Kỳ I: Vì sao Quảng Ninh chọn OCOP?

Nhắc đến Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều người nghĩ ngay đến Quảng Ninh – địa phương đi đầu và gặt hái được nhiều thành công từ OCOP. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu mà chương trình đặt ra, còn cả một hành trình dài.

Tái cơ cấu nông nghiệp – kỳ vọng vào OCOP

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, năm 2013 Quảng Ninh phê duyệt và tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án "Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm". Năm 2014, chương trình chính thức được triển khai. Dựa vào nguyên lý hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh (sản xuất ngoài cánh đồng - thu hoạch - chế biến - tiêu thụ), Chương trình OCOP khi đó được Quảng Ninh kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

 Quy trình sản xuất an toàn góp phần gia tăng chất lượng và sản lượng tiêu thụ

Quy trình sản xuất an toàn góp phần gia tăng chất lượng và sản lượng tiêu thụ

Xác định 2 đối tượng quan trọng của chương trình là sản phẩm/dịch vụ và các tổ chức kinh tế, OCOP được Quảng Ninh thiết kế để các cá thể, hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, thông tin thị trường và xúc tiến thương mại.

Từng làm lãnh đạo Sở Nông nghiệp, nay về Ban xây dựng nông thôn mới (NTM) nên với ông Nguyễn Văn Đức – Phó Trưởng ban Xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh – OCOP giống như một câu chuyện hấp dẫn kể mãi không hết. "Ngay khi bắt đầu triển khai, Chương trình OCOP đã được quán triệt đến Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị tỉnh; Bí thư, Chủ tịch cấp huyện; Bí thư, Chủ tịch 186 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; các tổ chức kinh tế, đối tác tham gia Chương trình OCOP. Ban Chỉ đạo OCOP cũng khẩn trương được thực hiện. Việc tổ chức đưa cán bộ đi nghiên cứu, học tập tại Nhật Bản, Thái Lan, mời chuyên gia tư vấn lập các đề án, xây dựng bộ công cụ; đẩy mạnh công tác truyền thông cũng được tỉnh thực hiện thường xuyên, liên tục" – ông Nguyễn Văn Đức cho hay.

Trên cơ sở các nội dung đã được xây dựng, từ năm 2014 - 2018, trong số 200 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng NTM/năm, Quảng Ninh dành 10% hỗ trợ Đề án OCOP cấp tỉnh; cấp huyện dành 40 - 50% hỗ trợ sản xuất (chủ yếu hỗ trợ lãi suất tín dụng để đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị; hỗ trợ thiết kế tem nhãn bao bì bảo hộ nhãn hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại... cho các sản phẩm OCOP).

Với sự "hà hơi tiếp sức" từ nguồn kinh phí xây dựng NTM, các sản phẩm miến dong Bình Liêu, trà hoa vàng Ba Chẽ, gốm sứ mỹ nghệ Quang Vinh, nước khoáng Quang Hanh... bắt đầu được người tiêu dùng biết tiếng, sản lượng tăng cao từng năm. Khái niệm "OCOP" đã được nhiều cơ sở sản xuất tìm hiểu và mong muốn được tham gia. Từ thành thị đến nông thôn Quảng Ninh, ở đâu có sản xuất/dịch vụ, ở đó người dân sôi nổi bàn chuyện OCOP. Nhờ OCOP, nông nghiệp – nông thôn Quảng Ninh ghi nhận những đổi thay mạnh mẽ.

Từ kết quả trông thấy của Chương trình xây dựng NTM, tỉnh quyết tâm đẩy nhanh hành trình về đích NTM, theo đó từ năm 2019 đến 2020, số tiền dành hỗ trợ NTM của Quảng Ninh đã tăng lên 300 tỷ đồng/năm. Từ đây, Chương trình OCOP có thêm nguồn lực để thêm nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng. Đáng ghi nhận, từ chỗ phải tuyên truyền, vận động hướng dẫn, đến nay người dân đã chủ động tham gia đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, hoàn thiện các sản phẩm OCOP.

