Kỳ II: Sạch từ nhà, đẹp từ ngõ

Những năm qua, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và ý thức bỏ rác đúng nơi quy định nói riêng, nhiều khu dân cư đã triển khai nhiều sáng kiến, sáng tạo như ghi hình, bêu tên, hình ảnh những trường hợp bỏ rác sai nơi quy định… Nhờ đó, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực.

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Nằm sâu trong một con hẻm ở đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, chiếc cột điện không chỉ mang trên mình trách nhiệm mang lại ánh sáng mà còn gắn trên mình những bức ảnh nhỏ, như một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng về việc đổ rác văn minh.

Chủ nhân của sáng kiến này là chị Nguyễn Thị Thùy Linh, ngách 24 ngõ 85 đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy

Những bức ảnh người dân đổ rác không đúng nơi quy định đã góp phận hạn chế vi phạm.

Những bức ảnh người dân đổ rác không đúng nơi quy định đã góp phận hạn chế vi phạm.

Sống ngay cạnh bãi rác thải bốc mùi, chị Nguyễn Thị Thùy Linh đã nảy ra ý tưởng in hình các “rác tặc” thông qua trích xuất camera treo lên cột điện. Nói về ý tưởng này, chị Linh cho biết: “Mình về làm dâu ở đây cũng đã được hơn chục năm. Hàng ngày, thấy các bác trong tổ dân phố vất vả, đau đầu vì việc người dân đổ rác không đúng nơi quy định, liên tục phải nhắc nhở, thậm chí là rình để bắt người đổ trộm rác thải nên bản thân cũng thấy thương các bác. Bên cạnh đó, nhà mình cũng là một trong những nhà chịu nhiều ảnh hưởng do rác bốc mùi xú uế.

Vì không có thời gian đổ rác theo giờ quy định hoặc lúc có người thu gom đến, nên nhiều người ngang nhiên mang rác ra ngã ba đổ. Những người đổ trộm rác chủ yếu là người dân sống xung quanh khu vực này, có thể là các em sinh viên, các giúp việc của một số gia đình. Từ một sáng kiến nhỏ của chị Linh, các bức hình được treo đã phát huy tác dụng, việc đổ trộm rác vào ban đêm đã chấm dứt.

Tương tự với ngõ 85 đường Xuân Thủy, đoạn đường đầu ngõ 94 phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) từ lâu vẫn luôn là điểm nhức nhối về tình trạng tập kết rác thải bừa bãi.

Điều đáng nói là sau mỗi lần công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hai Bà Trưng, tiến hành thu dọn, vận chuyển rác về đúng vị trí tập kết theo quy định thì gần như ngay sau đó, một số người dân thiếu ý thức lại mang rác ra đây tập kết.

Bình nước miễn phí ngay tại các bãi rác tự phát đã góp phần hạn chế tình trạng này.

“Tình trạng người dân tập kết rác tại khu vực này đã diễn ra từ nhiều năm nay. Mặc dù, xe rác của Công ty môi trường vẫn định kỳ thu dọn nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng ô nhiễm. Sau khi rác được chở đi, mùi hôi thối từ rác vẫn còn dư âm, nước rỉ rác đen ngòm đọng lại trên mặt đường gây mất mỹ quan đô thị” - chị Trần Ánh Tuyết một người dân sống gần đó cho hay.

Trước tình trạng này, một số đơn vị, đặc biệt là Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đã xây dựng kế hoạch xóa các “điểm đen” về rác. Đối với điểm đen tại ngõ 94 phố Bạch Mai, thay vì chỉ gắn biển tuyên truyền nhắc nhở, cán bộ Công ty Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh Hai Bà Trưng đã đặt thêm tại đây một bình nước miễn phí phục vụ người dân.

Sáng kiến này đã mang lại hiệu quả bất ngờ sau 2 tháng triển khai. Bà Trần Thị Tâm, Phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng cho biết, việc đặt bình nước ở đây rất tiện, vừa phục vụ tốt cho nhân dân, vừa là làm đẹp cho cảnh quan của phố phường. “Từ ngày đặt bình nước ở đây, môi trường ở chỗ này đã sạch sẽ hơn. Người dân tự giác không vứt bừa bãi, đến giờ quy định thì mang ra đổ” – bà Tâm nói.

