Kỳ II: Gỡ nút thắt về hạ tầng

Tiềm năng về du lịch tàu biển là rất lớn song nút thắt lớn nhất hiện nay chính là hệ thống cảng chuyên dụng phục vụ du khách. Dù đã có chủ trương xã hội hóa trong đầu tư nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

Kỳ I: Sức hút du lịch tàu biển

Lợi ích từ cảng chuyên dụng

Kinh nghiệm từ các quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy, việc tận dụng các cảng nước sâu để phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch tàu biển đã mang lại những lợi ích vô cùng to lớn, thậm chí nhiều cảng đã trở thành biểu tượng của địa phương, tạo nền tảng và động lực cho sự giao thoa quốc tế, phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội. Đơn cử như bến cảng New York (Mỹ), cảng Venice (Italia), cảng Vancouver (Canada), cảng Victoria (Hong Kong). Hầu hết các thành phố cảng này đều có các cửa hàng, nhà hàng, rạp chiếu phim và khách sạn, trung tâm văn hóa, giải trí, điểm du lịch... đầy đủ lựa chọn cho du khách.

Cảng khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh) vừa đi vào sử dụng là bước đột phá cho du lịch tàu biển Việt Nam

Cảng khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh) vừa đi vào sử dụng là bước đột phá cho du lịch tàu biển Việt Nam

Ông Emre Sayin- Giám đốc điều hành Tập đoàn Global Ports Holding (Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành du lịch cảng biển, đó là vị trí địa lý thuận lợi. Tuy nhiên cần có chiến lược đúng đắn trong việc kết nối phát triển ngành này. Theo đó, nhiều tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam có thể xây dựng được mô hình cảng biển có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trong khu vực. Bởi lẽ, Việt Nam có nhiều cảng biển gắn liền với phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời, đơn cử như Hạ Long, Đà Nẵng hay Nha Trang. “Nếu được đầu tư bài bản, đồng bộ các dịch vụ, nguồn nhân lực vận hành tốt, chiến lược quảng bá phù hợp, chắc chắn rằng các hãng lữ hành du lịch tàu biển sẽ có sự thay đổi trong hành trình của mình, chọn cảng biển của Việt Nam là một trong những điểm cập bến trong 2 năm tới”- ông Emre Sayin khuyến nghị.

Tín hiệu tích cực cho thấy, hiện nhiều địa phương đã xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có du lịch tàu biển. Ví dụ như Đà Nẵng, địa phương này đang mong muốn xây dựng thành điểm đến an toàn, thân thiện và đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đón hơn 9 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế, riêng khách tàu biển sẽ là 185 nghìn lượt khách. Hiện, Đà Nẵng đang gấp rút đầu tư cảng hàng hóa Liên Chiểu để chuyển cảng Tiên Sa thành cảng chuyên dụng phục vụ khách du lịch. Đồng thời, không ngừng kêu gọi đầu tư hình thành các dịch vụ phục vụ du khách đạt chuẩn quốc tế; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành kinh doanh khai thác nguồn khách, tạo điều kiện cho các hãng tàu làm thủ tục thuận lợi; đầu tư nâng cấp sản phẩm phục vụ du lịch…

Còn nhiều nút thắt

Theo ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) - con số thống kê về khách du lịch tàu biển đến Việt Nam vẫn chưa sát với thực tế và chưa xứng với tiềm năng. Nguyên nhân, là do sản phẩm du lịch tàu biển của Việt Nam khá nghèo nàn, khiến cho thời gian lưu trú ít, chi tiêu của du khách còn thấp; hoạt động xúc tiến quảng bá chưa hiệu quả, chưa tiếp cận, tham gia được nhiều vào các hội chợ du lịch tàu biển, kết nối giữa điểm đến và các hãng tàu biển du lịch thế giới thiếu chủ động….

Muốn phát triển du lịch tàu biển, cần sớm quy hoạch, xây dựng cảng biển như sân bay gồm cầu cảng, nhà ga đón khách và cung cấp các dịch vụ

Đặc biệt, điểm nghẽn được quan tâm nhất trong việc khai thác, phát triển ngành công nghiệp du lịch tàu biển, theo nhiều chuyên gia chính là hệ thống cảng và dịch vụ du lịch biển. Hệ thống cảng biển đã được quy hoạch và đầu tư, tuy nhiên cảng chuyên biệt để đón khách du lịch hầu như rất ít, chủ yếu là kết hợp với cảng hàng hóa không an toàn; một số cảng do phí đón tàu khách thấp, nên thường ưu tiên đón tàu hàng hơn; hệ thống dịch vụ, kỹ thuật tại cảng biển chưa đồng bộ; một số tàu không cập cảng được do phải nhường vị trí cho tàu chở hàng…

Đơn cử như trước năm 2018, phần lớn các tàu biển quốc tế đến Hạ Long đều cập cảng nổi Hòn Gai, neo đậu cách bờ khoảng 500m. Sau đó khách được chuyển sang xà lan, hoặc tàu gỗ nhỏ để tăng bo vào bờ. Hành trình di chuyển này rất mất thời gian, bất tiện và không an toàn.

Do đó, “để khai thác, phát triển du lịch tàu biển, chúng ta cần sớm quy hoạch, xây dựng cảng biển như sân bay, đó là phải có cầu cảng đón tàu, có nhà ga làm thủ tục xuất nhập cảnh, cung cấp các dịch vụ tiện ích đa dạng cho du khách” - ông Nguyễn Quý Phương nhấn mạnh.

