Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Đánh giá cao các phương án của Bộ Công Thương

Giải trình trước Quốc hội về kết quả xử lý các dự án tồn tại thuộc ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu các phương án xử lý với từng dự án và cho biết, 4/12 dự án đã khôi phục lại hoạt động sản xuất, một số dự án khác cũng đang trong quá trình tái khởi động.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) chia sẻ trước báo chí

Chính phủ, Bộ Công Thương đã quyết liệt vào cuộc

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 33 giao Chính phủ rà soát đánh giá khó khăn, vướng mắc tại một số dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành Công Thương nhằm đưa ra phương án xử lý. Ngay sau đó, Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm trưởng ban.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, để giải quyết tồn đọng của các dự án, đảm bảo hiệu quả trong quản lý và nguồn lực của nhà nước, phải làm một cách đồng bộ, đánh giá lại toàn bộ một cách hệ thống những vấn đề tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân và hướng giải quyết. Vì vậy, trong năm 2016 và 2017, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo về mặt cơ chế, thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để đánh giá tổng thể, toàn diện, kết hợp với kiểm tra cụ thể từng dự án, tìm nguyên nhân và đưa ra hướng giải quyết. Đồng thời, tiếp tục ban hành chính sách, quy định, hướng dẫn cụ thể để giải quyết đồng bộ bao gồm công nghệ, thương mại, đảm bảo hiệu quả nguồn lực của nhà nước. Mặt khác, giải quyết triệt để những vi phaåm phaáp luêåt cuaã töí chức và cá nhân ở các cấp.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, năm 2018, sẽ tập trung giải quyết về cơ bản những dự án tồn đọng. Đến năm 2020, giải quyết triệt để toàn bộ, đồng bộ tất cả các khía cạnh và lĩnh vực liên quan tại các dự án.

Trên thực tế, trong số 12 dự án này, 4 dự án trong lĩnh vực phân bón đã khôi phục lại hoạt động sản xuất và đang từng bước tiếp cận thị trường, có hoạt động thương mại hiệu quả để hướng đến giải pháp bán vốn cũng như thu hồi vốn của nhà nước. 3 dự án khác trong lĩnh vực xăng sinh học cũng đang khởi động, tổ chức lại để năm 2018 sẽ hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, các dự án như Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Thép Việt Trung đang có những bước triển khai cụ thể trong việc rút vốn nhà nước cũng như tiếp tục giải pháp về mặt công nghệ…

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát dự án đầu tư trong ngành có nguy cơ kém hiệu quả kinh tế, từ đó, ban hành giải pháp phù hợp, kịp thời để tránh thiệt hại cho nhà nước; tạo hiệu quả và đóng góp tích cực vào phát triển chung của kinh tế đất nước.

Phương án phù hợp

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) thẳng thắn: 12 dự án tồn đọng của ngành Công Thương đều là những dự án lớn, tác nhân quan trọng ảnh hưởng đến nền công nghiệp nói riêng, kinh tế đất nước nói chung. Do đó, Chính phủ, Bộ Công Thương đưa ra các phương án xử lý những tồn tại ở những dự án này là rất cần thiết.

Đánh giá về những động thái trong thời gian qua của Bộ Công Thương, vị đại biểu tỉnh Bến Tre cho rằng, về nguyên tắc, những phương án Bộ Công Thương trình Chính phủ đảm bảo tuân thủ chỉ đạo của Trung ương, tuân thủ pháp luật. Những kết quả ban đầu trong xử lý 12 dự án tồn tại nói trên, cùng với sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ, còn nhận được sự chia sẻ từ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, theo đại biểu, trong thời gian tới, Bộ Công Thương cần làm rõ hơn, có đánh giá cụ thể hơn về những tác động, hiệu ứng có thể có của từng phương án xử lý đối với từng dự án để báo cáo Quốc hội và công khai cho dư luận biết.

Còn đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) cho rằng: Phương án không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để bù lỗ tại các dự án này là hợp lý, đồng thời, để thị trường tự quyết định sẽ đảm bảo hiệu quả của các dự án. Các phương án Chính phủ, Bộ Công Thương đưa ra trong xử lý 12 dự án tồn tại thuộc ngành Công Thương sẽ không gây xáo trộn thị trường.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:

Năm 2018, sẽ tập trung giải quyết về cơ bản những tồn đọng và đến năm 2020 sẽ giải quyết triệt để toàn bộ, đồng bộ tất cả các khía cạnh và lĩnh vực liên quan tại các dự án.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/ky-hop-thu-4-quoc-hoi-khoa-xiv-danh-gia-cao-cac-phuong-an-cua-bo-cong-thuong.html