Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận về công tác tư pháp

Ngày 13/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về các báo cáo: công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018; Báo cáo công tác năm 2018 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án năm 2018; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Toàn cảnh phiên họp ngày 13/11. Ảnh: TTXVN

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành nhiều nội dung mà các báo cáo đã đề cập. Nhiều đại biểu đánh giá cao các báo cáo được chuẩn bị công phu, trách nhiệm, phản ánh tương đối đầy đủ tình hình công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Các cơ quan tư pháp đã có sự cố gắng và chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng như đề cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức năng, quyền hạn theo luật định và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và hội nhập quốc tế.

Kết quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cơ bản đạt và vượt các tiêu chí được nêu trong các nghị quyết của Quốc hội và các chỉ tiêu của các bộ ngành đã đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong công tác phòng, chốngtham nhũng; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, điều tra, xét xử và công tác thi hành án dân sự.

Nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các cơ quan tư pháp, đồng thời đề xuất một số giải pháp về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng như: cần ban hành Luật Thuế về tài sản, nhất là đối với bất động sản. Việc ban hành luật này sẽ làm cơ sở cho việc quản lý chặt chẽ bất động sản, nhà đất, chống đầu cơ về bất động sản, tạo thị trường bất động sản lành mạnh, trung thực, đúng giá thị trường; làm cơ sở cho việc xây dựng các cơ chế chính sách như bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc, triệt để việc thanh toán trong giao dịch kinh tế dân sự không dùng tiền mặt thông qua ngân hàng, Luật Phòng, chống tham nhũng cũng đã quy định để đảm bảo an toàn, quản lý chặt chẽ các giao dịch thông qua hệ thống ngân hàng, tiết kiệm việc in tiền mặt.

Có cơ chế quản lý các giao dịch lớn, nhất là giao dịch mua bán bất động sản, đảm bảo minh bạch trong giao dịch bất động sản. Thực hiện nghiêm túc việc mua bán hàng hóa có hóa đơn, thanh, quyết toán thuế công khai, minh bạch. Tài sản, hàng hóa được lưu giữ hóa đơn, chứng từ, tạo thói quen sử dụng hóa đơn, chứng từ trong nhân dân.

Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý về đất đai, tài sản, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quản lý đất đai, tài sản, trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất. Xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về nhà đất hoàn chỉnh, kết nối sử dụng trong quản lý nhà nước cũng như phục vụ nhu cầu giao dịch của người dân, doanh nghiệp....

Trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử..., các đại biểu đề nghị Bộ Công an tiếp tục thông tin đầy đủ đến người dân về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao để chủ động phòng tránh.

Đề nghị các cơ quan tố tụng Trung ương dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho các cán bộ tố tụng để xây dựng đội ngũ cán bộ tố tụng đáp ứng yêu cầu mới đặt ra. Đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao tổng kết các vụ án xét xử trong thời gian vừa qua để ban hành các án lệ...

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-sau-quoc-hoi-khoa-xiv-thao-luan-ve-cong-tac-tu-phap-20181113042030829p12c16.htm