Kỳ cuối: Tiếp tục kiện toàn thể chế trong lĩnh vực LLTP

Được sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền TP, công tác LLTP của Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên các mặt; từ xây dựng thể chế đến phối hợp liên ngành trong việc trao đổi, cung cấp thông tin LLTP để xây dựng CSDL LLTP và cấp Phiếu LLTP theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Qua 10 năm thực thi Luật LLTP, tổ chức bộ máy, bố trí biên chế làm công tác LLTP tại Sở Tư pháp Hà Nội và các cơ quan có liên quan đã từng bước được kiện toàn và đi vào nền nếp. Công tác phối hợp liên ngành trong việc xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP được chú trọng đôn đốc thực hiện. Từ đó, việc cấp Phiếu LLTP đã đáp ứng được yêu cầu của công dân cũng như yêu cầu của nhiệm vụ cải cách TTHC và góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của TP trong những năm qua.

Với đặc điểm dân số đông, nhu cầu cấp Phiếu LLTP của người dân rất lớn; mỗi ngày làm việc, Sở Tư pháp tiếp nhận trung bình 350- 400 hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP. Để đảm bảo trả kết quả cho công dân đúng hẹn, áp lực đặt ra đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác LLTP Sở Tư pháp là rất lớn. Để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác LLTP cần tăng cường mở các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng cho cán bộ, công chức Sở Tư pháp và cán bộ công chức các cơ quan, đơn vị có liên quan; thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, trao đổi, giải đáp, lấy ý kiến để hoàn thiện có chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về LLTP.

Cán bộ Sở Tư pháp hướng dẫn công dân khai tờ khai Phiếu LLTP. Ảnh: L.A

Cán bộ Sở Tư pháp hướng dẫn công dân khai tờ khai Phiếu LLTP. Ảnh: L.A

Việc ứng dụng CNTT trong cấp Phiếu LLTP góp phần thúc đẩy hiệu quả giải quyết TTHC cho công dân, giảm tải được thời gian, chi phí trong việc thực hiện TTHC của công dân, cơ quan Nhà nước; đảm bảo mức độ giải quyết nhanh chóng, kịp thời, phù hợp với mong muốn của công dân, tạo được lòng tin của dân đối với Đảng, Nhà nước. Tuy thế, hoạt động ứng dụng CNTT trong xây dựng CSDL LLTP vẫn tồn tại một số hạn chế, còn thiếu tính tổng thể, toàn diện; nhất là giữa các ngành liên quan và việc này cần phải khắc phục trong thời gian sớm nhất để có thể thiết lập hệ thống CSDL LLTP nhằm kết nối, chia sẻ thông tin.

Liên quan đến 3% hồ sơ chậm, muộn trong lĩnh vực cấp Phiếu LLTP- đa số là hồ sơ LLTP đối với công dân từng có án tích. Thời hạn cấp Phiếu LLTP đối với trường hợp đương nhiên xóa án tích tại Điều 48 Luật LLTP quy định “Không quá 15 ngày” là không phù hợp so với thực tế vì gây khó khăn trong việc giải quyết yêu cầu đương nhiên xóa án tích đối với công dân. Trên cơ sở đó, đề nghị Chính phủ sớm triển khai sửa đổi, bổ sung Luật LLTP và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP; trong đó nhấn mạnh “chỉ quy định việc yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 để phục vụ cho công tác điều tra của các cơ quan tiến hành tố tụng, tạo điều kiện thuận lợi cho những người đã từng bị kết án được tái hòa nhập cộng đồng, phát huy được tính chất nhân đạo của Nhà nước ta trong việc thực hiện đương nhiên xóa án tích...”.

Thêm nữa, quy định chế độ thu, mức thu phí đề nghị cung cấp thông tin LLTP hiện chưa phù hợp. Cụ thể, đối với những công dân không có án tích mức thu cần quy định thấp hơn những công dân có án tích vì với hồ sơ có án tích, công tác xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích mất thời gian, công sức hơn nhiều.

Nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp cung cấp thông tin LLTP để xây dựng CSDL LLTP, đặc biệt về ứng dụng CNTT, điều cần thiết là cần quy định rõ chế tài áp dụng trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định pháp luật về cung cấp thông tin LLTP. Để thực hiện được điều này, Trung tâm LLTP quốc gia cần nghiên cứu xây dựng Đề án tổng thể với sự tham gia của các Bộ, ngành có nhiệm vụ cung cấp thông tin LLTP như TAND, VKSND, CA, các cơ quan có liên quan từ Trung ương và có chỉ đạo các địa phương thực hiện để thiết lập hệ thống CSDL LLTP liên ngành từ Trung ương đến địa phương; tạo điều kiện trong việc trao đổi, cung cấp thông tin LLTP điện tử giữa Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan được thực hiện.

Với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP trong công tác thực thi Luật LLTP trên địa bàn TP Hà Nội, Luật LLTP đã thực sự đi vào cuộc sống và khẳng định được tầm quan trọng, vai trò, ý nghĩa trong quản lý Nhà nước, trong hoạt động tố tụng hình sự và trong đời sống xã hội.

Nam Du

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-cuoi-tiep-tuc-kien-toan-the-che-trong-linh-vuc-lltp-211942.html