Nâng cao văn minh đô thị từ việc thu gom rác theo giờ.

Đến nay, đã có gần 10 bình nước miễn phí được đặt ở phố Bạch Mai. Những bình nước này như lời nhắc nhở người dân không xả rác bừa bãi mà giữ vệ sinh để được sử dụng nước miễn phí.

Chung tay vì đô thị văn minh

Theo bà Nguyễn Thị Nhàn, ở tổ dân phố 9, phường Bạch Đằng, công việc thu gom rác ở đây được thực hiện quy củ. Hàng ngày, cứ đúng 19h, xe rác loại nhỏ của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội sẽ vào tận khu tập thể để thu gom rác, người dân mang rác đổ vào thùng. Những gia đình có người đi làm về muộn có thể đem rác ra đầu ngõ đổ vào thùng cố định.

“Nhờ sự tích cực thực hiện của người dân mà tổ dân phố chúng tôi đã không còn các điểm tập kết rác gây mùi khó chịu như trước đây”, bà Nhàn cho biết.

Là Tổ phó tổ dân cư, bà Nguyễn Thị Thanh, tổ dân phố 25, phường Bồ Đề, quận Long Biên, thường xuyên phải đi cùng đoàn cán bộ tổ dân phố đến từng hộ gia đình để vận động người dân ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh đô thị, trong đó triển khai mô hình "3 sạch”: sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp…

Nhờ đó, hầu hết các gia đình trong ngõ đều thực hiện nghiêm việc giữ gìn vệ sinh môi trường, không để rác trước cửa nhà, mà mang rác ra tập kết tại các thùng rác được bố trí gần nhà văn hóa của tổ dân phố.

Cuộc vận động “5 không 3 sạch” đã được lan tỏa đến hầu hết các ngõ, xóm, khu dân cư.

Đến nay, mô hình này cũng đã được nhân rộng ra toàn quận Long Biên, giờ đây không chỉ tuyến phố Phú Viên mà hàng loạt tuyến phố lớn khác trên địa bàn quận như Nguyễn Văn Cừ, Bồ Đề, Gia Thụy, Nguyễn Sơn, Trường Lâm... đã giữ được bộ mặt đô thị "sáng, xanh, sạch, đẹp" bởi người dân có ý thức đổ rác đúng giờ và đúng nơi quy định.

Thực tế tại Hà Nội, qua sự phối hợp trách nhiệm của hội viên Hội phụ nữ với Trung tâm y tế và hiệu quả trong thực hiện cuộc vận động “5 không 3 sạch” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ phát động từ năm 2010 với “5 không”: gia đình không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, gia đình không sinh con thứ 3 trở lên, gia đình không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; “3 sạch”: sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp… nhiều nơi đã kiểm soát tốt, không để xảy ra tình trạng mất vệ sinh môi trường.

Đặc biệt, tại nhiều địa phương, phong trào tổng vệ sinh sáng ngày cuối tuần không những được nhân rộng sang nhiều khu phố mà còn thu hút ngày càng đông đảo người dân tham gia. Đơn cử như tại phường Thanh Xuân Nam, không ai bảo ai, đều đặn vào các buổi sáng thứ 7 hàng tuần, hội viên Chi hội Phụ nữ số 2 (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân) lại thực hiện dọn dẹp vệ sinh môi trường, tổng vệ sinh khu phố. Đến nay, việc làm này đã thành thông lệ thu hút đông đảo chị em tham gia.

Có thể nói, những nỗ lực tuyên truyền về giữ gìn văn minh đô thị đã mang lại những tín hiệu đáng mừng để góp phần giữ cho thành phố xanh, sạch, đẹp hơn. Tuy nhiên, để công tác giữ gìn vệ sinh chung được thực hiện nghiêm túc, nền nếp, cần sự chung tay của chính quyền và cơ quan chức năng trong việc hướng dẫn, tuyên truyền cũng như giám sát và xử lý những vi phạm. Và quan trọng hơn, ý thức, sự hợp tác của người dân chính là yếu tố then chốt để xây dựng nếp sống văn minh.

Tuấn Dũng

(Còn nữa)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-ii-sach-tu-nha-dep-tu-ngo-95064.html