Kỳ cuối: Thắp lên hy vọng

Nói đến trẻ thiểu năng, khiếm thính là nói đến những phận đời kém may mắn trong xã hội. Khi mắc những căn bệnh này, họ dường như an phận với 'mệnh trời' đã định với nỗi buồn nhiều hơn niềm vui. Thế nhưng, với Chương trình Giáo dục đặc biệt dành cho trẻ thiểu năng, khiếm thính, vợ chồng tiến sĩ Choi Young Suk, Kwon Jang Soo đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ 'cãi mệnh Trời' của mình.

Câu chuyện của bà Choi và ông Kwon dành cho trẻ khiếm thính, cứ thế làm cho chúng ta miên man những xúc cảm với những chi tiết lạ lùng, gây thương nhớ bâng khuâng.

Tiến sĩ Choi tư vấn chương trình giáo dục đặc biệt cho phụ huynh học sinh

Tiến sĩ Choi tư vấn chương trình giáo dục đặc biệt cho phụ huynh học sinh

“ …Gia đình tôi như sụp đổ”

Sáng nay Đà Lạt lạnh, cái lạnh ung dung ngự trị trong đất trời Tây Nguyên từ sớm. Cái lạnh vô tư đã khiến cho những người đã một lần phẫu thuật dây chằng ở chân như bà Nguyễn Thị Phượng đến từ thôn Hương Thuận, xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng thêm đau nhức. Vậy nhưng, thời tiết ấy không thể cản được nghị lực của người đàn bà gần 50 mùa trăng nơi thôn nghèo có hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Qua lời kể, bà Phượng có một cuộc đời chẳng vẹn nguyên, những năm qua, nỗi đau cứ thấm vào cuộc đời bà. “Gia đình tôi có 7 người mà 4 người bị khiếm thính rồi chú ạ. Mẹ, chồng, em trai, con gái bị khiếm thính, đã thế, đứa cháu trai duy nhất nó cũng bị câm điếc sâu rồi”. Bà Phượng nói mà đôi mắt đượm buồn, một nỗi buồn không gọi thành tên.

Đứa cháu ngoại mà bà Phượng vừa nhắc đến có cái tên Phạm Chí Tài, năm nay đã tròn 5 tuổi. Ngược thời gian, bà nhớ : “ lúc 2 tuổi, thấy cháu không nói năng gì, gia đình đưa cháu xuống Thành phố Hồ Chí Minh khám, họ bảo bị câm điếc, khó can thiệp được. Sững sờ vào tờ kết quả khám bệnh, tôi tiếp tục đưa cháu đi khám ở bác sĩ tư. Kết quả vẫn không thay đổi. Gia đình tôi như sụp đổ”. Chuyện đứa cháu ngoại Phạm Chí Tài bị câm điếc sâu đã trở thành một tin dữ cho gia đình bà Phượng. Bởi từ ngày cháu Tài bị bệnh, bao nhiêu tài sản của bà cứ thế “đội nón ra đi”, để tìm kiếm thầy hay, thuốc giỏi mà chữa trị cho nó. Ngày Tài bị bệnh, mẹ nó (người bị câm điếc từ nhỏ) cũng phải đi nhặt hạt điều để kiếm tiền sinh sống. Cũng vì căn bệnh của cháu Tài mà gia cảnh của bà Phượng thêm bội phần khó khăn. Với 2 sào đất trồng điều, khi cây chưa kịp trả nghĩa cho người chăm sóc thì đã teo tóp đi vì đói nước, hụt phân. Kể từ ngày cháu mình bị bệnh, bà đã nỗ lực, cố gắng làm việc nhưng cái nghèo vẫn chưa chịu buông tha, nó luôn xớ rớ, bao quanh gia đình người phụ nữ này.

Hy vọng mới

Tưởng chừng như vô vọng, nhưng có một ngày cách đây chưa lâu, khi bà Phượng xem trên ti vi, bà biết thông tin có người phụ nữ từ Hàn Quốc với Chương trình Giáo dục đặc biệt có thể can thiệp cho người câm điếc như thằng Tài có thể nghe nói được. Một tin vui, dù chưa biết thực hư thế nào nhưng đã ánh lên hy vọng cho người phụ nữ trải qua muôn vàn đắng cay như bà Phượng. Từ thông tin này, bà đưa cháu ngoại của mình lên nhà tiến sĩ Choi nhờ can thiệp với mong muốn Tài có thể nghe nói được. Bỏ lại những công việc hằng ngày, quên đi nỗi đau dây chằng ở chân, bà lên Đà Lạt tìm tiến sĩ Choi.

“Lúc đầu thì còn hoài nghi lắm, không biết có chữa được hay không, nhưng vì thương cháu nên cứ việc tìm tới cô Choi”. Bà Phượng trải lòng.

Sau một thời gian học Chương trình Giáo dục đặc biệt của tiến sĩ Choi, cháu Tài có tiến bộ không? Tôi hỏi.

Cháu học được hơn 2 tháng, đã tiến bộ hẳn. Đã biết đọc những từ quen thuộc như các loại trái cây, biết gọi mẹ, vòng tay chào người lớn...

Dạy cho trẻ khiếm thính chắc hẳn sẽ có nhiều phương pháp đặc biệt, bà đã đồng hành với Tài trong việc này như thế nào?

