KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIV: - Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ

Ngày 6-11, Quốc hội họp bắt đầu phiên chất vấn đầu tiên. Với mục tiêu tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề còn tồn tại, trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cách thức tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ không theo nhóm vấn đề mà đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiến hành chất vấn lĩnh vực nào thì người đứng đầu các cơ quan liên quan có trách nhiệm trực tiếp trả lời. Riêng Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế do đã thay đổi nhiệm vụ mới nên chất vấn sẽ được trả lời bằng văn bản. Thời gian tranh luận cho mỗi ĐB không quá 2 phút, mỗi ĐB tranh luận không quá 2 lần.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời chất vấn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời chất vấn.

Cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Trình bày Báo cáo tóm tắt của Chính phủ về Tổng hợp việc thực hiện các Nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ đã gửi đến các vị ĐB 19 báo cáo đầy đủ, chi tiết (gồm 963 trang).

Các báo cáo nêu rõ: Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả thực chất hơn. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét, doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và chất lượng. Phát triển đồng bộ các loại thị trường, kinh tế tư nhân từng bước trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài có tính lan tỏa, áp dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường... Hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, thị trường tài chính, thuế, quản lý nợ công được hoàn thiện. Chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt. Hệ thống hạ tầng thương mại được chú trọng phát triển. Việc xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương được tập trung chỉ đạo, từng bước phân nhóm các dự án để xác định phương án xử lý cụ thể, khả thi, dứt điểm…

Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận công tác quản lý thị trường còn bất cập; việc xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành Công Thương có nhiều khó khăn, vướng mắc; một số bất cập giữa quy hoạch và đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện còn chưa được xử lý triệt để; quản lý quy hoạch và xây dựng thủy điện có nơi còn chưa chặt chẽ, còn có dự án thủy điện nhỏ có tác động đáng kể đến môi trường…

Chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm

Về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, nâng cao chất lượng điều tra, xử lý tội phạm, phòng ngừa oan sai. Nhiều vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Bộ CA đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm; tiếp tục triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Công tác phòng, chống oan sai trong hoạt động điều tra hình sự được quan tâm; đẩy mạnh phong trào toàn dân BVANTQ.

Tuy nhiên một số địa bàn còn tiềm ẩn điểm nóng, phức tạp về ANTT. Số vụ phạm pháp hình sự vẫn có chiều hướng gia tăng. Tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp; tội phạm chống người thi hành công vụ tăng; công tác quản lý người nghiện ma túy còn bất cập…

Căn cơ phòng dịch và chung sống an toàn với dịch Covid-19

Trả lời chất vấn của một số ĐBQH liên quan đến giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, tiến độ nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng "bên ngoài đang sóng to gió lớn, bên trong phải bao chặt". Theo đó, Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ các đối tượng nhập cảnh (cả trái phép và hợp pháp). Việt Nam cũng đã đón khoảng 200.000 người nhập cảnh, gồm các chuyên gia, người lao động, người Việt Nam ở các nước, vùng lãnh thổ. Trong nước cũng triển khai nhiều giải pháp. Tất cả các cơ sở y tế, trường học, cơ sở giáo dục, cơ sở lưu trú, nhà máy công xưởng... phải thực hiện đầy đủ quy định hướng dẫn, đảm bảo an toàn.

Về vấn đề dịch bệnh sẽ kéo dài đến bao giờ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Phải chuẩn bị tinh thần ít nhất đến hết năm 2021", riêng vaccine nhanh nhất cuối năm 2021, đầu năm 2022 mới sản xuất được.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đối với Việt Nam, giải pháp căn cơ nhất vẫn là tiếp tục các giải pháp phòng dịch và chung sống an toàn với dịch.

Hoàn thành xong quy hoạch báo chí trong năm 2020

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH chất vấn, Bộ trưởng Bộ TT- TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc triển khai mạng 5G ở Việt Nam không chậm và năm 2021 sẽ triển khai diện rộng với chất lượng tốt, giá rẻ hơn. Riêng mạng xã hội Lotus và sự phát triển của các mạng xã hội trong nước, Bộ trưởng Hùng cho biết, các mạng xã hội Việt Nam đến nay đã đạt 96 triệu tài khoản, đã cấp phép đến trên 800 mạng xã hội, riêng mạng xã hội Lotus có khoảng 3 triệu tài khoản, mạng Gapo có khoảng 6 triệu tài khoản. Bộ trưởng cho rằng như vậy là cao nên thời gian tới, Bộ tiếp tục đẩy mạnh các mạng xã hội trong nước theo hướng chiếm lĩnh thị trường ngách, đặc biệt là các mạng xã hội thế hệ mới, có công cụ chọn lọc ngay từ đầu, đảm bảo nền tảng sạch; công khai thuật toán với người dùng…

Riêng về quy hoạch báo chí và công tác quản lý báo chí, Bộ trưởng Bộ TT-TT khẳng định, trong năm nay sẽ thực hiện xong quy hoạch báo chí và Bộ quyết tâm thực hiện mục tiêu này.

Q.H

Cũng trong ngày đầu của phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã trả lời về đầu tư kinh phí đổi mới sách giáo khoa, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo về môi trường đầu tư, kinh doanh, năng suất lao động. Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Viện KSND trả lời về chất lượng công tác xét xử; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời về chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời về vấn đề môi trường…

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_234152_.aspx