Kỳ lạ cặp vợ chồng hễ cứ thấy người tâm thần là đưa về nuôi

Có thể thiếu thốn về vật chất, nhưng tình yêu thương con người thì không bao giờ vơi trong tâm khảm của ông Phước, bà Hạt. Cặp vợ chồng chênh nhau 10 tuổi này đã kiên nhẫn giúp những số phận kém may mắn vượt qua bệnh tật.

Bà Hạt bên những người thân yêu của mình. ẢNh: Đức Huy

Bà Hạt bên những người thân yêu của mình. ẢNh: Đức Huy

Sống là để cho đi

Một ngày cuối năm 2018, chúng tôi tìm về thăm gia đình ông Hà Tư Phước (52 tuổi) và bà Huỳnh Thị Hạt (42 tuổi, vợ ông Phước, ở thôn Ia Rôk, xã Chư H’drông, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Trong ánh nắng chiều vàng vọt, căn nhà của vợ chồng ông Phước càng trở nên cũ kĩ, xiêu vẹo. Thấy người lạ, bà Hạt đang chuẩn bị bữa cơm tối cho những người tâm thần bỏ chiếc vá múc canh ngăn nắp vào một góc rồi đon đả mời khách vào nhà. Bà Hạt cho biết, chồng bà đi vắng nên chỉ mình bà chăm sóc những “người thân” trong gia đình mình.

Ngồi trong căn nhà nhỏ của vợ chồng bà Hạt, chúng tôi liên tục thắc mắc tại sao hai người có thể “rước” những con người bất bình thường về nhà sinh sống cùng mình? Lúc này, bà Hạt chỉ khẽ mỉm cười rồi nói: “Là do cái duyên, cái số cả”.

Trầm ngâm một lát, bà Hạt kể về những ngày xưa cũ. Câu chuyện bắt đầu từ hơn 20 năm trước, khi ông Phước và bà Hạt mới lấy nhau được vài năm. Trong một chuyến chạy xe thuê, ông Phước bắt gặp một người điên lang thang cơ nhỡ. Cám cảnh cho số phận người điên không ai chăm sóc, ông Phước liền đưa lên xe chở về nhà nuôi. Cứ thế, số người điên được ông dẫn về ngày một nhiều.

Ban đầu bà Hạt cũng cảm thấy lo ngại bởi phần vì gia cảnh còn khó khăn, phần vì sợ những người điên không nhận thức được có thể làm hại đến gia đình mình. Nghĩ vậy rồi bà Hạt cũng thủ thỉ với chồng. Nhưng ông Phước trấn an vợ: “Gia đình, xã hội đã quay lưng với họ. Nếu sau này tôi cũng bị như vậy thì chẳng lẽ mình cũng bỏ tôi à?”. Nghe chồng mình nói, bà Hạt lặng người đi và kể từ đó bà cũng cố gắng phụ chồng chăm sóc những người điên.

Chuyện ông Phước nuôi người điên được lan xa, vậy là càng thêm nhiều người đưa người thân mắc bệnh “trời đày” đến tìm ông để nhờ nuôi hộ. Đến nay, gia đình ông đang nuôi tới 120 người.

Tái sinh…

Những “người thân” của vợ chồng bà nay có thể phụ giúp ông bà những công việc nhỏ.

Thời gian đầu, vợ chồng bà Hạt phải trực tiếp giặt giũ, tắm rửa cho tất cả thành viên. Chuyện ăn uống cũng rất công bằng khi người điên ăn gì, gia đình bà ăn nấy. Khổ nhất là những ngày mưa gió rét mướt, có những lúc nửa đêm, cả nhà phải đi tìm từng người đi lạc để về tắm rửa, lo cho ăn ngủ. Có như vậy, ông bà mới yên tâm vì sợ họ gây ra chuyện chẳng lành.

Sau này, ông bà phần nào đỡ cực hơn vì đã có kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc người điên. Ông bà đã hướng dẫn những người điên tự chăm sóc bản thân, chăm sóc người khác và tự biết dọn dẹp.

Để có nơi ở rộng rãi cho những người điên này sinh hoạt, vợ chồng bà Hạt cố gắng dành dụm, vay mượn bạn bè anh em, xây một khu trại trong rẫy cà phê vườn nhà. Phần vì đỡ gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh, phần sẽ tạo cho họ không gian rộng rãi, thoải mái hơn.

Do cuộc sống khó khăn, hàng ngày ông Phước nhận chạy xe thuê cho người khác. Còn bà Hạt ở nhà làm rẫy và lo cơm nước cho đại gia đình “điên dại”. Sau mỗi giờ làm mệt mỏi, ông Phước chỉ kịp lùa vội chén cơm rồi lại vội vã xuống khu trại để nói chuyện, tâm sự cùng họ.

Gọi là trại nhưng thực chất đây là chỉ là căn nhà ống dài chừng 40m được xây dựng kiên cố trên khoảng đất rộng rãi, thoáng đãng. Thấy người lạ đến, những người điên rít lên những âm thanh hoang dại và cả những tiếng la hét, hù dọa. Họ bám vào những song sắt nhìn chằm chằm người lạ. Hẳn những người yếu bóng vía sẽ bị dọa cho khiếp đảm khi đến thăm “ngôi nhà điên” ấy. Tuy nhiên, bà Hạt nhẹ nhàng thông báo đã đến giờ uống thuốc và ra hiệu cho những người bên trong giữ trật tự.

