Ký kết Biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững

Theo bản ghi nhớ này, các bên tham gia cùng cam kết hợp tác và phối hợp trong việc thực hiện kế hoạch thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững tại Việt Nam đến năm 2025.

Ngày 30/3, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH), và Diễn đàn “Sáng kiến Gia vị Bền vững" (SSI) đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc cùng nhau hợp tác nhằm thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2025.

Theo bản ghi nhớ này, các bên tham gia cùng cam kết hợp tác và phối hợp trong việc thực hiện kế hoạch thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững tại Việt Nam đến năm 2025. Cụ thể, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ đóng vai trò làm đầu mối thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống chính sách và năng lực trong quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm. Đồng thời, thúc đẩy liên kết sản xuất an toàn, giám sát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc hồ tiêu xuất khẩu nhằm nhân rộng quy mô sản xuất hồ tiêu, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

 Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa các bên về việc cùng nhau hợp tác nhằm thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững tại Việt Nam (Ảnh: NQ)

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa các bên về việc cùng nhau hợp tác nhằm thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững tại Việt Nam (Ảnh: NQ)

Trong khi đó, SSI có trách nhiệm điều phối với Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA) và Hiệp hội Gia vị Hoa Kỳ (ASTA) về các yêu cầu chất lượng của thị trường và kết nối các công ty thành viên đầu tư vào sản xuất bền vững trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam. IDH sẽ đóng vai trò tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ tài chính, và điều phối sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho nỗ lực hợp tác công - tư này.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn về hồ tiêu. Hiện hồ tiêu Việt Nam chiếm khoảng 60% tổng sản lượng hồ tiêu được giao dịch trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu Việt Nam lại đang đứng trước những thách thức lớn như giá bán thấp, thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu đang ngày khắt khe hơn của các thị trường thế giới.

Do đó, tăng cường hợp tác công - tư có hiệu quả là lời giải thích hợp cho bài toán này trên cơ sở mỗi bên đều phát huy được thế mạnh của mình. Khối công sẽ hỗ trợ tạo môi trường chính sách thuận lợi và khối tư sẽ có vai trò tích cực trong kết nối thị trường và đảm bảo sản xuất bền vững đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường. “Tôi tin rằng Biên bản thỏa thuận được ký kết ngày hôm nay sẽ trở thành một động lực lớn thúc đẩy ngành hồ tiêu Việt Nam đạt được mục tiêu sản xuất bền vững” – ông Nguyễn Quý Dương nhấn mạnh.

Theo ông ông Alfons Van Gulick – Chủ tịch điều hành SSI, hồ tiêu Việt Nam là nguồn nguyên liệu rất quan trọng đối với SSI. SSI cam kết và tự hào được cùng đồng hành đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành hồ tiêu Việt Nam.

Tại lễ ký kết, ông Huỳnh Tiến Dũng – Giám đốc tổ chức IDH tại Việt Nam chia sẻ, trong vài năm gần đây, thông qua sự kết nối của IDH, SSI đã hợp tác với Tổ hợp tác công - tư ngành hàng hồ tiêu trong nhiều hoạt động như: cùng tổ chức các diễn đàn đối thoại công - tư, hợp tác xây dựng tài liệu tập huấn cho nông dân, phối hợp với các công ty trong nước thực hiện nhiều dự án liên kết chuỗi hồ tiêu… Tuy nhiên, việc ký kết ngày hôm nay đã thể hiện mức độ cam kết hợp tác lên một tầm cao mới, toàn diện hơn.

Những nỗ lực và cam kết hợp tác giữa các bên đã được ghi nhận bởi Liên Minh Châu Âu (EU). Đầu năm nay, EU đã hỗ trợ 1 dự án về “Thúc đẩy sản xuất thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam” với các đối tác thực hiện là IDH, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam và Hiệp hội gia vị Châu Âu. Dự án này sẽ là một tác nhân quan trọng góp phần hỗ trợ Việt Nam và SSI thực hiện các cam kết một cách hiệu quả nhất./.

BT

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/ky-ket-bien-ban-ghi-nho-nham-thuc-day-san-xuat-va-thuong-mai-ho-tieu-ben-vung-577537.html