Kỳ Hồn - Hikaru Kì Thủ Cờ Vây phiên bản Trung Quốc

Tác phẩm gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ là Hikaru Kì Thủ Cờ Vây đã được chuyển thể thành phim nhưng với bối cảnh rất khác. Các cuộc chiến cờ vây khốc liệt đã chuyển quốc tịch từ Nhật Bản sang Trung Quốc với bầu không khí hài hước và ám mùi 'đam mỹ'.

Hikaru Kì Thủ Cờ Vây là tác phẩm truyện tranh nổi tiếng được viết bởi Hotta Yumi và do Obata Takeshi minh họa. Truyện đã góp công vào việc phổ biến bộ môn cờ vây đến giới trẻ châu Á, tạo nên sức hút hấp dẫn hàng triệu độc giả dõi theo. Ngày 27/10/ 2020, tác phẩm truyền hình chuyển thể từ truyện do Trung Quốc sản xuất đã lên sóng và gặp nhiều ý kiến trái chiều, người khen kẻ chê đều có đủ.

Nhiều người sẽ băn khoăn, e ngại khi theo dõi phiên bản live action này vì các loạt tác phẩm chuyển thể từ truyện tranh, tiểu thuyết trước đó từ các nhà làm phim xứ Trung đều bị “xào nấu”, biến tấu đến mức làm méo mó “cái gốc” của nguyên tác. Tuy nhiên Kỳ Hồn không giống vậy, bộ phim là một tác phẩm đáng để xem khi giữ nguyên cốt truyện chính và có những cải biên phù hợp với bối cảnh, văn hóa Trung Quốc.

Chuyện phim bắt đầu vào năm 1997, cậu bé tinh nghịch Thời Quang đã tình cờ phát hiện ra một bàn cờ cổ trong nhà kho của ông nội. Khi động vào bàn cờ đó, cậu vô tình giải phóng linh hồn của Chử Doanh (Trương Siêu). Hồn ma Chử Doanh đã bị giam giữ trong đó 300 năm và nay đã được tự do, đến dương gian để bắt đầu một hành trình khám phá mới.

Chử Doanh là một kì thủ cờ vây nước Nam Lương, tồn tại cách đây hơn nghìn năm. Chàng là người chơi cờ với Vũ đế, được nhà vua vô cùng yêu mến và trọng dụng. Đáng tiếc người tài thì thường khiến nhiều kẻ ganh ghét, đố kỵ nên Chử Doanh đã hãm hại dẫn đến chết trong oan ức. Linh hồn chàng không thể siêu thoát và cứ trú ngụ nơi bàn cờ cổ, chờ đợi một tri kỷ có thể giúp chàng đạt được ước nguyện tìm kiếm Nước đi thần thánh.

Và Thời Quang xuất hiện, giải thoát cho Chử Doanh nhưng oái oăm là cậu bế vốn không hứng thú với cờ vây. Sau khi bị anh ma dụ dỗ, ám mãi không buông thì Thời Quang đành phải chấp nhận tìm hiểu về cờ vây. Kể từ đó niềm yêu thích cờ vây trong cậu trỗi dậy cùng với sự chỉ dạy của Chử Doanh, Thời Quang từng bước tiến đến vị trí kì thủ cờ vây chuyên nghiệp, vang danh thiên hạ.

Bộ phim có một diễn biến chậm rãi, xây dựng từng chi tiết một, từ từ truyền tải những diễn biến chính của nguyên tác. Mặc dù kịch bản có một số cải biên khác nhưng “cái hồn” của bộ truyện tranh vẫn giữ được nguyên. Cách xây dựng tính cách, suy nghĩ cùng hành động của nhân vật cũng rất bám sát với bản gốc.

