Kỵ húy

Bạn có bao giờ để ý là ở thành phố Hà Nội có phố 'Tông Đản', trong khi ở thành phố Đà Nẵng lại có phố 'Tôn Đản' chưa?

Tông Đản, có bộ sử chép Nùng Tông Đản (có lẽ vì ông là người dân tộc Nùng), là thuộc tướng của Lý Thường Kiệt, có công lớn cùng Lý Thường Kiệt đánh phá Ung Châu, Khâm, Liêm Châu trên đất nhà Tống, ngăn chặn âm mưu thôn tính Đại Việt của Nhà Tống trong cuộc kháng chiến chống Tống (1075-1077).

Tôn Đản là cách gọi khác của Tông Đản, do kỵ húy nhà Nguyễn mà trại ra làm vậy (Tông là tên húy vua Thiệu Trị). Chính vì thế mà từ thời Nguyễn đến nay, tên gọi của nhiều bậc tiền nhân như Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông được viết thành Trần Nhân Tôn, Lê Thánh Tôn…

Lệnh kiêng húy đầu tiên trong lịch sử Việt Nam được ban hành dưới thời Trần Thái Tông (năm 1232). Lấy lý do ông tổ nhà Trần tên là "Lý", vua ban lệnh những ai tên họ là Lý đều phải đổi. Rất có thể đó là một chiêu thức chính trị buộc con cháu nhà Lý phải từ bỏ gốc gác họ hàng của mình để được tồn tại. Lệnh kiêng húy rất nghiêm ngặt: Kẻ nào phạm húy bị coi là “khi quân”, sẽ bị tru di tam tộc.

Lệnh kiêng húy tiếp tục được duy trì qua các triều nhà Lê, nhà Nguyễn. Do kiêng húy mà nhiều danh nhân đất Việt đã một thời bị thay tên đổi họ như Ngô Thì Nhậm (Ngô Thời Nhiệm), Phan Châu Trinh (Phan Chu Trinh)…

Do kiêng húy, không phải chỉ tên người, mà nhiều địa danh cũng phải thay đổi. Ở Huế, do vua Gia Long bắt thiên hạ kiêng húy tên cô con dâu Hồ Thị Hoa, mà chợ Đông Hoa phải đổi thành chợ Đông Ba, cầu Hoa đổi là cầu Bông. Do chữ "Thiên" phạm đến Trời nên cho đổi từ chùa "Thiên Mụ" thành chùa "Linh Mụ"…

Luật kiêng húy khắt khe này đã làm biến dạng ngôn ngữ, đặc biệt gây khó dễ cho sĩ tử khi đi thi. Lỡ quên mà phạm khinh húy trong bài thi (không tránh tên cha mẹ cô chú của nhà vua) thì bị đóng gông phơi nắng ba ngày, suốt đời bị cấm đi thi. Phạm trọng húy (tên vua) thì không những thí sinh bị tù mà những thày dạy học cũng bị phạt tội vì… không làm tròn trách nhiệm giáo dục!

Có lẽ vì bất bình với sự khắc nghiệt đến vô lý này mà dưới thời vua Thiệu Trị, quan Ngoại trường Cao Bá Quát trong khi chấm bài thi thấy một số bài văn hay nhưng phạm húy, không muốn vì lỗi nhỏ mà đánh trượt người có tài, đã cùng một vị giám khảo khác ngầm lấy muội đèn làm mực “cứu” sĩ tử. Lẽ ra phải chịu tội chết, nhưng vua trọng tài, chỉ phạt rồi tha.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ky-huy.aspx