Kỳ họp thứ 8, Quốc hội XIV sẽ khai mạc vào 21/10

Chiều nay (18/10), Quốc hội họp báo thông tin về kỳ hợp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào 21/10, bế mạc vào 27/11.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ dành 3 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định công tác nhân sự; xem xét, thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (11 ngày, trong đó có 3 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).

Về công tác lập pháp, Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua 13 dự án luật và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác.

Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị quyết về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước...

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi với Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc về vụ việc 9 người bỏ trốn sau khi đi trên chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội đến Hàn Quốc.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, báo chí đã thông tin và bản thân ông cũng đã trả lời báo chí. Ông cũng giải thích thêm, ban đầu không nói “đi cùng” chuyên cơ vì những người này không thuộc thành phần của đoàn chính thức của Quốc hội Việt Nam mà chỉ là doanh nghiệp đi dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam-Hàn Quốc do Bộ Kế hoạch – Đầu tư cùng các bên liên quan phối hợp tổ chức.

“Nhà nước luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp xúc, tiếp cận thị trường và doanh nghiệp nước ngoài tìm cơ hội hợp tác. Việc lợi dụng để bỏ trốn là không tốt. Biện pháp là lần sau không cho đi nhờ để tránh mang tiếng đi cùng chuyên cơ”, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.

Còn về việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong khi nhiệm kỳ chưa kết thúc, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến tuổi nghỉ hưu. Đồng thời, Bộ trưởng đã có quyết định bổ nhiệm Trưởng ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, về nhân sự sẽ thay thế Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thì trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn.

D.T

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/ky-hop-thu-8-quoc-hoi-xiv-se-khai-mac-vao-2110-post31234.html