Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Bình Thuận: 'Nóng' vấn đề khai thác cát, titan

Ngày 20/7, Kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa X đã bế mạc sau ba ngày họp khẩn trương.

Kỳ họp đã thông nhiều vấn đề quan trọng, đặt biệt là nội dung chất vấn về khai thác khoáng sản được đông đảo người dân trong tỉnh quan tâm theo dõi.

Đối với vấn đề khai thác cát, theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, từ tháng 10/2017 đến nay, UBND tỉnh ban hành hơn 15 văn bản chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương triển khai xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trái phép.

Tỉnh cũng đã ký quy chế phối hợp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản vùng giáp ranh với hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai kiểm tra và xử lý hơn 320 vụ vi phạm về khai thác khoáng sản với tổng số tiền phạt gần 2 tỉ đồng.

Tuy nhiên, các đại biểu Hội đồng nhân dân cho rằng, tình trạng khai thác cát theo báo cáo cho biết có xu hướng giảm. Nhưng theo thông tin từ cử tri, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra. Một số đoàn kiểm tra liên ngành có tiến hành xử phạt, điều chỉnh hành vi, nhưng chỉ xử lý tang vật khi phát hiện và rất nhẹ so với hậu quả gây ra. Ngoài ra, có tình trạng cử tri phản ánh lại bị tổ chức, cá nhân khai thác cát đe dọa.

Đại biểu cũng cho rằng nguyên nhân chính là mất cân đối giữa cung và cầu. Bên cạnh đó, việc cấp giấp phép khai thác cát hiện nay qua nhiều khâu và mất rất nhiều thời gian trong khi ai cũng có nhu cầu bồi nền, xây dựng nhà. Do đó, cần thay đổi Luật Khoáng sản; mạnh dạn giao quyền, phân cấp cho địa phương...

Về vấn đề khai thác titan, UBND tỉnh cho biết, việc phản ánh các đơn vị khai thác khoáng sản trái phép là chưa chính xác, vì các doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Về thông tin phản ánh các công ty chưa được cấp phép khai thác nguồn nước dưới đất nhưng sử dụng giếng khoan lượng nước ngầm trong vùng để khai thác khoáng sản titan, trong khi lượng nước ngầm trong vùng không nhiều dẫn đến trong vùng thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước ngầm dẫn đến cây chết, ảnh hưởng môi trường là chưa chính xác.

Các đại biểu Hội đồng nhân dân cho rằng, báo cáo của UBND tỉnh về những khu vực khai thác titan không tụt nước ngầm nhưng theo phản ảnh của bà con sống ở những khu vực này có kèm theo hình ảnh, việc cây cối bị chết do thiếu nước và nước ngầm sụt giảm là có thật và cần phải làm rõ thêm. Bình Thuận là địa phương khô hạn nhất cả nước, nguồn nước mặt, nước ngầm tại địa phương rất khan hiếm.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác titan cần rất nhiều nước. Phần lớn các khu vực quy hoạch, dự án khai thác titan đều nằm ven biển, nơi có nhiều diện tích phân bố cát rộng lớn và hạn chế nguồn nước ngọt.

Tại đây chỉ có các ao, hồ có nước vào mùa mưa nhưng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, không đủ nguồn nước để phục vụ khai thác titan. Vì vậy, nếu càng nhiều khu vực được quy hoạch, nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và canh tác của người dân càng ít và chất lượng bị ảnh hưởng.

Các khu vực ven biển khai thác titan hiện nay cần nguồn nước ngọt tuyển quặng khoảng 39.000 m3/ngày đêm, trong khi những khu vực này chỉ được khai thác nước dưới đất tối đa không quá 28.000m3/ngày đêm. Như vậy, nước dưới đất ven biển chỉ đáp ứng cho sinh hoạt và một số lĩnh vực thiết yếu, không đủ khả năng cung cấp cho việc khai thác tuyển quặng titan. Như vậy việc sử dụng nguồn nước ngầm đã vượt quá giới hạn cho phép.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường tiếp thu và có nội dung trả lời các kiến nghị chất vấn trong thời gian sớm nhất.

Trong khi chờ các bộ, ngành, Trung ương xem xét điều chỉnh quy hoạch titan, để đảm bảo hiệu quả quản lý và trách nhiệm của địa phương đối với hoạt động khai thác titan trên địa bàn, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cùng các đơn vị thực hiện tốt việc quản lý các dự án khai thác titan trên địa bàn, yêu cầu các chủ dự án thực hiện đúng theo giấy phép khai thác, phải có đủ điều kiện mới được khai thác.

Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện công tác bảo vệ môi trường, có phương án phục hồi môi trường khu vực sau khi khai thác; yêu cầu các doanh nghiệp phải sử dụng nước mặt để tuyển quặng và nguồn nước mặt này phải do một đơn vị cụ thể cung cấp; không cho phép sử dụng nước mặn để tuyển quặng và không cho phép sử dụng nước ngầm khai thác titan; kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi không chấp hành pháp luật…

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tăng trưởng cao hơn so cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, tăng trưởng GRDP khoảng 8,58% (cùng kỳ 6,68%); thu ngân sách nhà nước ước đạt 57,4% dự toán, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2017; sản xuất công nghiệp tăng khá, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 12.766 tỷ đồng.

Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, số lượng du khách, thời gian lưu trú và doanh thu du lịch cũng tăng khá so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, từ đầu năm đến nay đã có 5 dự án khởi công xây dựng và có 2 dự án đi vào hoạt động kinh doanh.../.

Nguyễn Thanh/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ky-hop-thu-6-hdnd-tinh-binh-thuan-nong-van-de-khai-thac-cat-titan/91118.html