Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV kết thúc tốt đẹp

Chiều 24-11, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo.

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Sau 26 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc; với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

Kết quả của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu như: Các luật được Quốc hội thông qua6 luật gồm: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Lâm nghiệp;Luật Thủy sản;Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Các luật được thông qua có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công; phát triển ngành lâm nghiệp, thủy sản; tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch từ Trung ương đến địa phương; thúc đẩy công tác đối ngoại trong tình hình mới…

Về kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước, trên cơ sở tình hình thực tiễn, Quốc hội đã thống nhất biểu quyết thông qua 3 nghị quyết về kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước đó là: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018;Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018.

Về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng và thông qua Nghị quyết về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ngoài ra, Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc thận trọng, xem xét khách quan, toàn diện và thống nhất thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Quốc hội yêu cầu Chính phủ triển khai thực hiện Dự án bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tổ chức thực hiện và quản lý Dự án, đồng thời, hằng năm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án; thông tin đầy đủ để người dân hiểu về chủ trương đầu tư và tiến độ triển khai dự án.

Về chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp 4 đã có 3.320 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Các phiên họp chất vấn diễn ra trong không khí thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng. Tổng cộng đã có 191 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 37 lượt đại biểu tham gia tranh luận.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng xem xét các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng; thảo luận Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước trong năm 2017; thảo luận báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về việc chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Ngoài việc tham luận, việc tăng cường tranh luận giúp cho đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ cùng nhau trao đổi những vấn đề sâu, tập trung làm rõ thêm nội dung, đi sâu vào vấn đề. Như vậy rất tốt cho việc cần thiết phải điều chỉnh luật.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc kéo dài việc thảo luận mà chưa thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) thì có thể gây ra sự bức xúc, hoài nghi trong xã hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) còn rất nhiều vấn đề. Đơn cử như việc kê khai tài sản, kê thế nào và khai ra sao, giám sát ra sao, công khai ở đâu, đối tượng thế nào cũng rất nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng dự luật còn nhiều vấn đề cần trao đổi kỹ hơn. Hơn nữa, nhiều đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến dự luật cần được thảo luận trong 3 kỳ họp để kỹ lưỡng hơn, bảo đảm cho công cuộc phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

Nhấn mạnh chất lượng của dự luật cần được đặt lên hàng đầu, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, theo đó có có 71,5% đại biểu đề nghị thông qua dự luật qua 3 kỳ họp, chỉ có 0,6% thông qua dự luật qua 2 kỳ. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong 3 kỳ.

“Dự luật cần được tiếp tục thảo luận để nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng; đồng thời sẽ tổ chức nhiều hội thảo để xin ý kiến cộng đồng, nhân dân để trình Quốc hội tại hai kỳ họp tiếp theo. Điều này thể hiện sự thận trọng, kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng của dự luật, giúp công tác phòng, chống tham nhũng thực sự hiệu quả”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Tin, ảnh: HUYỀN THẢO

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/ky-hop-thu-4-quoc-hoi-khoa-xiv-ket-thuc-tot-dep-524524