Một tuần hai buổi, 1 buổi 1 tiếng đồng hồ học ở nhà cô Choi, khi về nhà tôi luôn đồng hành để học với cháu.Cô Choi cho mượn sách vở về nhà để học lại, khi ăn cơm thì chỉ cho cháu gọi tên món ăn, ở nhà thì hỏi tên các đồ vật trong nhà… ở lớp cô Choi nhiệt tình lắm”.

Tiến sĩ Choi (áo xanh) dạy trẻ khiếm thính

Vậy là 2 buổi/ một tuần, đều đặn như thế, bà Phượng dẫn cháu ngoại của mình vượt 200km từ Đạ Tẻh lên Đà Lạt nhờ tiến sĩ Choi dạy học. Vì thương hoàn cảnh khó khăn, tiến sĩ Choi đã cho 2 bà cháu ở lại nhà của mình để tiện cho việc học hành của Tài. Vậy là sự hoài nghi của bà đã bị phá vỡ bởi cháu Tài ngày càng nói nhiều hơn, nghe nhiều hơn. Ngày cháu Tài nói được, không chỉ gia đình bà Phượng mà bà con chòm xóm ở thôn nghèo Hương Thuận, xã Đạ Lây cũng vui lây. Vậy là ước mơ cháu Tài nói được, để có thể hòa nhập với cộng đồng đã thành hiện thực. Vậy là bà Phượng có thêm hy vọng mới.

Nếu như cuộc đời bà Phượng đã lấm lem màu cơ cực thì hoàn cảnh gia đình anh Hồ Tuấn Tràng ở Đà Lạt vẫn không khá hơn là mấy. Cháu Hồ Vũ Tuấn Anh- con trai anh Tràng sinh ra đã thiếu tháng, đi lại rất khó khăn, 4 tuổi nhưng chậm nói. Thương con, anh Tràng tìm đến tiến sĩ Choi nhờ can thiệp với chương trình giảng dạy dành cho trẻ khuyết tật. Giống như một người mẹ, tiến sĩ Choi đã đồng hành với cháu Vũ Tuấn Anh hơn 3 tháng nay. Vừa học, vừa chơi, vừa pha trò với sự đồng hành của ba mẹ, Tuấn Anh đã nói được những từ đơn giản, nhận biết được các loài vật. Điều này không chỉ tiến sĩ Choi vui mà anh Tràng như được tiếp thêm động lực, thắp lên hy vọng để đồng hành cùng con mình. “Cháu đến đây học với cô Choi thấy tiến bộ hơn. Nhận biết được nhiều thứ so với ở nhà. Bước đầu như vậy là vui lắm rồi”. Ánh mắt của anh Tràng rạng rỡ khi nói về con mình. Không riêng gì gia đình bà Phượng, anh Tràng, hiện nay, ở nhà ông Kwon Jang Soo và tiến sĩ Choi Young Suk đã có 4 cháu bị thiểu năng, khiếm thính đến theo học Chương trình Giáo dục đặc biệt của bà. Với quyết tâm “cãi mệnh Trời”, vợ chồng tiến sĩ Choi đang đồng hành cùng trẻ khiếm thính, thiểu năng, dù công việc này bội phần khó khăn. Tuy nhiên, như một mối lương duyên vận vào đời mình, tiến sĩ Choi Young Suk và ông Kwon Jang Soo không nề hà khốn khó mà xem đó là niềm vui, là tình cảm mà ông bà đã dành tặng cho những đứa trẻ kém may mắn trên thành phố ngàn hoa Đà Lạt vốn nổi tiếng là hiền hòa, thanh lịch và mến khách.

Vậy là những đứa trẻ khiếm thính, khuyết tật có thêm niềm vui mới. Vậy là những người như bà Phượng, anh Tràng lại được tiếp thêm động lực từ người phụ nữ xa lạ đến từ đất nước Hàn Quốc xa xôi. Triển khai phương pháp giáo dục đặc biệt ở Việt Nam để đồng hành với trẻ khiếm thính, thiểu năng đó là khoảng thời gian mà trái tim của tiến sĩ Choi “lộng hành” điệp khúc yêu thương với những phận đời kém may mắn. Những việc làm của vợ chồng tiến sĩ Choi không bị bạc màu vì thời gian mà vẫn vẹn nguyên tính nhân văn cao cả, bởi trong cuộc đời này, như ai đã từng nói: Sống là cho đâu chỉ nhận bao giờ.

Câu chuyện về vợ chồng tiến sĩ Choi và ông Kwon không chỉ là chuyện về giáo dục đặc biệt, trẻ khiếm thính và thiểu năng mà là câu chuyện nhiều chương, nhiều tập với những phân hồi hấp dẫn. Từ khi đến Việt Nam, vợ chồng tiến sĩ Choi đã vận động bạn bè, nhà hảo tâm ở Hàn Quốc tặng 700 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học, xây nhà tình thương, tặng xe lăn cho người khuyết tật, mổ tim cho người nghèo. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, mỗi năm tặng 50 suất học bổng cho học sinh, trị giá mỗi suất học bổng là 500.000 đồng.

Bài, ảnh Thành Nam

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/ky-cuoi-thap-len-hy-vong-n24456.html