Điều kì lạ là ngay sau đó, cả khu trại bỗng nhiên im bặt. Họ xếp thành một hàng dài kéo nhau đi về phía khoảng sân nhỏ trong khuôn viên ngôi nhà. Bà Hạt nhẹ nhàng mở cửa, dắt chúng tôi vào trong. Sau đó, bà lôi một khay lớn đựng những viên thuốc màu trắng rồi bắt đầu phát cho hàng nguời trước mặt. Bà ân cần hỏi han tình trạng của mỗi người: Hôm nay có còn đau đầu không? Có còn thấy bị ma đuổi nữa hay không?...

Những người điên nhận thuốc rồi xúm lại quanh bà Hạt như đám trẻ con bên người mẹ hiền dịu. Họ kể cho bà Hạt nghe tất cả những thứ họ nghĩ trong đầu và tất cả những gì xảy ra trong ngày. Đáp lại, bà cũng chăm chú lắng nghe rồi tâm sự cùng họ. Khi tất cả đã được uống thuốc, bà Hạt nhắc những người sắp khỏi bệnh đem những người bị nặng hơn đi tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Sắp xếp công việc đâu vào đấy, bà lại lấy chổi quét dọn lại khoảng sân cho ngăn nắp.

Ít ai biết rằng, trong số những người tâm thần ấy, không ít người đã từng giết cha đánh mẹ, chém vợ con. Thế nhưng bằng tình yêu và sự khoan dung nhân hậu, vợ chồng bà Hạt đã “biến” họ trở thành những con người hoàn toàn khác.

Tình yêu cảm hóa mọi nỗi đau

Bà Hạt chia sẻ: “Đối với những người bị điên, đừng bao giờ xem họ là người bệnh mà hãy xem như anh em ruột thịt của mình. Thường xuyên trò chuyện, làm bạn và tâm sự cùng họ, hãy dùng tình yêu của mình để cảm hóa họ. Giống như những đứa trẻ bị tự kỷ, nên gần gũi và tâm sự với chúng nhiều hơn. Đừng bao giờ chỉ dùng thuốc. Thuốc chỉ có tác dụng để cắt cơn đau, chứ không có tác dụng cảm hóa được con người….”.

Anh Ngô Thanh Văn (26 tuổi, trú tại TP Pleiku) từng là một thanh niên nghiện ngập, thường xuyên lên cơn thần kinh và đập phá đồ đạc trong nhà. Tuy nhiên chỉ sau 5 tháng về trại của gia đình bà Hạt, căn bệnh của chàng trai này đã dần bình phục.

Anh Văn vừa rửa chén bát, vừa tâm sự: “Trước đây, tôi là một thanh niên ăn chơi rồi bị nghiện. Bước ra từ trại cai nghiện nhưng tôi vẫn không biết hối lỗi. Cho đến khi tôi bị thần kinh, thường xuyên đau đầu và đập phá đồ đạc. Rồi tôi được ba Phước nhận về nuôi. Sau 5 tháng vào đây, tôi mới hiểu ra mọi chuyện. Tôi muốn có vợ, có con và chăm mẹ ở nhà”.

Không chỉ có anh Văn, rất nhiều người khi đến với gia đình bà Hạt đều khù khờ và điên dại, nhưng đến nay đã biết nấu cơm, rửa chén. Thậm chí, những công việc lao động chân tay như hái cà phê họ cũng làm rất nhanh và bài bản.

Chúng tôi chia tay khu trại điên khi mặt trời đã khuất lấp sau dãy núi phía tây. Những bóng người điên vẫn vật vờ bám vào song sắt, đôi mắt vô hồn chằm chằm nhìn người lạ. Bên trong, bà Hạt đang tiếp tục dọn dẹp khu trại. Đôi mắt những người điên cũng dần dịu xuống hiền lành khi bắt gặp bóng dáng người đàn bà nhân hậu.

Khi trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Phạm Văn Trang – Trưởng công an xã Chư Hdrông cho biết, từ lâu nay gia đình ông Phước đã nhận những người tâm thần về nuôi, nhiều người ở các bệnh viện tâm thần cũng đến đây và ông Phước đã xem họ như người thân trong nhà.

Ngoài tấm lòng nhân ái của hai vợ chồng, cũng có nhiều mạnh thường quân hỗ trợ, giúp đỡ. Bên trạm xá của xã cũng thường xuyên nhận thuốc trên tỉnh về trao đến gia đình để hỗ trợ phần nào với những người kém may mắn này. Hiện tại, kinh tế gia đình ông Phước cũng khá ổn định, ngoài ngôi nhà hơn 3 tỷ ở mặt đường ông còn có hơn 2ha cà phê và một đàn bò. Nhiều người tâm thần một thời gian ở với ông Phước đã biết đi chăn bò, hái cà phê.

Đức Huy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ky-la-cap-vo-chong-he-cu-thay-nguoi-tam-than-la-dua-ve-nuoi-2019011121395351.htm