đó khối quân sự này luôn ở trạng thái bất định.

Kế hoạch "Đông tiến" nhằm cắm cờ trên biên giới Nga, kế hoạch tăng cường phòng thủ tại Châu Âu hay tăng chi tiêu quốc phòng, thực ra chỉ là biểu hiện của trạng thái bất định mà NATO chưa thể thoát ra.

Trong bối cảnh NATO bất định thì việc đảm bảo ổn định sẽ giúp Nga chiếm ưu thế trước đối phương và Tổng thống Putin đã chọn giải pháp này. Chỉ có điều cựu điệp viên KGB lại che đậy sự ổn định trong chiến lược bằng sự biến định trong kế sách.

Chính việc tung hỏa mùa này của Putin đã khiến Washington-Brussels rơi vào mê hồn trận trong ma trận của Moscow, từ đó liên tục mắc những sai lầm trong cả nhận định đánh giá lẫn hành động đối phó. Với Người bảo vệ châu Âu-2020 cũng vậy.

Bởi như lời của Ngoại trưởng Lavrov: "Đương nhiên, chúng tôi sẽ phản ứng. Chúng tôi không thể bỏ qua cuộc tập trận quy mô lớn này của NATO, nhưng chúng tôi sẽ phản ứng theo cách không tạo ra những rủi ro không cần thiết".

Có thể thấy, trong trường hợp này, Moscow không những không rơi vào bẫy của Washington-Brussles, ngược lại còn khiến đối phương rơi vào thế bị động khi phải dò tìm "phản ứng theo cách không tạo ra những rủi ro không cần thiết" của Nga.

Tưởng chừng "Mỹ-NATO rung chà" và "cá Nga đã nhảy", song thực tế không phải vậy. Bởi lẽ "phản ứng theo cách không tạo ra những rủi ro không cần thiết" không chỉ là phản ứng với của Nga với cuộc tập trận Người bảo vệ châu Âu-2020.

Còn nhớ, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra ở Anh ngày 3 và 4/12/2019, ông Stoltenberg đã tuyên bố chi tiêu quốc phòng chung của NATO sẽ tăng thêm 130 tỷ USD vào năm 2020 và 400 tỷ USD vào năm 2024, theo TASS.

Putin không chạy theo những chuyển động của Mỹ-NATO

Điều đó có nghĩa chi phí quân sự của NATO sẽ đạt khoảng 1.250 tỷ USD vào năm 2020 và đạt tới con số khổng lồ 1.650 tỷ USD vào năm 2024. Nghĩa là chi phí của NATO lớn hơn cả GDP của Ba Lan - một thành viên quan trọng của liên minh.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương quyết định tăng mạnh chi tiêu quốc phòng là lời cảnh báo nguy hại với Liên bang Nga - thực thể được xác định là đối trọng trực tiếp và nguy hiểm nhất của NATO đến trước sinh nhật lần thứ 70 của định chế này.

Trước việc NATO quyết định tăng chi tiêu quốc phòng thời gian tới, những tưởng Nga cũng sẽ có hành động tương tự. Vậy nhưng, chính quyền Tổng thống Putin lại quyết định không không tham gia vào một cuộc đua chi tiêu quân sự với NATO.

Lý do, mà theo lời phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov, Tổng thống Putin cho rằng nếu Nga tham gia vào một cuộc đua chi quốc phòng với NATO là sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của nước này.

Mặc dù lời của ông chủ Điện Kremlin dù rất hợp lý, song dường như đó không phải lý do chính của việc Nga không chọn chạy đua với Mỹ-NATO về tăng chi phí quốc phòng, mà bản chất của vấn đề nằm ở chiến lược trong các nước cờ của Putin.

Như vậy, Mỹ-NATO đã nhiều lần "rung chà", nhưng "cá" Nga cũng nhiều lần không "nhảy". Do vậy, với cuộc tập trận Người bảo vệ châu Âu-2020, Mỹ-NATO cứ hành động, nhưng mục đích hành động thì khó mà đạt được.

Qua đây có thể thấy, quá trình đi tìm tiền đề để tồn tại của NATO gian khổ thế nào khi đối mặt với một Putin đầy tuyệt chiêu, trong đó có việc dùng biến định để đối phó với sự bất định của Mỹ-NATO, từ đó đảm bảo và nâng cao vị thế cho nước Nga.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ky-la-di-sung-canh-suon-nga-my-nato-khong-de-doa-nga-3396555/