Kỳ lạ cả dãy phố lớn bày lễ ra đường để rước Thánh giữa trung tâm Hà Nội

Trước Rằm tháng Giêng, cả một dãy phố lớn ở Hà Nội đã hoan hỉ bày bàn lễ ra đường và chiêng, trống, cờ quạt tưng bừng rước Thánh.

Sáng ngày 1/3/2018 (tức 14 tháng Giêng năm Mậu Tuất), các nhà dân ở khu vực gần Công viên Thủ Lệ đã bày lễ thành hàng... trên phố Đào Tấn (Hà Nội).

Những chú lân vui vẻ sà vào các bàn lễ ven đường "xin" tiền và được các chủ lễ hoan hỉ lì xì bằng phong bao và những tờ tiền mới cứng.

Đi sau các chú lân là một cụ già phúc hậu. Cụ tiến tới cài những đồng tiền lộc lên các bàn lễ.

Theo người dân ở đây, hôm nay họ làm Lễ rước kiệu đức thánh Linh Lang về Đền Thủ Lệ chuẩn bị cho Lễ hội làng Thủ Lệ sắp tới. Lễ hội tưởng nhớ đức thánh Linh Lang Đại Vương (nằm trong khuôn viên Đền Voi Phục, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội - khác với Đền Voi Phục ở 251 phố Thụy Khuê).

Lễ rước đi đầu là Đội cờ - trong đó có lá Cờ lệnh của vị thần trấn phía Tây, rồi tới đội đồng văn, đội bát âm, đội rước long đình, đội nghi trượng hộ giá long đình (đi hai bên).

Sau đội trống chiêng là những đại khí nhạc, với âm thanh vang vọng dẫn đường cho đám rước.

Trống và chiêng đặt trên giá kéo, hoặc hai người khiêng. Trống chiêng điểm khoan thai - đại diện cho âm thanh của trời đất. Sau đó là hai hàng chấp kích đại diện cho văn - võ đi hai bên.

Long đình là trung tâm của đám rước. Trên long đình có chân nhang hoặc bài vị biểu hiện cho thần ngự.

Đội nghi trượng đi sát hai bên hộ giá long đình. Các phường bát âm, sinh tiền múa ở hai mép đường rước, người múa chính giữa phải múa lùi, quay mặt vào long đình…

Điều hành, quán xuyến toàn bộ đám rước là người am hiểu nghi lễ, do dân bầu ra, không cần có chức vị trong xã hội xưa.

Đi sau đám rước là đội tế, các bô lão cùng đông đảo người dân. Đám rước và tế lễ cúng thành hoàng thật linh đình, long trọng và mang nhiều quy ước, luật tục...

Chính hội làng Thủ Lệ bắt đầu từ mùng 09 - 10/2 âm lịch hàng năm (có thể kéo dài từ 3 tới 10 ngày tùy theo sự đóng góp của dân).

Ngày 10/2 là ngày hóa của Thánh, cũng là ngày các nghi thức trung tâm của lễ hội được tế lễ linh đình.

Đáng chú ý trong lễ hội là: Lễ rước kiệu, lễ tế, múa rồng, múa lân, dâng hương, đấu cờ, đập niêu, chọi gà, biểu diễn văn nghệ...

Lễ hội của đền là một cuộc sinh hoạt văn hóa thường niên, mang tính chất mở, với sự tham gia của thập phương, vượt ra ngoài không gian đất Thủ Lệ, ít nhất là vùng Thụy Khuê, Thủ Lệ, Vạn Phúc rồi vùng Thập tam trại và cả Bồng Lai (Đan Phượng - Hà Tây).

Truyền thuyết Đền Voi Phục

Đền Voi Phục còn có tên gọi là đền Thủ Lệ, tứ trấn phía Tây của kinh thành Thăng Long, luôn được tôn tạo xứng đáng, vì đó là một điểm sáng tâm linh thiêng liêng trong tinh thần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Đền Voi Phục liên quan trực tiếp với kinh đô và hội nhiều dòng chảy của tín ngưỡng dân gian để tồn tại với thời gian, là điểm đến của tín ngưỡng, văn hóa bảo lưu đậm nét truyền thống cha ông để lại từ cúng tế, rước sách đến dàn nhạc lễ.

Đền thờ Linh Lang Đại vương, con trai thứ 4 của vua Lý Thánh Tông (thuộc đời Lý). Ngài là Hoàng tử thứ 4, con vua Lý Thánh Tông và cung phi thứ 9 là bà Ngạo Nương.

Khi nhà Tống và quân Chiêm Thành xâm chiếm nước ta, Hoàng tử đã xin vua cha được ra trận để dẹp giặc. Với tài thao lược của mình, Hoàng tử Linh Lang đã đánh tan quân giặc, giữ yên được bờ cõi.

Có truyền thuyết rằng Ngài là con của Long Vương, tên gọi là Hoàng Châu, thác sinh. Ngài là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống và đã hy sinh trên phòng tuyến sông Cầu vào năm 1076.

Sau khi mất, được người dân Thủ lệ lập đền thờ và được nhà vua sắc phong là Linh Lang Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần.

Thần đã nhiều lần âm phù giúp nhà Trần trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông và nhà Lê trong cuộc phục hưng.

Ngọc Hà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ky-la-ca-day-pho-lon-bay-le-ra-duong-de-ruoc-thanh-giua-trung-tam-ha-noi-20180301142733488.htm