Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Chặn đường 'lậu' vào Việt Nam

Đấu tranh chống buôn lậu, ngăn chặn nhập khẩu đường gian lận vào Việt Nam cũng như bảo vệ cho ngành sản xuất trong nước bằng các biện pháp pháp lý.

Đó là cam kết của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại phiên chất vấn sáng 7/11.

Áp lực cạnh tranh đối với ngành đường Đặt vấn đề hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường sẽ được xóa bỏ kể từ ngày 1/1/2020, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) lo ngại về nguy cơ đường của các nước ASEAN sẽ tràn ngập, chiếm lĩnh thị trường đường Việt Nam, cộng với các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu xuyên biên giới, nhập khẩu đường thô, đường lỏng thiếu kiểm soát.. trong khi các hạn chế yếu kém của ngành mía đường trong nước chưa được tháo gỡ một cách thấu đáo. Trước tình trạng đó, đại biểu chất vấn: Bộ Công Thương làm gì để ổn định thị trường đường cũng như bảo vệ và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành kinh tế nông nghiệp nói chung, bảo vệ người nông dân trồng mía và doanh nghiệp mía đường trong nước nói riêng?

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Huỳnh Thanh Phương chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Huỳnh Thanh Phương chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, liên tục trong 2 năm 2018 – 2019, các nước đều phản ứng chính thức về việc Việt Nam lùi thời hạn mở cửa thị trường đường này theo ý kiến của Hiệp hội mía đường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các nước phản ứng rất mạnh mẽ và thậm chí có nguy cơ họ sẽ tiếp tục phản ứng dưới hình thức trừng phạt hoặc là họ rút lại những cam kết của mở cửa thị trường các lĩnh vực khác của họ đối với chúng ta. Thế nhưng đến nay, các nước ASEAN cơ bản đã đồng thuận chấp nhận cho Việt Nam mở cửa vào ngày 1 tháng 1 năm 2020.
Việt Nam là quốc gia cuối cùng trong ASEAN mở cửa thị trường cho các nước tham gia trong nội khối. Vậy nếu Việt Nam tiếp tục lùi thời hạn này nữa và không thực hiện mở cửa thì sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến tiến trình hội nhập và nhất là việc thực thi các hiệp định khác.

Trong bối cảnh đó, năng lực cạnh tranh của ngành đường thực tế hiện nay đang rất hạn chế do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nếu không vượt qua, không khắc phục được những nguyên nhân đó, năng lực cạnh tranh kém của ngành đường sẽ tiếp tục kéo dài và gây ra những hậu quả cho không chỉ ngành mía đường mà cả người nông dân trồng mía và chuỗi sản phẩm.
“Ngoài năng lực cạnh tranh và lợi thế hơn hẳn từ Thái Lan, Brazil, Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, vấn đề đường nhập lậu đang trở thành một nguy cơ lớn với quy mô nhập lậu rất lớn và đang được tổ chức ngày càng tinh vi, phức tạp”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Cho biết Bộ Công Thương đang có những dự án và kế hoạch triển khai cụ thể để phối hợp cùng với ngành mía đường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm bảo vệ thị trường mía đường trong nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ: Trong hội nhập thì còn có cơ chế, công cụ pháp lý để đảm bảo bảo vệ được kế hoạch sản xuất trong nước là cơ chế về phòng vệ thương mại. Nếu sau khi mở cửa thị trường, đường nhập khẩu nhập vào Việt Nam mà gây ra đe dọa nghiêm trọng đến ngành sản xuất trong nước và lợi ích của người dân trong nước, có quyền áp dụng cơ chế này để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.
“Chúng tôi cam kết với Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội mía đường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có những giải pháp cụ thể và kịp thời. Trong đó có cả đấu tranh chống buôn lậu, ngăn chặn nhập khẩu đường gian lận vào Việt Nam cũng như bảo vệ bằng các biện pháp pháp lý cho ngành sản xuất nước”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết.
Tổ chức lại sản xuất cho rau, quả, trái cây

Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Phan Thị Mỹ Dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Hạnh Quỳnh/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xiv-chan-duong-lau-vao-viet-nam/139436.html