Ký hợp đồng lao động giúp việc gia đình để hạn chế tranh chấp

Người sử dụng lao động (SDLĐ) phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình (GVGĐ) và có trách nhiệm thông báo với UBND cấp xã, phường là điều đã được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản liên quan. Thế nhưng hiện nay quy định này chưa được thực thi hiệu quả, dẫn đến địa phương khó quản lý và quyền lợi các bên không được bảo đảm, nhất là khi có vụ việc xảy ra.

Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng thì có gần 90% lao động GVGĐ và người SDLĐ không ký hợp đồng bằng văn bản mà chỉ thỏa thuận miệng về công việc, tiền lương, thời gian làm việc.

Chị Lê Thị Lý là người GVGĐ ở phường Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Tôi đi làm giúp việc đến nay đã 8 năm, chủ yếu qua người quen giới thiệu và chưa bao giờ ký hợp đồng bằng văn bản. Tôi không biết liệu ký như thế có rắc rối gì không, có tốt hơn không?”. Bà Đinh Thị Hà, gia chủ của chị Lý, cho biết bà có nghe nói đến quy định trên nhưng chưa hiểu rõ nên chỉ thỏa thuận miệng. Trường hợp chị Lý, bà Hà nằm trong số nhiều người SDLĐ và người GVGĐ ở các khu đô thị lớn hiện nay không biết hoặc có biết nhưng chưa ký hợp đồng lao động vì còn mơ hồ.

 Một người giúp việc gia đình tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP Hà Nội.

Một người giúp việc gia đình tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP Hà Nội.

Thực tế, việc không ký hợp đồng sẽ gây bất lợi cho cả hai bên khi phát sinh mâu thuẫn. Đó là người GVGĐ thích thì làm, không thích thì nghỉ; gia chủ có tiền thì thưởng, không thì thôi. Nếu ký hợp đồng, người GVGĐ sẽ được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, được bảo đảm chế độ nghỉ ngơi, thời gian làm việc bình đẳng như lao động ở các ngành nghề khác. Ngoài ra, nếu không ký hợp đồng sẽ là một khó khăn lớn trong bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên khi có vụ việc xảy ra vì thiếu căn cứ pháp lý chứng minh. Trong hàng trăm nghìn người GVGĐ, một số ít có hành vi ăn cắp rồi bỏ trốn, bắt cóc trẻ em để tống tiền… Với người SDLĐ, có một số người đã đánh đập, hành hạ, thậm chí xâm hại người GVGĐ...

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân những quy định pháp luật này chưa đi vào cuộc sống là do việc tuyên truyền, triển khai hướng dẫn đến người dân còn hạn chế và việc giám sát thực thi luật ở các cấp chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, một số quy định của luật còn chưa rõ ràng. Ví dụ, Khoản 1, Điều 5 Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH quy định: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, người SDLĐ phải có trách nhiệm thông báo tới UBND xã, phường, thị trấn nơi người lao động làm việc về việc sử dụng lao động là người GVGĐ” nhưng lại không quy định rõ là thông báo tới ai, chủ tịch UBND phường hay cán bộ phường. Hoặc pháp luật cũng chưa có chế tài quy định việc nếu người SDLĐ không khai báo tạm trú cho người GVGĐ thì khi bị phát hiện sẽ bị xử lý thế nào, nên công tác quản lý, giám sát việc sử dụng người giúp việc ở xã, phường còn gặp nhiều lúng túng. Bên cạnh đó, câu chuyện thiếu nhân sự quản lý, giám sát thực thi luật cũng là vấn đề hiện nay.

Trao đổi với chúng tôi, TS Đỗ Thị Tươi, Phó trưởng Khoa Quản lý nguồn nhân lực, Trường Đại học Lao động Xã hội cho rằng: “Cần phải thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp: Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là với người GVGĐ và các hộ có sử dụng người GVGĐ để họ hiểu rõ và thấy được lợi ích của việc ký hợp đồng bằng văn bản. Hai là, đẩy mạnh công tác quản lý về lao động GVGĐ, chẳng hạn như quy định rõ cá nhân, bộ phận ở phường (xã) để người dân dễ dàng thông báo theo quy định tại Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, của chính quyền cơ sở, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và tổ dân phố...; đi liền với đó là cần xử lý nghiêm những người vi phạm. Ba là, chú trọng công tác đào tạo, hỗ trợ đào tạo đối với lao động GVGĐ. Bốn là, tăng cường vai trò của trung tâm giới thiệu việc làm về GVGĐ, vì đây là đơn vị có thể hỗ trợ tốt nhất cho người GVGĐ trong việc lập hợp đồng, thỏa thuận về lương, thưởng và các chế độ phúc lợi khác...”.

Kinh tế càng phát triển thì nhu cầu tìm người giúp việc càng lớn và càng cần những hợp đồng lao động bằng văn bản để bảo đảm quyền lợi cho cả các bên trước pháp luật. Về lâu dài, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần có chính sách đẩy mạnh đào tạo, phát triển nghề GVGĐ; các cơ quan chức năng cũng sớm hoàn thiện quy định pháp luật, đồng thời đưa ra mẫu chuẩn cho loại hợp đồng này để thuận tiện hơn đối với các bên và cơ quan chức năng dễ quản lý, xử lý khi vụ việc phức tạp nảy sinh.

Bài và ảnh: KIM DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ky-hop-dong-lao-dong-giup-viec-gia-dinh-de-han-che-tranh-chap-572744