Kỳ cuối: Vì sao các cơ quan liên quan vẫn im lặng?

Trại lợn gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Yên Bình, huyện Thạch Thất đã khiến cuộc sống người dân xung quanh khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong suốt hơn 10 năm qua. Các cấp các ngành cũng đã vào cuộc xử lý nhưng chưa triệt để.

Không đảm bảo xử lý toàn bộ chất thải, nước thải

Qua tìm hiểu, tại nhiều kỳ tiếp xúc cử tri phục vụ các kỳ họp Hội đồng nhân dân huyện Thạch Thất, Ủy ban nhân dân huyện đã tiếp nhận ý kiến phản ánh của cử tri xã Thạch Hòa và cử tri xã Bình Yên liên quan đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường.

Một xe ô tô chở lợn trước cổng trại chăn nuôi

Một xe ô tô chở lợn trước cổng trại chăn nuôi

Các khu chăn nuôi hiện nằm trong khu vực quản lý của Tiểu đoàn 26 - Tổng cục Hậu cần và Trung đoàn 916 - Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, thuộc hai xã Yên Bình và Thạch Hòa. Ủy ban nhân dân huyện đã nhiều năm liền thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, đánh giá thực trạng hoạt động và xử lý chất thải chăn nuôi của các khu chăn nuôi. Kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết các hộ chăn nuôi không có đề án bảo vệ môi trường, không chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường làm ảnh hưởng đến môi trường 2 xã theo phản ánh của cử tri là đúng.

Ngày 12/4/2016, Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất có văn bản số 622/UBND-TNMT báo cáo kết quả kiểm tra quan trắc hiện trạng môi trường tại khu vực các trang trại chăn nuôi trong khuôn viên đất Tiểu đoàn 26 tại xã Yên Bình và Trung đoàn 916 tại xã Thạch Hòa gửi Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân và Bộ Tham mưu – Tổng cục Hậu cần.

Theo hồ sơ các đơn vị cung cấp, năm 2006, Tiểu đoàn 26 – Tổng cục Hậu cần, đã thực hiện ký liên kết chăn nuôi với ông Nguyễn Văn Luân và ông Vũ Văn Hùng (thường trú tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội). Tổng diện tích đất giao là 8ha thuộc khu đất do Bộ Tham mưu Tổng cục Hậu cần quản lý tại xã Yên Bình, huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình (nay là huyện Thạch Thất, Hà Nội). Sau khi được giao đất, ông Luân và ông Hùng đã cho các hộ gia đình, cá nhân khác xây dựng chuồng trại và chăn nuôi. Số hộ gia đình và cá nhân quản lý chuồng trại trong khu đất thường xuyên thay đổi... Trong nhiều năm liền kểm tra, các công trình của các hộ xây dựng không có chức năng xử lý mà cơ bản chỉ lắng sơ bộ rồi thải ra môi trường.

Về thực trạng chăn nuôi thuộc Trung đoàn 916, năm 2015, Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất thực hiện kiểm tra việc chăn nuôi và xử lý môi trường của chủ chăn nuôi trong khuôn viên đất do Trung đoàn quản lý tại xã Thạch Hòa. Theo báo cáo của tổ công tác, hầu hết các hộ chăn nuôi ký hợp đồng liên kết với Trung đoàn từ năm 2004 đến nay. Ban đầu ký hợp đồng liên kết trồng cây xanh, sau đó năm 2007, một số hộ ký gia hạn hoặc ký mới có bổ sung thêm việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi.

Thống kê cho thấy, trong đó 13 hộ chăn nuôi, tổng diện tích Trung đoàn ký với các hộ dân khoảng 35 ha. Trong đó có 33 chuồng lợn và 8 chuồng gà. Tuy nhiên không có hộ nào được đăng ký xác nhận hồ sơ về môi trường theo quy định. Quy mô đầu tư bể chứa của các hộ không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình và không đủ đáp ứng xử lý lượng nước thải, chất thải phát sinh với quy mô chăn nuôi. Do đó, không đảm bảo xử lý toàn bộ chất thải, nước thải phát sinh hàng ngày.

