Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV: Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận về Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi)

Ngày 7/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu họp phiên toàn thể ở hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) và dự án Luật Chăn nuôi.

Đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) thảo luận tại hội trường. Ảnh: TTXVN

Trong phiên thảo luận buổi sáng, các đại biểu đã phát biểu góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đã đóng góp ý cụ thể về một số quy định của dự thảo, như: thời điểm đặc xá; về điều kiện để được đặc xá; về các trường hợp không đề nghị đặc xá; về đặc xá trong trường hợp đặc biệt.

Theo đại biểu Mai Khanh: Hiện nay, dự thảo quy định có 3 thời điểm ban hành đặc xá, trong đó thời điểm ban hành đặc xá vào ngày lễ lớn của đất nước đã có quy định tại Nghị định 145/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, còn 2 thời điểm là "sự kiện trọng đại của đất nước" và "sự kiện đặc biệt vì lý do đối ngoại" thì chưa có một văn bản nào quy định cụ thể.

Đại biểu nhấn mạnh: giữa quy định về thời điểm đặc xá và thẩm quyền đặc xá của Chủ tịch nước là khác nhau. "Chúng ta quy định thời điểm đặc xá nhưng không có nghĩa là đến thời điểm ấy là phải đặc xá mà việc đặc xá hay không là do Chủ tịch nước quyết định. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc, nếu giữ nguyên 3 thời điểm đặc xá theo dự thảo thì nên đưa vào mục giải thích từ ngữ về thời điểm đặc xá là sự kiện trọng đại hoặc nhân sự kiện đặc biệt, để những quy định trở nên rõ ràng và tránh việc suy nghĩ, hiểu một cách mơ hồ"- đại biểu Mai Khanh nói.

Về điều kiện để được đặc xá (quy định tại Điều 11 của dự thảo), có nội dung "trừ trường hợp có quyết định của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền về việc chưa có điều kiện thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự". Đại biểu Mai Khanh cho rằng, không nên xây dựng một quy định như thế và cần thiết bỏ nội dung này đi.

Đại biểu nhấn mạnh: Nếu chúng ta cho rằng điều kiện để đặc xá mà căn cứ vào quyết định của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự là sẽ lạm dụng thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự. Còn nếu vẫn giữ quy định này, thì nên quy định thẳng trường hợp chưa có điều kiện thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự. Vì ở khoản 1 của điều này đã quy định điều kiện để đặc xá với việc chấp hành từ loại khá, loại tốt, mà việc xếp loại này hoàn toàn phụ thuộc vào đánh giá của cơ sở giam giữ.

Về các trường hợp không đề nghị đặc xá (quy định tại Điều 12 của dự thảo), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên cơ cấu thêm các tội, bổ sung vào Điều 12, đó là: Tội phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của Nước CHXHCN Việt Nam được quy định tại Điều 114 Bộ luật Hình sự và tội chống phá cơ sở giam giữ tại Điều 119 trong Bộ luật Hình sự.

Về đặc xá trong trường hợp đặc biệt (quy định tại Điều 22 dự thảo), đại biểu đề nghị, riêng trường hợp được hoãn thi hành án, chỉ xét những trường hợp người đang mắc một trong những bệnh hiểm nghèo như ung thư hay những bệnh nặng tiên lượng sẽ chết. Còn những đối tượng khác, ví dụ như phụ nữ có thai, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, hay là lao động duy nhất... nên cân nhắc, tính toán khi đưa vào quy định. Vì hiện nay quy định "là lao động duy nhất" rất dễ bị lạm dụng.

Đại biểu dẫn chứng: Thực tiễn, làm đặc xá có nhiều trường hợp, nhất là trường hợp nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nhiều đối tượng, mặc dù đang được hoãn thi hành án nhưng vẫn tiếp tục có hành vi phạm tội hoặc chưa có kết luận nhưng có phản ánh của dư luận quần chúng nhân dân. Những đối tượng là lao động duy nhất vẫn tiếp tục có những hành vi mờ ám, ảnh hưởng đến hiệu quả của việc đặc xá.

Cũng trong phiên thảo luận buổi sáng, các đại biểu đã phát biểu về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Đồng thời phát biểu làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Viện Kiểm sát nhân dân như quyền kháng nghị, bổ sung quyền, trách nhiệm giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, thời điểm có hiệu lực của luật và các vấn đề liên quan đến kỹ thuật trong kết cấu một số điều luật...

Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thi hành án hình sự, sau đó các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chăn nuôi.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-sau-quoc-hoi-khoa-xiv-iai-bieu-quoc-hoi-tinh-tham-gia-thao-luan-ve-dy-an-luat-iac-xa-sua-doi-20181107070312839p12c107.htm