Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Thu hút đầu tư đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đồng tình với việc thành lập 3 đơn vị hành chính đặc biệt đó là:

Vân Đồn ở tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong ở tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc ở tỉnh Kiên Giang. Theo các đại biểu, đây là mô hình mới nên cần có cơ chế, chính sách cụ thể hóa vào luật.

Theo đó, các đơn vị này cần có chính sách vượt trội, với tính độc lập, tự chủ cao, tạo sự hấp dẫn, đột phá để thu hút đầu tư, phát triển.

Các đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Giang tại phiên họp. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Cơ chế kiểm soát hiệu quả

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, khi đã hình thành một đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (không chỉ là khu hành chính thông thường), cần đề cao tính tự quyết và khác biệt của địa phương đó so với những đơn vị hành chính khác trong cả nước, nghĩa là phải có sự độc lập và cơ chế đặc biệt.

Theo đại biểu, việc giao quyền cho địa phương là cần thiết nhưng phải có một cơ chế kiểm soát có hiệu quả để đặc khu kinh tế phát triển bền vững.

Ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, việc giao quyền cho địa phương, không phải giao cho cá nhân người đứng đầu địa phương đó, mà quyền lực phải được giao cho cộng đồng vì mục tiêu phát triển địa phương, đồng thời nằm trong định hướng quản lý chung của hệ thống luật pháp.

Nếu ban hành được cơ chế có hệ thống kiểm soát tốt như vậy, sẽ phát huy được năng lực, khả năng của địa phương, nhưng vẫn đảm bảo tính ổn định trong tầm kiểm soát vì mục tiêu chung của quốc gia.

"Giao cho địa phương nhưng không có nghĩa là khoán trắng, mà cơ chế giao như thế nào để không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người đứng đầu địa phương, mà phải đứng trên quan điểm của cả cộng đồng", đại biểu khẳng định.

Phân tích về hiệu quả của các đặc khu kinh tế nếu được hình thành, đại biểu Đoàn Hà Nội cho rằng, nếu có cơ chế quản lý phù hợp sẽ đem lại hiệu quả rất lớn.

Những tiềm năng có sẵn của những đặc khu đó sẽ được phát huy tối đa, bên cạnh đó tạo ra sức cạnh tranh hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp bên ngoài vào đầu tư.

Yếu tố đó sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho địa phương, mang lại nguồn lợi cho người dân và thúc đẩy sự tăng trưởng quốc gia.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, mỗi đặc khu có một tiềm năng khác nhau, và cần có chiến lược phát triển riêng.

Nếu đi đúng hướng thì các đặc khu đó sẽ phát triển rất mạnh. Ba vị trí được lựa chọn xây dựng đặc khu, gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) đều có tiềm năng, lợi thế phát triển. Vấn đề còn lại là làm sao xây dựng được thể chế vượt trội để phát huy các tiềm năng, lợi thế này.

Đại biểu cho biết, qua lấy ý kiến người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, 99% người được hỏi trả lời đồng thuận với đề án xây dựng đặc khu Vân Đồn.

Hiện Quảng Ninh đã thu hút được 36.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng cho Vân Đồn và đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý cho đặc khu này, trong đó nhiều dự án có tổng mức đầu tư từ 5.000 đến 7.000 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư khác cũng đang sẵn sàng rót vốn vào Vân Đồn, chỉ chờ cơ chế chính sách.

Cần có độ mở trong xây dựng cơ chế

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), đặc khu kinh tế đã được các nước trong khu vực thành lập cách đây mấy chục năm, trong khi Việt Nam mới bắt đầu xây dựng là rất chậm.

Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế của đất nước hiện nay, việc thành lập các đặc khu kinh tế mang tính cấp bách và cần thiết.

Đây là lần đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội để thông qua dự thảo luật về một đơn vị hành chính đặc biệt, vì vậy cần có độ mở trong xây dựng cơ chế.

Vì tính đặc biệt của các đơn vị này nên theo đại biểu, Quốc hội cần phải bàn để khi thông qua, dự án luật sẽ phát huy được hiệu quả thiết thực, nhằm đưa nền kinh tế của đất nước ngày càng phát triển, bắt kịp với sự phát triển chung của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đại biểu tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, đã là đặc khu kinh tế hành chính đặc biệt thì phải có những cơ chế đặc biệt khác hẳn những địa phương khác.

Vì vậy, dự án Luật cần có một cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo điều kiện cho đặc khu phát triển mạnh mẽ.

"Hiện nay, việc cho thuê đất 99 năm, hay miễn tiền thuê sử dụng đất và mặt nước, miễn thuế thu nhập cá nhân... là những cơ chế đặc biệt đang được áp dụng ở các đặc khu kinh tế", đại biểu lấy ví dụ.

Phân tích hiệu quả trong công tác quản lý các đặc khu, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng: Trưởng đặc khu kinh tế đặc biệt này phải do chính Thủ tướng bổ nhiệm và trong đặc khu cũng không cần phải có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Theo ông Hòa, khi Trưởng đặc khu có đủ quyền lực, mới có thể điều hành tốt, nhưng cần thiết phải có cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân cũng như Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh để ngăn ngừa việc lợi dụng quyền lực.

Cùng quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Lan cũng cho rằng, không cần tổ chức HĐND, UBND và sẽ có Trưởng đơn vị. Người đứng đầu đặc khu sẽ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, quyết định, tổ chức thực hiện toàn bộ hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn./.

Đỗ Bình/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ky-hop-thu-4-quoc-hoi-khoa-xiv-thu-hut-dau-tu-don-vi-hanh-chinh-kinh-te-dac-biet/68629.html