Tiên phong và thách thức

Trong câu chuyện với chúng tôi, Phó Trưởng ban Xây dựng NTM Nguyễn Văn Đức càng nói càng hào hứng. Bởi đơn giản, ông là người đã từng tham gia tổ chức các cuộc họp để tuyên truyền, hướng dẫn về Chương trình OCOP, trực tiếp lăn lộn ngoài ruộng đồng kiểm tra, rà soát quy trình sản xuất các sản phẩm OCOP; kết nối các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Vui – buồn – âu lo – trăn trở - cả những nghi ngại với chương trình, ông Nguyễn Văn Đức đều đã từng nếm trải: "Khó khăn không ít. Vì OCOP là "sân chơi" của cộng đồng, với các cá thể, hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên việc tuyên truyền, tập huấn cho người dân không đơn giản. Hơn thế, Chương trình OCOP tổng hợp nhiều lĩnh vực (từ nông nghiệp đến y tế, công thương, khoa học - công nghệ) nhưng thực tế vẫn chỉ vận dụng được cơ chế, chính sách của nông nghiệp. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP chủ yếu là sản phẩm địa phương, nhỏ lẻ... nên vẫn dựa vào hỗ trợ là chính, chưa đủ mạnh để thu hút đầu tư...".

Xác định được những hạn chế này, giai đoạn 2014 - 2016, OCOP Quảng Ninh tập trung đến yếu tố "linh hoạt" (linh hoạt từ quy trình sản xuất, hồ sơ, khuyến khích người dân tham gia); sang giai đoạn 2017 - 2020, chương trình bắt đầu đi sâu vào chất lượng sản phẩm và hướng tới sự khác biệt. Vì vậy, cùng với nhiều sản phẩm được xếp hạng 5 sao, 4 sao, 3 sao; năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã mạnh tay thu hồi giấy chứng nhận đạt sao của 10 sản phẩm thuộc Chương trình OCOP. Tiếp đó, ngày 10/1/2020, Ban xây dựng NTM tỉnh quyết định đưa 65 sản phẩm không đạt chuẩn ra khỏi chương trình này.

"Một trong những tiêu chí của chương trình là các sản phẩm đã tham gia "sân chơi" phải ngày càng nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, chuẩn hóa bao bì, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong, ngoài tỉnh và tiến gần hơn với thị trường quốc tế. Do đó, việc thu hồi chứng nhận đạt sao và các sản phẩm không đạt chuẩn ra khỏi Chương trình OCOP là việc làm cần thiết để giữ vững thương hiệu, tạo sức hút cho những đơn vị có tâm huyết với chương trình, khẳng định vị thế của sản phẩm trên thị trường, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng" – Ông Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh.

Đến với Quảng Ninh hôm nay, có dịp lên những đồi chè hoa vàng ở Ba Chẽ, ruộng dong riềng bạt ngàn ở Bình Liêu; ghé thăm các cơ sở sản xuất nước khoáng, ngọc trai, rượu mơ quy mô, bài bản; nếm thử hương vị của mật ong, rượu mơ, trà giảo cổ lam thơm ngon… mới thấy được ý nghĩa, giá trị mà Chương trình OCOP mang lại. Không chỉ gia tăng giá trị cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương, OCOP đang tạo cho nền nông nghiệp Quảng Ninh một diện mạo mới – bắt đầu từ chính tư duy, cách nghĩ và cách làm nông nghiệp có nhiều đổi mới của người nông dân.

Đến năm 2020, Quảng Ninh đã có 175 tổ chức kinh tế và cơ sở sản xuất trực tiếp tham gia Chương trình OCOP (46 doanh nghiệp, 65 hợp tác xã và 64 hộ sản xuất). Có 449 sản phẩm, trong đó có 191 sản phẩm đạt từ 3 - 5 sao; trên 80% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử thông minh để truy xuất nguồn gốc.

Kỳ II: Đưa sản phẩm “từ làng ra phố”

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ky-i-vi-sao-quang-ninh-chon-ocop-147831.html