Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Lãng phí nhiều khi còn lớn hơn cả tham nhũng

Chiều 24/7, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 và việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Đại biểu Quốc hội các tỉnh An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Đồng Nai và thành phố Cần Thơ thảo luận tại tổ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đại biểu Quốc hội các tỉnh An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Đồng Nai và thành phố Cần Thơ thảo luận tại tổ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cần giám sát suốt cả nhiệm kỳ

Đánh giá cao Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 của Chính phủ, đa số đại biểu cho rằng việc Quốc hội thảo luận báo cáo về vấn đề này là rất thiết thực, đồng thời khẳng định công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một lĩnh vực được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo. Việc các đại biểu Quốc hội thảo luận, đóng góp cho báo cáo sẽ giúp cho Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương làm tốt hơn nữa công tác này.

Tham gia thảo luận tại tổ, qua báo cáo sơ bộ, hầu hết đại biểu Quốc hội lựa chọn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí làm chuyên đề giám sát tối cao diễn ra trong bối cảnh Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đang tiến hành rất mạnh mẽ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là vấn đề không chỉ được chú ý xem xét trong một năm, mà còn phải được tiền hành giám sát xuyên suốt cả nhiệm kỳ, bởi lãng phí nhiều khi còn lớn hơn cả những thất thoát, tham nhũng.

Lấy dẫn chứng về tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các địa phương cần phải rà soát lại trên địa bàn có bao nhiêu dự án “treo”. Theo Chủ tịch Quốc hội, có những dự án đang “treo” hàng chục năm qua, vì nhiều lý do khách quan, chủ quan. Có doanh nghiệp vào giữ đất nhưng không có năng lực tài chính hoặc không có kỹ thuật, không có năng lực để thực hiện dự án. “Nếu Quốc hội tập trung rà soát, giải quyết được vấn đề này, tạo chuyển biến lớn, thì sẽ tạo ra nguồn lực hết sức lớn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cũng tham gia thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng vấn đề tiết kiệm đã được thể chế bằng nhiều quy phạm pháp luật nhưng thực tế vẫn xảy ra lãng phí nhiều.

Thủ tướng đặt ra yêu cầu phải có kỷ luật về tiết kiệm cho chặt chẽ hơn. “Tôi nghĩ chỗ này chúng ta vừa phải có giáo dục, nâng cao nhận thức, vừa phải có thể chế, kỷ luật kỷ cương thì chúng ta mới có thể làm được tiết kiệm này một cách hiệu quả hơn”. Theo Thủ tướng, tới đây việc chi tiêu đi lại, điện nước, xe cộ… cần siết chặt hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (bên phải) phát biểu thảo luận ở tổ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng cho biết thêm chỉ số Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) ở nước ta vào loại rất cao, phấn đấu nhiều năm chưa kéo xuống được. Điều này gây lãng phí và kéo dài thời gian, làm cho nguồn lực hao hụt.

Ghi nhận báo cáo của Chính phủ rất chi tiết, tương đối đầy đủ về các lĩnh vực trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng Báo cáo cần làm nổi bật hơn nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ban hành thực hiện định mức, tiêu chuẩn chế độ.

Đại biểu Tân cũng đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh những bất cập trong công tác thi tuyển công chức-viên chức ở các địa phương. Theo đại biểu, trong điều kiện các địa phương được giao chỉ tiêu biên chế hằng năm rất ít như hiện nay, việc tổ chức các kỳ thi tuyển riêng lẻ theo từng địa phương sẽ gây lãng phí thời gian và nguồn lực tổ chức.

Đại biểu cho rằng Bộ Nội vụ sớm nghiên cứu việc tổ chức chung một kỳ thi tuyển công chức-viên chức toàn quốc với tiêu chuẩn chung và địa phương sau đó thực hiện việc tuyển dụng theo kết quả của kỳ thi và trên cơ sở các vị trí công tác chuyên môn.

Nâng cao chất lượng lập dự toán, công tác chuẩn bị đầu tư

Thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân ngân sách nhà nước năm 2019, các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ. Các đại biểu ghi nhận những phát triển trong kinh tế vĩ mô, bội chi ngân sách trong tầm kiểm soát. Về tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, đa số các đại biểu cho rằng so với những năm trước, tình trạng này mặc dù chưa được giải quyết dứt điểm song đã được khắc phục nhiều.

Đại biểu Chẩu Văn Lâm (Tuyên Quang) cho rằng việc thu, chi ngân sách, bội chi nợ công được thể hiện rất chi tiết, cụ thể và rõ ràng trong Tờ trình của Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội các tỉnh Yên Bái, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Gia Lai thảo luận tại tổ. Ảnh: Phương Hoa/ TTXVN

Đại biểu đồng tình với những hạn chế mà Tờ trình chỉ ra như mặc dù năm 2019, 12/12 chỉ tiêu thu ngân sách đạt/vượt nhưng cơ cấu, một số khoản thu ngân sách chưa đạt; tình trạng thất thu ngân sách vẫn còn. Ở góc độ địa phương, tình trạng chuyển gộp các khoản thu từ năm nay sang năm tiếp theo vẫn còn nhiều. Theo đại biểu, nếu khắc phục được vấn đề này sẽ tạo hiệu ứng tốt cho thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Và muốn khắc phục được những tồn tại trên thì cần phải nâng cao chất lượng lập dự toán, công tác chuẩn bị đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hải Phòng) thể hiện sự băn khoăn về việc nguồn thu ngân sách nêu trong báo cáo vượt hơn 10% nhưng chủ yếu từ đất và tài nguyên. Chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao và vượt mục tiêu đề ra, trong đó có nguyên nhân liên quan đến tổ chức biên chế, tinh giản bộ máy. Theo đại biểu, tới đây, cần đẩy mạnh việc phân cấp phân bổ ngân sách cho các địa phương.

Theo chương trình, trong chiều 24/7, Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Sau đó, đại biểu Quốc hội thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.

Việt Đức (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-tri/ky-hop-thu-nhat-quoc-hoi-khoa-xv-lang-phi-nhieu-khi-con-lon-hon-ca-tham-nhung-20210724195320560.htm