Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV: Cân nhắc quy định về đặt cược thể thao

Chiều 15-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Đặt cược thể thao là một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm có ý kiến tại phiên thảo luận.

Chiều 15-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Đặt cược thể thao là một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm có ý kiến tại phiên thảo luận.

Đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua dự án Luật Lâm nghiệp.

Sáng 15-11, với 87,78% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Lâm nghiệp. Luật gồm 12 chương, 108 điều quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản. Về chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp, Luật quy định: Nhà nước có chính sách đầu tư và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động lâm nghiệp gắn liền, đồng bộ với chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoạt động lâm nghiệp.

Luật thì cấm đặt cược nhưng thực tế xảy ra

Một số ý kiến cho rằng, mặc dù đặt cược thể thao là nhu cầu thực tiễn, có thể huy động được nguồn vốn đầu tư lớn cho lĩnh vực thể dục, thể thao nhưng đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cần phải có báo cáo đánh giá tác động cụ thể. Trong khi đó, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 06 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế nên cần có thời gian thực hiện, tổng kết, đánh giá trước khi quy định vào Luật. Vì vậy, chưa nên quy định về đặt cược thể thao trong dự thảo này.

Theo đại biểu Ngàn Phương Loan, hoạt động đặt cược là vấn đề nhạy cảm và phức tạp được quy định trong danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Tính tới thời điểm này, Nghị định 06 mới được áp dụng chưa lâu và việc đặt cược mới chỉ được cho phép thí điểm đối với 3 hoạt động thể thao (đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế). Do đó, đại biểu nêu quan điểm để có đánh giá chính xác về tác động của hoạt động này, cần có thời gian để sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 06, rút kinh nghiệm trước khi bổ sung nội dung cho phép đặt cược thể thao vào dự thảo Luật.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung đặt cược thể thao trong dự thảo Luật. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, hiện nay vấn đề này đã được Chính phủ cho phép mặc dù mới chỉ giới hạn ở một số môn nhất định. “Chúng ta quy định trong Luật nhưng nên giới hạn ở một số hoạt động thể thao có đủ điều kiện và Chính phủ sẽ quyết định danh mục các hoạt động thể dục thể thao được phép đặt cược”- đại biểu Việt Nga đề xuất. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằn,g đừng để vấn đề đặt cược thể thao trong luật thì cấm nhưng thực tế xảy ra lén lút hoặc thậm chí bùng nổ. Đại biểu tin rằng nếu có luật, nếu tổ chức tốt sẽ hạn chế được mặt trái, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước, xã hội về thuế, tạo điều kiện cho nhân dân thỏa mãn được thú vui, nhất là quản lý được vấn đề nhiều thập kỷ qua cấm nhưng vẫn xảy ra rất nhức nhối. “Tôi nghĩ Quốc hội cũng cần là Quốc hội kiến tạo trong xây dựng luật, tạo điều kiện cho Chính phủ kiến tạo trong thi hành luật”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Giải trình vấn đề trên, trước các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu rà soát để trình Chính phủ xem xét trên nguyên tắc thận trọng phù hợp với khả năng quản lý, điều hành, giám sát của Bộ.

Mô hình nào cho Cơ quan cạnh tranh Quốc gia?

Trước đó, sáng 15-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là mô hình Cơ quan cạnh tranh Quốc gia. Theo Tờ trình của Chính phủ, Cơ quan cạnh tranh Quốc gia là cơ quan duy nhất thực thi Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trên cơ sở hợp nhất 2 cơ quan hiện hành, gồm cơ quan quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương) và Hội đồng cạnh tranh. Cơ quan cạnh tranh Quốc gia là cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương đồng thời, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia.

Đại biểu Phạm Tất Thắng băn khoăn với phương án Chính phủ đề xuất là cơ quan này trực thuộc Bộ Công Thương. “Bộ Công Thương ngoài chức năng quản lý Nhà nước thì cũng trực tiếp quản lý nhiều doanh nghiệp trực thuộc Bộ. Trong khi đó, hiện nay, chúng ta đang có chủ trương thu gọn đầu mối; số lượng cơ quan trực thuộc Chính phủ cũng đã được quyết định cụ thể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội”, đại biểu phân tích. Do vậy, để xử lý vấn đề này, đại biểu Thắng đề nghị, dự thảo Luật quy định rõ hơn những hành vi bị cấm đối với cơ quan Nhà nước, đặc biệt là những lĩnh vực có các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương tham gia. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tính toán và quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan này để không xảy ra tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng do cơ cấu tổ chức đặt ra.

Nhiều ý kiến đề nghị quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia độc lập thuộc Chính phủ hoặc thuộc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh. Vì độc lập là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, hiệu lực của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lại không đồng tình với việc thành lập Cơ quan cạnh tranh Quốc gia. Đại biểu dẫn ra 4 bất cập nếu thành lập cơ quan này, cụ thể: Tăng thêm độ lòng vòng của việc xử lý; tăng thêm tổ chức bộ máy biên chế; có khả năng dẫn đến việc đi trái nguyên tắc thực hiện quyền lực Nhà nước là có phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực và đi ngược với cải cách tư pháp. “Cơ quan này nếu thành lập sẽ không phù hợp với hệ thống pháp luật”, đại biểu Nhưỡng chỉ rõ.

B.T – T.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_175117_.aspx