Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng

Sáng 20-11, ngay sau phiên bế mạc, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì phiên họp báo.

Báo cáo về kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV nêu rõ: Sau 22,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc; với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

Nổi bật là, tại kỳ họp này, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đây là nội dung quan trọng, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, đánh giá cao. Đồng thời, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng. Công tác nhân sự tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của báo chí.

Quốc hội đã xem xét, thảo luận các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và kết quả giữa kỳ thực hiện các kế hoạch 5 năm 2016-2020 về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả 3 năm thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua báo cáo của các cơ quan hữu quan và thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội cho thấy, kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm qua mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn phát triển khá toàn diện, việc cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt, GDP tăng từng năm, an sinh xã hội và đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao.

Trên cơ sở thảo luận, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 9 luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp này đã góp phần tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp năm 2013, tạo sự đồng bộ và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền công dân, chính sách giáo dục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phòng, chống tham nhũng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, Quốc hội đã xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4. Đây được coi như một cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

Cùng với đó, Quốc hội đã hoàn thành tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, các vị đại biểu Quốc hội đã đánh giá khách quan, công tâm, thẳng thắn và thể hiện rõ mức độ tín nhiệm của mình đối với từng chức danh; các cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm đều có sự ghi nhận về mức độ cố gắng, đóng góp, cống hiến trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ. Đây là cơ sở để người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tại buổi họp báo, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc chưa được quy định vào luật là nội dung được nhiều phóng viên báo chí quan tâm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng nay, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh đây là vấn đề mới, lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này. Trong khi đó, thu nhập của người dân, cán bộ, công chức, viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, Nhà nước ta chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội và pháp luật chưa quy định đánh thuế đối với tài sản thì việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp. Mặt khác, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản - quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp nên cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.

Do đó, để bảo đảm thận trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo gửi phiếu thăm dò ý kiến các đại biểu Quốc hội về nội dung này. Kết quả cho thấy ý kiến cũng rất phân tán, không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của trên 50% tổng số đại biểu. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành, tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào Luật. Theo đó, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế. Đồng thời, Điều 31 của dự thảo Luật đã bổ sung quy định về chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tăng cường việc xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này.

Giải trình thêm về nội dung này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường khẳng định, lần này Luật Phòng, chống tham nhũng đã được sửa đổi cơ bản toàn diện và được biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành cao; nội dung sửa đổi có nhiều điểm đổi mới quan trọng, như mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra khu vực tư, khắc phục được những hạn chế, bất cập qua tổng kết 10 năm thi hành luật. Theo đó, đã quy định các biện pháp phòng ngừa (công khai, minh bạch, chuyển đổi vị trí công tác, quà tặng...); hoàn thiện chế định kiểm soát tài sản, thu nhập, từ đó, việc xác minh tài sản thu nhập có hiệu quả hơn so với hiện nay; đồng thời bổ sung quy định về các cơ sở dữ liệu để kiểm soát tài sản, thu nhập...

Tin, ảnh: QUỲNH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/ky-hop-thu-6-quoc-hoi-khoa-xiv-hoan-thanh-chuong-trinh-de-ra-voi-nhieu-noi-dung-quan-trong-554963