Tiếp tục kiến nghị thành phố

Để giải quyết khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tại văn bản 622, Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị quân đội trên địa bàn huyện thanh lý, chấm dứt hợp đồng liên kết chăn nuôi sản xuất với các tổ chức, cá nhân; sử dụng đất đúng mục đích được giao. Đồng thời chủ động khắc phục và phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng môi trường trong khu vực liên kết chăn nuôi. Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị quân đội, Ủy ban nhân dân huyện, xã khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh do hoạt động chăn nuôi gây ra tại khu vực xã Yên Bình, Thạch Hòa và Bình Yên…

Gần đây nhất, ngày 27/2/2019, Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất có công văn số 212/UBND-TNMT gửi Bộ Quốc phòng đề nghị chỉ đạo các đơn vị quân đội trên địa bàn huyện sử dụng đất đúng mục đích và đảm bảo vệ sinh môi trường. Công văn nêu: Sau khi Bộ Quốc phòng ban hành văn bản 8925/BQP-VP ngày 1/8/2017 về việc xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi của Tiểu đoàn 26, Trung đoàn 916 với các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã Yên Bình, Thạch Hòa, Ủy ban nhân dân huyện đã chủ động làm việc, kiểm tra, nắm tình hình thực tế các nội dung chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.

Liên quan đến trại chăn nuôi gây ô nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất do báo chí phản ánh, ngày 17/12/2015, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có công văn số 8722/VP-TNMT gửi Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất, Sở Tài nguyên và Môi trường, giao các đơn vị kiểm tra giải quyết theo thẩm quyền.

Kết quả cho thấy, Tiểu đoàn 26 đã chỉ đạo các hộ chăn nuôi đầu tư hệ thống xử lý nước thải, cơ bản đáp ứng được việc xử lý nước thải phát sinh của các hộ chăn nuôi. Trung đoàn 916 đã thành lập tổ công tác, kiểm tra xử lý, thanh lý các hợp đồng liên kết chăn nuôi trong đơn vị. Đã thanh lý về mặt hồ sơ với toàn bộ hợp đồng, tháo dỡ 14 chuồng, 21 chuồng dừng chăn nuôi, còn lại 48 chuồng vẫn chăn nuôi...

Tuy nhiên, theo phản ánh của cử tri xã Thạch Hòa và Bình Yên tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân huyện nhiệm kỳ 2016-2020, các hộ chăn nuôi trong đơn vị trong thời gian qua vẫn tiếp tục nhập giống lợn, không thực hiện tốt biện pháp về bảo vệ môi trường gây ảnh hưởng đến nhân dân xung quanh, không xử lý dứt điểm, triệt để theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.

Qua thực tế nắm bắt, trên địa bàn xã Yên Bình và Thạch Hòa, các đơn vị quận đội cho thuê mặt bằng để chăn nuôi, xây dựng xưởng sản xuất, lắp đặt trạm bê tông không có giấy phép xây dựng, không có biện pháp bảo vệ môi trường được phê duyệt làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ủy ban nhân dân huyện đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo cơ quan chuyên môn của Bộ thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất; bảo vệ môi trường của các đơn vị. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm, đúng pháp luật các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, sử dụng đất…

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Nguyễn Mạnh Hồng – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất, cho biết: Từ thời điểm Ủy ban nhân dân huyện có văn bản số 212/UBND-TNMT ngày 27/2/2019 gửi Bộ Quốc phòng đến nay, Ủy ban nhân dân huyện chưa nhận được hồi âm từ phía Bộ Quốc phòng. Được biết ngày 20/5, đoàn giám sát đô thị của Hội đồng nhân dân thành phố về kiểm tra thực tế, chúng tôi sẽ có ý kiến kiến nghị với đoàn giám sát về tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Thạch Thất.

H.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-vi-sao-cac-co-quan-lien-quan-van-im-lang-108510.html