Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Hải Dương: Chất vấn nhiều vấn đề 'nóng'

Quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, ô nhiễm môi trường ở nông thôn, tu bổ di tích, chậm giải ngân vốn đầu tư công… là những vấn đề 'nóng' được chất vấn tại Kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XVII diễn ra ngày 8/12.

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

Đại biểu Khổng Quốc Tuân chất vấn, hiện nay, toàn tỉnh có 42 giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực nhưng chưa thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ và cải tạo môi trường. Ngoài ra, còn 17 khu vực chưa được cấp giấy phép khai khoáng. Đại biểu đề nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra hướng giải quyết đối với các trường hợp này.

Ông Hoàng Văn Thực, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đối với 42 giấy phép khai khoáng hết hiệu lực, Sở đã làm việc trực tiếp với chủ mỏ và yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ. Khi có hồ sơ của doanh nghiệp, Sở sẽ xem xét việc đóng cửa đối với các mỏ theo quy định. Về những khu mỏ chưa được cấp giấy phép, sau khi thống nhất với các địa phương, Sở đã tham mưu UBND tỉnh những khu mỏ đưa vào quy hoạch để đấu giá khai thác.

Các đại biểu nêu vấn đề rác thải chăn nuôi, rác thải ở bãi chôn lấp, ô nhiễm dòng sông nơi cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và đề nghị có giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Văn Thực cho biết, toàn tỉnh hiện có 563 bãi chôn lấp, xử lý rác thải. Năm 2021, tỉnh triển khai đề án về xử lý rác thải nông thôn. Thời gian tới, Sở phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tác động môi trường ở khu vực nông thôn để có giải pháp đồng bộ. Bên cạnh đó, triển khai hệ thống quan trắc môi trường tự động, thường xuyên giám sát các chỉ số về ô nhiễm môi trường để xử lý.

Kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích

Trước thực tế hiện nay còn nhiều dự án đang gặp vướng mắc trong quá trình triển khai dẫn đến chậm tiến độ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lưu Văn Bản cho biết, từ nay đến 31/12, những vướng mắc của các dự án thuộc diện này sẽ được giải quyết. Với nhóm dự án còn vướng mắc thuộc giai đoạn trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập tổ công tác rà soát, kiểm tra toàn bộ những dự án này.

Tuy nhiên, ông Lưu Văn Bản nhấn mạnh, có tình trạng nhiều nhà đầu tư chây ì, mặc dù đã có thủ tục chấp thuận đầu tư nhưng không thực hiện dự án. Sắp tới, tỉnh sẽ chỉ đạo rà soát và kiên quyết thu hồi đối với các dự án này hoặc đề nghị sẽ không gia hạn chủ trương đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết liệt chỉ đạo ngành chức năng, có phương án tham mưu, kiên quyết xử lý, thu hồi dự án chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích. Trong đó có một số dự án đã được bàn giao đất 15 năm, diện tích đất sử dụng rất lớn, gây lãng phí nguồn lực đất đai và bức xúc trong dư luận.

Ưu tiên tu bổ di tích đã xuống cấp trầm trọng

Trả lời chất vấn của đại biểu các huyện Bình Giang, Thanh Miện về việc tu bổ di tích đã xuống cấp, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, giai đoạn 2017 - 2022 đã có 208 lượt di tích trong tỉnh được tu bổ. Riêng giai đoạn từ 2020 - 2022, có 38 lượt di tích được tu bổ bằng nguồn vốn xã hội hóa. Ngành Văn hóa đã khảo sát và có kế hoạch ưu tiên tu bổ 71 di tích xuống cấp trầm trọng với nguồn vốn vừa huy động xã hội hóa vừa từ ngân sách.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thành Trung, thời gian tới, ngành tích cực tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh để đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ kinh phí tu bổ di tích từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa đối với các di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, di tích có giá trị cao về kiến trúc nghệ thuật. Đồng thời, ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Theo số liệu thống kê, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của Hải Dương đang rất chậm, chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, đến ngày 5/12, tổng vốn giải ngân năm 2022 đã đạt 64,7% so với tổng vốn phân bổ chi tiết. Nguồn vốn giải ngân ngân sách địa phương đã giải ngân được 68%, trong đó, ngân sách cấp tỉnh đạt 26,6%. Giải ngân vốn ODA đạt 51,8%, vốn ngân sách cấp huyện và cấp xã đạt 87,5%; vốn ngân sách Trung ương đạt 54,3%.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Minh Hùng, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh tập trung 7 nhóm giải pháp. Trước hết, tỉnh hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư theo tiến độ đã được phê duyệt; giao ban hàng ngày với nhà thầu để thống nhất giải pháp tập trung huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm giải ngân vốn theo kế hoạch... Những dự án không có khả năng giải ngân theo kế hoạch sẽ không bố trí vốn năm 2023, nếu do lỗi chủ quan kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu và cá nhân liên quan.

Tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát xử lý điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh rà soát đẩy nhanh giải quyết các thủ tục và tạo thuận lợi cho chủ đầu tư thực hiện quyết toán; xử lý nghiêm chủ đầu tư, cá nhân cố tình gây khó khăn cho giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết xử lý hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Về giải phóng mặt bằng, năm 2022, các địa phương trong tỉnh đã vào cuộc tích cực. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lưu Văn Bản, quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng nổi lên một số vấn đề: Xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, cấp trái thẩm quyền dẫn đến nhiều công trình xây nhà trái phép, gây khó khăn cho quá trình đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Một số huyện lúng túng về trình tự, thủ tục trong thu hồi giải phóng mặt bằng.

Kết luận phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Bích đề nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực vào cuộc, phối hợp với doanh nghiệp có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với quy định, chính sách của nhà nước; không để giải phóng mặt bằng trở thành điểm nghẽn, chậm tiến độ triển khai dự án, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh... Với các nội dung khác, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ngành nghiêm túc tiếp thu và sớm giải quyết dứt điểm.

Mạnh Minh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/ky-hop-thu-12-hdnd-tinh-hai-duong-chat-van-nhieu-van-de-nong-20221208223231102.htm