Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Bỏ 'biên chế suốt đời', ngành nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất?

Tại Điều 25, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và viên chức từ ngày 1/7/2020 tới, tất cả các trường hợp chưa thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn phải ký kết hợp đồng xác định thời hạn. Quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định tại Điều 25 ảnh hưởng trực tiếp đến giáo viên và nhân viên y tế.

Đại biểu Ngô Thị Minh cho biết, để đánh giá một viên chức có chất lượng, thực sự có tài năng phải tính đến tiêu chí tuyển đầu vào như thế nào thì mới có được những người giỏi.

Đại biểu Ngô Thị Minh cho biết, để đánh giá một viên chức có chất lượng, thực sự có tài năng phải tính đến tiêu chí tuyển đầu vào như thế nào thì mới có được những người giỏi.

Đại biểu lo sợ quy định sẽ tạo áp lực

Theo đó, kể từ ngày 1/7/2020, tất cả các trường hợp chưa thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn phải ký kết hợp đồng xác định thời hạn. Chỉ có viên chức đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được chuyển sang hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.

Trước nội dung này đã và đang nhận được sự quan tâm của đông đảo đại biểu, cử tri cũng như người dân khắp cả nước. Trao đổi tại hành lang Quốc hội, các đại biểu cũng đã nêu quan điểm cá nhân, đồng thời đưa ra những giải pháp với mong muốn khi áp dụng sẽ không gây khó khăn cho các đối tượng được áp dụng.

Nêu quan điểm trước vấn đề này, đại biểu Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) nhận xét: "Đề xuất bỏ biên chế suốt đời như trong dự thảo Luật công chức, viên chức (sửa đổi) là phù hợp. Nhưng đối với những đối tượng cụ thể nhất là đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa; khi thực hiện chế độ viên chức thì áp dụng nguyên tắc này không phù hợp. Vì đối tượng đó đã phục vụ ở vùng sâu, vùng xa, những vùng khó khăn. Họ đã phải rất vất vả, tâm huyết rất nhiều mới có thể bám trụ ở vùng khó. Vì thế nếu bỏ biên chế suốt đời sẽ cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của họ, thứ nữa là gây khó khăn, xáo trộn vấn đề tổ chức bộ máy".

Trong khi đó, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh) cho rằng: "Đề xuất cũng nhằm mục đích nâng cao chất lượng, bất cứ ngành nghề nào nếu tạo suy nghĩ đã được vào thì yên tâm không phải ra nữa sẽ tạo nên sức ì rất lớn. Đối với ngành giáo dục, hơn ai hết phải có sự sáng tạo, đổi mới. Vấn đề bỏ biên chế không phải là vấn đề lớn, mà là bỏ biên chế như thế nào, chế độ chính sách ra sao, khi bỏ biên chế thì những người tốt có được đãi ngộ tốt hơn hay không".

Nói về điều này, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) nêu quan điểm: "Tôi chưa tìm thấy cơ sở để nói bỏ hợp đồng không xác định thời hạn là động lực của phát triển cả. Giáo viên và nhân viên y tế là hai đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất của quy định này. Đối với các cơ sở giáo dục, y tế ngoài công lập theo luật lao động, sau 2 lần hợp đồng có thời hạn sẽ là hợp đồng không xác định thời hạn. Chất lượng của họ vẫn rất tốt. Nếu quy định này được thông qua, chắc chắn sẽ có sự chuyển dịch từ nơi tương lai bất định sang các cơ sở ngoài công lập thu nhập, môi trường làm việc, tương lai tốt hơn.

Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp ngoài công lập cũng áp dụng của quy định pháp luật là sau 2 lần ký hợp đồng thời hạn thì sẽ chuyển sang hợp đồng không xác định thời hạn. Họ vẫn hoạt động rất hiệu quả. Vậy lấy căn cứ gì để nói hợp đồng không xác định thời hạn làm viên chức trì trệ, chây ì nên không phát triển? Ở đây là phương pháp quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập không tốt chứ không phải do loại hợp đồng lao động có hạn hay không thời hạn".

Cần tạo điều kiện để phát triển

Đại biểu Quách Thế Tản – đoàn Hòa Bình chia sẻ bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Lê Bảo

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần có cơ chế, điều kiện để phát triển. Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai nêu quan điểm: "Đề xuất bỏ biên chế, sẽ có nhiều giáo viên lo lắng. Tuy nhiên, cũng không cần phải quá lo lắng nếu chúng ta làm việc bằng lương tâm, trách nhiệm, chú trọng đổi mới mình, nâng cao tay nghề để nâng cao chất lượng giáo dục thì vấn đề quyền lợi sẽ không phải lo. Trong lĩnh vực giáo dục làm tốt trách nhiệm của mình cũng là trọng trách trong ngành giáo dục cũng như đối với thế hệ tương lai của đất nước".

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh lại lo lắng, việc không ký hợp đồng không xác định thời hạn tưởng là tạo áp lực cho viên chức thi đua nhưng tương lai lại bất ổn để đào tạo, bồi dưỡng cho viên chức có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm. Đặc biệt là nếu vậy từ ngày 1/7/2020 sẽ có sự bất công. Người được ký hợp đồng không xác định thời hạn trước 1/7 thì yên tâm là chắc chân. Còn người sau thì lại luôn lo lắng. Vị đại biểu Quốc hội đoàn Hòa Bình cũng cho biết: "Trong sáng 25/10, một Giám đốc bệnh viện cho rằng, nếu làm như vậy sẽ rất khó cho họ".

Cuối cùng, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nhấn mạnh: "Luôn trong tâm trạng lo lắng để được ký hợp đồng tiếp thì động lực ở đâu, động lực gì để phấn đấu. Từ kỳ họp thứ 7 tôi đã phát biểu và nhấn mạnh rất nhiều, thay đổi về hợp đồng lao động không phải là động lực cho viên chức phấn đấu. Đừng để việc thực hiện đánh giá, viên chức không tốt mà đẩy sang một vấn đề lớn hơn là thay đổi hẳn về cơ chế".

Đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) nhấn mạnh: "Chúng ta nhìn một cách tổng thể, căn cơ thì sẽ có những chính sách phù hợp. Chứ nếu mỗi chính sách để hợp đồng có thời hạn để cho giáo viên không đáp ứng được thì thay giáo viên khác. Điều đó không thể hiện tính nhân văn và chưa đặt mình vào đội ngũ giáo viên. Từ đó chúng ta xem xét, nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo. Một điều nữa, tất cả tuyển viên chức thông qua mấy bài thi cũng chưa thật sự thuyết phục".

Đại biểu Ngô Thị Minh cũng cho biết, để đánh giá một viên chức có chất lượng, thực sự có tài năng phải tính đến tiêu chí tuyển đầu vào như thế nào thì mới có được những người giỏi. Chúng ta cứ nhìn vào bằng cấp, cùng trình độ như nhau nhưng có người đã đi trải nghiệm, đi tình nguyện đã gắn bó mật thiết với tình nguyện, hoạt động xã hội… nhưng trong tiêu chí tuyển dụng lại không đưa ra tiêu chí đối với người có hoạt động xã hội. Tất cả những điều trên phải cụ thể hơn, nếu chỉ nói chung chung như ở dự thảo sửa đổi Luật Công chức, Viên chức thì chưa tới tầm, chưa đáp ứng được mong muốn.

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xiv-bo-bien-che-suot-doi-nganh-nao-chiu-anh-huong-nhieu-nhat-2019102519493206.htm