Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh đề xuất các giải pháp phục hồi và phát triển bền vững du lịch Việt Nam

Sáng 1/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu tại hội trường. Ảnh: CTV

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu tại hội trường. Ảnh: CTV

Tham gia phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đồng tình với báo cáo của Chính phủ và các báo cáo của các Ủy ban của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Đồng thời đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ để thúc đẩy phục hồi và phát triển ngành du lịch trong thời gian qua. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng quá trình phục hồi và phát triển ngành du lịch vẫn còn một số hạn chế như: Phục hồi du lịch còn chậm so với các quốc gia trong khu vực; vấn đề visa chậm được tháo gỡ, thủ tục xuất - nhập cảnh còn phức tạp; sản phẩm du lịch chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo; hạ tầng du lịch còn thiếu, chưa đồng bộ: chuyển đổi số, phát triển du lịch bền vững còn chậm; công tác truyền thông, quảng bá du lịch còn hạn chế; nguồn nhân lực ngành du lịch còn thiếu và yếu.

Để phục hồi và phát triển bền vững du lịch Việt Nam, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng trước mắt cần thực hiện ngay việc tiếp tục mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại cho khách quốc tế, trong đó cần xem xét, tăng thời hạn visa du lịch, tăng thời hạn lưu trú và cho phép nhập cảnh nhiều lần khi visa còn hiệu lực; mở rộng diện du khách được cấp thị thực điện tử.

Đồng thời đại biểu đề nghị Quốc hội quan tâm cho ý kiến và thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngay tại kỳ họp này và quy định hiệu lực có thi hành càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần sớm rà soát, cập nhật và điều chỉnh Chiến lược phát triển du lịch bền vững đến năm 2030; theo đó, chiến lược phát triển ngành du lịch cần đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, đồng bộ với quy hoạch phát triển của quốc gia và địa phương với trọng tâm là nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia, chuyển từ tư duy "phục vụ cái mình có" sang "phục vụ cái du khách cần".

Cập nhật, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 82 ngày 15/5/2023 của Chính phủ; xây dựng một mục riêng về phát triển du lịch bền vững, trong đó có giải pháp kiên quyết bảo vệ môi trường, giảm rác thải du lịch; xây dựng các kịch bản ứng phó sự cố môi trường tại các điểm, khu du lịch; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo tồn môi trường du lịch, giá trị văn hóa, du lịch xanh.

Cần làm rõ trách nhiệm công- tư trong thực hiện chiến lược để tối ưu hóa nguồn lực quốc gia; cùng với đó cũng cần xác định rõ cơ chế, giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác công tư và các mô hình quản trị tích hợp các khu vực công và tư nhân, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững.

Nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch cần được tăng cường với việc tăng tỷ lệ chi ngân sách cho du lịch từ mức 1,4% hiện nay lên 2,5-3% tổng chi NSNN để gần bằng các nước trong khu vực, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng tạo kết nối giữa các địa phương có tiềm năng về du lịch…

Để phát triển du lịch theo chuỗi giá trị, tăng tính lan tỏa của ngành du lịch, đại biểu cho rằng cần tăng cường liên kết du lịch giữa các vùng, địa phương, ngành nghề và doanh nghiệp. Tiếp tục chú trọng phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá du lịch một cách bài bản hơn…

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; Về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-5-quoc-hoi-khoa-xv-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-de-xuat/d20230601163055861.htm