Mối quan hệ của Thời Quang và Chử Doanh dần phát triển theo những biến cố mà họ cùng trải qua với môn cờ vây. Thời Quang ban đầu vốn không thích thú với cờ vây, theo cậu nó nhàm chán và tẻ nhạt. Suy nghĩ của cậu giống với đa số mọi người vì ở cuộc sống hiện đại cờ vây là một điều gì đó hoài cổ, dần bị quên lãng. Còn Chử Doanh chính là quá khứ, đại diện cho nét tinh hoa đẹp đẽ truyền thống của cờ vây. Khi Thời Quang gặp Chử Doanh, nghĩa là cái mới và cũ giao thoa với nhau, họ cùng sẻ chia thấu hiểu và quan tâm lẫn nhau. Giữa họ dần hình thành mối liên kết kỳ lạ không thể tách rời mà tương trợ, bổ sung cho nhau cùng đạt được mong ước của bản thân.

Phim mang không gian vui tươi với các tình tiết hài hước được lồng ghép hợp lý, tạo cảm giác thú vị hấp dẫn, không quá căng thẳng hay nặng nề với các cuộc đấu cờ vây “hại não”. Kỳ Hồn còn diễn giải, đưa ra các lý thuyết, kiến thức về cờ vây để khán giả hiểu rõ thêm về môn thể thao cổ truyền này.

Hồ Tiên Hú vai Thời Quang

Hồ Tiên Hú vai Thời Quang

Phần diễn xuất và tạo hình của dàn diễn viên là điểm được chú ý nhất. Về điểm này thì Kỳ Hồn vẫn còn điểm hạn chế và không thoát được sự săm soi, phán xét của cư dân mạng. Có rất nhiều ý kiến trái chiều về dàn cast của phim. Người thì khen ngợi vì các diễn viên đã hóa thân “tròn vai” và thể hiện thành công nét đặc sắc riêng của từng nhân vật. Các diễn viên như: Hồ Tiên Hú, Trương Siêu, Hác Phú Thân… đã phần nào làm tốt việc đưa hình ảnh các nhân vật từ truyện tranh lên màn ảnh qua lối diễn chân thực, giàu cảm xúc.

Trương Siêu vai Chử Doanh

Ngược lại kẻ chê cho rằng tạo hình các nhân vật thực sự “quá lỗi”, đặc biệt là kì thủ cờ vây Chử Doanh, trong bản gốc là Fujiwara no Sai. Trong truyện Sai là một mỹ nam sở hữu dung mạo tuấn tú, có khí chất và thần thái vô cùng cuốn hút. Những ai trót đem lòng yêu mến Sai khi nhìn thấy hình tượng của chàng qua nhân vật Chử Doanh do Trương Siêu đều cảm thấy phẫn nộ. Hội người hâm mộ “ném đá” và nhận xét Chử Doanh có ngoại hình quá “đô con và thô cứng”. Nam thần tuổi thơ giờ đã hóa thành một anh chàng có ngoại hình giống với “Đông Phương Bất Bại”. Anh chàng Hác Phú Thân với vai Du Lượng cũng “lên thớt” khi bị đánh giá là không toát lên được phong thái lạnh lùng, sắc bén của nhân vật Akira.

Hác Phú Thân vai Du Lượng

Một tác phẩm chuyển thể đương nhiên sẽ không thể thoát khỏi số phận bị so sánh nhưng nhìn chung Kỳ Hồn là bộ phim “có tâm” khi không thay đổi hay làm mất đi ý nghĩa của Hikaru Kì Thủ Cờ Vây. Phim có khung cảnh đẹp, diễn xuất tốt với sự hợp tác ăn ý của dàn diễn viên. Hội hủ nữ sẽ có nhiều dịp bấn loạn khi thấy một số khoảnh khắc thân mật, tràn đầy yêu thương giữa Thời Quang và Chử Doanh hay Thời Quang và Du Lượng. Đó là những tình bạn vô cùng ngọt ngào của các chàng trai yêu cờ vây.

Cùng đón xem bộ phim và tìm lại một phần ký ức của ngày xưa với môn cờ vây vào thứ Ba đến thứ Năm hàng tuần trên kênh iQiyi.

Ái Thương - CTV

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/ky-hon-hikaru-ki-thu-co-vay-phien-ban-made-in-china-20201103111751736.html