Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV: Đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, ngày 27/5, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Phiên họp được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh dự kỳ họp tại điểm cầu Ninh Bình. Ảnh: Đ.L

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh dự phiên họp tại điểm cầu Ninh Bình.

Mở đầu phiên họp, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội và xem phim tư liệu về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, các đại biểu Quốc hội tập trung đánh giá tình hình xâm hại trẻ em, những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em thời gian qua; đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Các đại biểu cho rằng kết quả giám sát cho thấy còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý nhất là những hành vi gây tổn hại về thể chất, tinh thần cho trẻ em. Mặt khác công tác theo dõi, thống kê số trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức điều này dẫn đến số vụ xâm hại trẻ em bị phát hiện xử lý nghiêm chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.

Các cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành đồng bộ chỉ tiêu thống kê về xâm hại trẻ em mặc dù nhiệm vụ này đã được xác định trong chương trình bảo vệ trẻ am giai đoạn 2011 – 2020. Do đó cần thiết quy định trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nội dung yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải hoàn thành chỉ tiêu thống kê về xâm hại trẻ em trong năm 2020 làm nền tảng quản lý.

Nhấn mạnh trong thời đại công nghệ số việc cấm trẻ em tham gia không gian mạng là đã hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức của trẻ, các đại biểu đề nghị cần phải hướng dẫn trẻ kiến thức, kỹ năng cho trẻ để khai thác thông tin mạng an toàn. Đại biểu kiến nghị các bậc phụ huynh dành quan tâm thỏa đáng hướng dẫn cho con sử dụng mạng an toàn và hướng cho con trở thành công dân có trách nhiệm trên mạng xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giảng dạy về an toàn trên môi trường mạng vào giờ học tin học;Bộ Công an thông tin đầy đủ về thủ đoạn của loại tội phạm này để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác, đồng thời tăng cường biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn hiệu quả hành vi phạm tội.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, các đại biểu biểu đề nghị thời gian tới, Chính phủ, các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ trẻ em; nghiên cứu, đề xuất Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em; mở rộng hình thức phạt như thiến hóa học, nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại… để răn đe đối tượng xâm hại, tránh đối tượng tái phạm.

Các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu để có cơ chế phối hợp trong quá trình lấy lời khai của trẻ bị xâm hại, cần có mặt của bác sĩ tâm lý, người giám hộ, có thể ghi hình để làm bằng chứng trước khi tòa xét xử. Cần bố trí các phòng xử án thân thiện, bảo đảm giữ kín danh tính cho trẻ em bị xâm hại; trong quá trình đưa tin, báo chí cũng cần cẩn trọng trong quá trình đưa tin nhằm tránh làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.

Bên cạnh đó, cần tập huấn thường xuyên cho đội ngũ điều tra, kiểm sát, xét xử về nghiệp vụ, kỹ năng làm việc với trẻ em; đặc biệt, cần phải thống nhất quan điểm, lý do biện hộ cho hành vi xâm hại trẻ em như do nạn nhân ăn mặc hở hang hay do uống rượu say… Cần bổ sung quy định trong Luật Giám định tư pháp, cần quy định theo hướng việc giám định tư pháp với những vụ việc xâm hại trẻ em cần đặc biệt được quan tâm.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi pháp pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em với phương châm "đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm"...

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-chin-quoc-hoi-khoa-xiv-ie-xuat-nhieu-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-phong-chong-xam-hai-tre-em-20200527074534143p12c16.htm