Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV: Phiên thảo luận 'nóng' về tình trạng xâm hại trẻ em

Ngày 27-5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, đại diện Đoàn giám sát của Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em' báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, từ ngày 1-1-2015 đến 30-6-2019.

Ngày 27-5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, đại diện Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, từ ngày 1-1-2015 đến 30-6-2019.

Trong ngày, Quốc hội tập trung thảo luận trực tuyến về chuyên đề giám sát rất “nóng” này.

8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện

Bà Lê Thị Nga cho biết, trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện tốt các quyền của trẻ em. Tuy nhiên, trên cả nước vẫn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, trong đó nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng. Theo Báo cáo của Chính phủ, trên cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đạt được những kết quả quan trọng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, bà Lê Thị Nga cho biết, một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ, nên còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm tính răn đe. Đặc biệt, công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ có nguy cơ bị xâm hại hoặc đã bị xâm hại, còn một số hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả chưa cao trong khi tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp; việc giải quyết một số vụ xâm hại trẻ em chưa kịp thời, chưa nghiêm, một số trường hợp có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Qua công tác giám sát, Đoàn giám sát có đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với Ban Chấp hành Trung ương Đảng; 5 kiến nghị đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; 15 kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ thuộc Chính phủ; đồng thời có kiến nghị đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Đoàn giám sát đề nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Xâm hại trẻ em trên mạng

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, với sự phát triển của internet, mạng xã hội thì trẻ em đã trở thành những "công dân số" từ rất sớm; đồng thời mạng xã hội thay đổi cách thức kết bạn, sự giao tiếp với xã hội của các em cũng như trẻ em có nhiều mối quan hệ trên mạng. "Những tác động xấu, mặt trái của môi trường mạng đang đặt ra nhiều nguy cơ rủi ro cho trẻ" - đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy dẫn chứng số liệu mỗi ngày có hơn 720 nghìn hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng với hầu hết là các hình ảnh bạo lực, xâm hại tình dục. Kết quả khảo sát cho thấy, cứ 4 trẻ được khảo sát thì có một trẻ chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. Có tới 1/3 số trẻ cho biết, các em từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số trẻ em gái bị bắt nạt thì cao gấp 3 lần số trẻ em nam...

"Về thủ đoạn phạm tội, nghiên cứu các vụ án cho thấy, với công nghệ, mạng internet, chưa bao giờ việc tiếp cận với trẻ em và xâm hại trẻ em lại dễ dàng như hiện nay. Đồng thời, hậu quả xảy ra khi trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng để lại hậu quả lớn hơn rất nhiều so với các vụ xâm hại ở ngoài xã hội. Nếu như các vụ xâm hại ở ngoài xã hội chỉ có một vài người chứng kiến, nhưng bị đưa lên mạng thì hình ảnh xâm hại có thể theo các em suốt cuộc đời" - đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đưa ra các kiến nghị về việc trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng cho trẻ em. Đại biểu này kiến nghị các bậc phụ huynh cần dành thời gian thỏa đáng để hướng dẫn con, em sử dụng mạng an toàn và hướng cho các em trở thành công dân có trách nhiệm trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giảng dạy kỹ năng trên môi trường mạng vào giờ học tin học; kiến nghị Bộ Công an thông tin đầy đủ các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác, đồng thời tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, xử lý từ sớm.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa kiến nghị Chính phủ xây dựng chiến lược dài hạn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tăng cường hợp tác quốc tế; phân công cụ thể đơn vị chủ trì ở Trung ương chịu trách nhiệm về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhằm điều phối, thúc đẩy hợp tác của các cơ quan.

Đề nghị xử lý nghiêm người đứng đầu để xảy ra bạo lực học đường

Thống nhất với Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát trình Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, chủ thể và nạn nhân bạo lực học đường chính là trẻ em trong lứa tuổi vị thành niên. Cá biệt, có những vụ việc, hành vi mang tính hung hăng, sử dụng vũ khí, có nhiều người tham gia và phần lớn lại ủng hộ kẻ ức hiếp.

"Những người tham gia hô hào, cổ vũ, quay video vụ việc để lưu lại như một chiến tích, thành quả, thậm chí đăng trên các mạng xã hội để thể hiện “bản lĩnh”. Điều này thể hiện lối sống, nhận thức, suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận trẻ em vị thành niên hiện nay… Nạn nhân thu mình còn “người chiến thắng” được đám đông tôn vinh, hô hào và ngày càng trở nên hung hăng để thể hiện bản lĩnh. Bạo lực học đường trở thành nỗi ám ảnh của nhiều thế hệ học sinh”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải phản ánh.

Nêu rõ trách nhiệm của nhà trường, đặc biệt thầy giáo, cô giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm, trước vấn nạn bạo lực học đường, đại biểu tỉnh Tiền Giang cho rằng thầy cô phải sâu sát với học sinh, kịp thời nắm bắt thông tin, hỗ trợ giải quyết mâu thuẫn nhằm sớm ngăn chặn các vụ việc bạo lực học đường ngay từ khi còn là mầm mống. Đồng quan điểm, đại biểu Dương Minh Tuấn thấy rằng cần xem xét lại vai trò của người đứng đầu trước vấn nạn bạo lực học đường hiện nay.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét, tình trạng xâm hại trẻ em vẫn xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhiều địa điểm khác nhau, không chỉ ở vùng khó khăn mà cả ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Các hành vi xâm hại trẻ em để lại hậu quả rất nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài cho trẻ em, cả về thể chất và tinh thần cũng như cho gia đình và xã hội. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để báo cáo lại Quốc hội và hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận.

Q.NHƯ – H.QUỲNH - D.TRƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_225475_ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xiv-phien-thao-luan-.aspx