Tại một hội thảo tổ chức cuối năm 2018 tại Quảng Ninh, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới những hạn chế trong thu hút khách quốc tế du lịch qua đường tàu biển đến nhiều địa phương ở nước ta là thiếu cảng tàu khách chuyên biệt, nghĩa là cảng tàu khách dùng chung với tàu hàng. Điều này dẫn đến việc tàu du lịch biển bị chậm đón tiếp, hoặc không có chỗ neo đậu. Trường hợp như tàu Ovation of The Seas (4.000 du khách và 1.600 thủy thủ đoàn), dù đã đăng ký cập cảng Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) trước 18 tháng nhưng khi đến đây vào tháng 4/2018 đã phải lênh đênh ngoài biển vì lý do tàu hàng đã lấp đầy cảng. Hay đầu tháng 9/2018, tàu Voyager of the Seas chở 2.800 khách đến TP. Hồ Chí Minh đã phải hủy do không có chỗ neo đậu…

TS. Hà Bích Liên - giảng viên Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh nhận định, việc thiếu bến cảng đón tàu du lịch đang trở thành nút thắt lớn “chặn” sự phát triển du lịch tàu biển của Việt Nam. Trong đó, hậu quả của việc thiếu bến cảng đã làm cho rất nhiều công ty lữ hành mất khách, người dân, dịch vụ, nhà nước bỏ lỡ nguồn thu lớn.

Mở cơ chế thu hút đầu tư cảng biển

Việt Nam có hệ thống 6 nhóm cảng biển được quy hoạch để đón khách du lịch tàu biển, gồm: Nhóm cảng phía Bắc, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long; chỉ có 7 cảng biển chuyên dụng đón khách có trọng tải lớn từ 50.000-100.000GT, như cảng: Tiên Sa (Đà Nẵng), Hòn Gai (Quảng Ninh), Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Nha Trang (Khánh Hòa), Sao Mai - Bến Đình (Vũng Tàu), bến khách sông Sài Gòn - Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh), Mũi Đất Đỏ (Phú Quốc - Kiên Giang)…

Theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ, khu vực miền Bắc, miền Trung sẽ xây dựng các bến chuyên dụng phục vụ tàu khách du lịch quốc tế có thể đón tàu khách cỡ lớn từ 100.000 - 225.282GT, trong đó, cảng khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh) đã chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng. Còn các cảng khác vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Nhận định về thu hút đầu tư vào các bến cảng khách quốc tế, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho là đang còn rất khó khăn. Trong đó, các bến cảng chuyên dùng cho tàu khách cỡ lớn chưa được đầu tư, việc giải quyết trước mắt cho các cảng hàng hóa tiếp nhận các tàu khách quốc tế phục vụ du lịch cũng không được các doanh nghiệp cảng hàng hóa hưởng ứng, sợ ảnh hưởng đến hoạt động bốc dỡ hàng hóa. Mặt khác, hiện nay nguồn thu hoạt động tiếp cận tàu khách quá thấp so với mặt bằng quốc tế cũng làm cho các bến cảng không mặn mà; các đơn vị lữ hành quốc tế, đại lý tàu khách thuê cầu cảng thông thường chỉ 2-3 tháng nên việc bố trí cầu cảng cho tàu neo đậu rất bị hạn chế.

Ông Lê Phú Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ - cho biết, một trong những yếu tố quan trọng để phát triển hệ thống cảng chuyên dụng là cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới và kêu gọi hợp tác đầu tư nước ngoài theo hình thức công tư. Một số nước, chính quyền đầu tư cảng rồi giao doanh nghiệp thông qua đấu thầu, hoặc giao luôn dự án cho doanh nghiệp đầu tư. Với vai trò kết nối, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp hai bên tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư vì lợi ích chung của quốc gia.

Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam cũng đã có quan điểm là xã hội hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư cảng biển để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch tàu biển Việt Nam nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. “Nếu không có chính sách thu hút đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển phù hợp, và vận hành khai thác hiệu quả sẽ là bước cản lớn đối với ngành du lịch tàu biển Việt Nam” - ông Nguyễn Quý Phương khuyến cáo.

Điều đáng mừng là cuối tháng 11/2018, cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt, hiện đại đầu tiên của cả nước do Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long đầu tư tại Hạ Long đã chính thức đi vào hoạt động. Cảng có thể đón được tàu có tải trọng lớn nhất lên đến 225.000 GRT, với tổng số người lên đến 8.460 (bao gồm cả hành khách và thủy thủ đoàn), phục vụ được 2 tàu đậu cùng lúc.

Có thể nói, các bước tiến về cải cách thể chế, nhất là trong việc đầu tư đã mở ra cơ hội lớn cho các thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực đầu tư hạ tầng du lịch biển. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát triển ngành du lịch biển không chỉ là việc đầu tư hạ tầng mà còn nhiều hoạt động khác để gia tăng các dịch vụ, tạo dựng thương hiệu, thu hút khách du lịch đến nhiều hơn.

Để Việt Nam trở thành nơi dừng chân lý tưởng của các hàng tàu lớn, hạng sang trên thế giới, phải có những giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn kịp thời; cần sự chung tay và nỗ lực của địa phương và doanh nghiệp trong xây dựng cơ chế, nhân lực chất lượng, điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn để giữ chân du khách dài ngày, chi tiêu nhiều hơn.

Kỳ III: Chuyên gia hiến kế

Đình Dũng - Hoa Quỳnh - Nguyễn Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ky-ii-go-nut-that-ve-ha-tang-120033.html