Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Chính phủ không nới lỏng kiểm soát lạm phát

Trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, ngày 27/10, nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện sự quan tâm đến việc kiểm soát lạm phát và chất lượng tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) nhận định: Chính phủ đã xây dựng, triển khai rất kiên định chương trình hành động về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Chính phủ có một chương trình như vậy cho cả nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ghi thêm những dấu mốc mới rất quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế với việc ký kết, hoàn tất đàm phán và thúc đẩy phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đại biểu cho rằng, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế có thể thấy niềm tin và những động lực mới của cải cách đang được khơi dậy. Kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, đầu tư trong và ngoài nước được mở rộng, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ qua. Mặc dù giai đoạn 2016-2018, nền kinh tế tăng trưởng khả quan với tốc độ trung bình ước tính khoảng 6,57%/năm, nhưng việc đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5-7%/năm trong cả giai đoạn 2016-2020 vẫn là thách thức rất lớn.

Đại biểu phân tích: Nhiều dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như tăng trưởng kinh tế Mỹ trong giai đoạn 2019-2020 đang được điều chỉnh theo hướng giảm đi, trong bối cảnh đó, các xu hướng về xuất khẩu và đầu tư trong thời gian tới sẽ khó khả quan và thuận lợi như trong 3 năm qua đối với nền kinh tế của Việt Nam. Việc xác định các mục tiêu khác như thu chi ngân sách, nợ công… cần có sự thận trọng và cân nhắc kỹ, không nên dựa vào kế hoạch tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn 6,5%. Đại biểu đặt câu hỏi: Với việc Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát “khoảng 4%” thay cho “dưới 4%” trong năm 2019, tới đây Quốc hội sẽ đánh giá việc hoàn thành chỉ tiêu này như thế nào?

Tham gia trả lời các đại biểu Quốc hội về nội dung này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: "Chính phủ không hề có động thái nào về nới lỏng kiểm soát lạm phát. Chính phủ phải đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công nên việc đặt ra kiểm soát lạm phát khoảng 4% là cần thiết".

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Kiểm soát lạm phát cũng là một trong các giải pháp để tiếp tục kiên định chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô được Đảng, Quốc hội đã xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ. Về phía Chính phủ, ổn định vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ, bảo đảm các cân đối lớn về thu chi ngân sách, cung cấp điện, thanh toán vãng lai, dự trữ ngoại hối, giữ mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất ở những lĩnh vực ưu tiên, điều hành tỷ giá thận trọng, theo tín hiệu thị trường, phối hợp tốt các giải pháp điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ và ngoại thương. Đặc biệt, Chính phủ nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền. Để hỗ trợ cho xuất khẩu, Chính phủ không bao giờ, chưa bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền.

Theo Phó Thủ tướng, việc ổn định kinh tế vĩ mô sẽ giúp Chính phủ củng cố hơn nữa nền tảng tăng trưởng, tăng cường sự chống chịu của hệ thống ngân hàng trước sức ép của căng thẳng thương mại, sức ép gia tăng lãi suất của các nền kinh tế thế giới, đồng thời cơ cấu lại các lĩnh vực, ngành còn nhiều hạn chế, yếu kém. Ngoài ra, Chính phủ đang tính toán các động lực cho tăng trưởng từ nay tới năm 2020, trước khi xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2030.

Chia sẻ với các đại biểu Quốc hội về chất lượng tăng trưởng kinh tế của quốc gia, Phó Thủ tướng nêu rõ mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ là tăng trưởng kinh tế nhanh, rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam với các nước nhưng phải bảo đảm tăng trưởng bền vững theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bền vững mà Liên hợp quốc đã quyết nghị.

Để thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, Nghị quyết số 24 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, nhất là trong 3 năm qua với chuyển biến tích cực, rõ rệt và quan trọng là đi đúng hướng. Tăng trưởng của kinh tế toàn diện ở 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Ngay trong khu vực nông nghiệp, tăng trưởng đều ở tất cả các khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, lâm nghiệp, trồng trọt thể hiện rõ kết quả của cơ cấu lại ngành này. Tăng trưởng của khu vực công nghiệp giảm dần phụ thuộc vào lĩnh vực khai khoáng, dựa nhiều vào vai trò động lực của lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Du lịch, dịch vụ phát triển ấn tượng về số lượng khách quốc tế. Ngoài ra, tăng trưởng không chỉ dựa vào đầu tư xuất khẩu mà còn dựa vào thị trường trong nước với mức tăng 2 con số. Năm nay, tăng trưởng của thị trường nội địa tương đương với mức tăng của xuất khẩu ở mức 11- 12%. Tăng năng suất lao động hiện nay đang ở mức cao nhất 5,62%, vượt xa mức 4,35% của 5 năm trước và chỉ tiêu 5%. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng bình quân 42,1% so với 33,5% và hơn cả mục tiêu đặt ra. Chỉ số về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) tăng 5,91% so với 3,32%; Việt Nam đạt thứ hạng cao về môi trường cạnh tranh quốc gia.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ: Chất lượng tăng trưởng nhanh nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, không cố gắng thì nguy cơ tụt hậu vẫn còn hiệu hữu. Thể chế, hạ tầng còn nhiều hạn chế. Chỉ số đổi mới khoa học công nghệ còn thấp, năng suất lao động tuy tăng nhanh nhưng so với các nước trong khu vực còn thấp. Chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ còn chậm, không tương thích với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Năng suất lao động tăng do vốn, đầu tư và một phần phụ thuộc đầu tư nước ngoài.

Để bảo đảm tăng trưởng bền vững theo Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình quốc gia tăng năng suất lao động, tăng cường cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chú trọng cả thị trường quốc tế và trong nước, tăng cường đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân để khối này trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, thu hút FDI chọn lọc có liên kết với doanh nghiệp trong nước...

Đồng thời, Chính phủ quan tâm chỉ đạo ổn định và phát triển thị trường tài chính, giúp các chỉ tiêu “đi trước” kế hoạch 5 năm. Cụ thể, quy mô thị trường chứng khoán hiện nay đã chiếm tới 80% GDP, vượt xa chỉ tiêu 70% GDP vào năm 2020, hỗ trợ cho ngân hàng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Nợ xấu trong bảng cân đối khoảng 2% so với mức 2,56% vào đầu năm nay. Tính chung nợ xấu của toàn hệ thống hiện chỉ khoảng 6%.

Thực hiện Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại thu chi ngân sách và bảo đảm an toàn nợ công, Chính phủ đã thực hiện các giải pháp đưa các chỉ tiêu nợ công quay trở lại các chỉ số an toàn. Riêng với nợ nước ngoài của quốc gia, Phó Thủ tướng cho biết trong cơ cấu này, nợ của Chính phủ đã giảm xuống 40% và 60% còn lại là nợ của khối tư nhân. Chính phủ đã có phương án để kiểm soát tốt nợ nước ngoài của quốc gia trong thời gian tới.

Phúc Hằng - Thu Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/ky-hop-thu-6-quoc-hoi-khoa-xiv-chinh-phu-khong-noi-long-kiem-soat-lam-phat-20181027192225590.htm