Kỳ cuối: Tạo tiền đề quan trọng để xây dựng chính quyền đô thị

Sau thời gian sắp xếp lại, đến nay, từ Thành phố đến cấp cơ sở hầu như không nhận được đơn thư khiếu nại. Thu nhập ở các cơ quan đã dần khởi sắc, đời sống CBCCVC, người lao động được nâng lên…

Tiền đề cho thực hiện Đề án chính quyền đô thị

Với sự chỉ đạo quyết liệt, bài bản của Thành ủy, UBND TP, đến nay, thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Thực tiễn cho thấy, một trong những nguyên nhân tiên quyết để thành phố Hà Nội kiện toàn được bộ máy như hiện nay là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Việc sắp xếp được tiến hành cả với các cơ quan Đảng, còn bên khối cơ quan hành chính, Văn phòng UBND TP được chọn “làm gương” trước tiên, đã khiến các cơ quan, đơn vị, cũng như mỗi cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) hiểu rõ đây là chủ trương chung, là việc bắt buộc phải làm.

Tiếp theo đó, thành phố đã xây dựng được hệ thống văn bản chỉ đạo thực hiện bài bản, rõ ràng, thống nhất trong nhận thức, hành động. Đặc biệt, thành phố đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động đội ngũ CBCCVC, tạo sự đồng thuận lớn.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ Nguyễn Đình Hoa cho hay, sau thời gian sắp xếp lại, đến nay, từ Thành phố đến cấp cơ sở hầu như không nhận được đơn thư khiếu nại. Thu nhập ở các cơ quan đã dần khởi sắc, đời sống CBCCVC, người lao động được nâng lên, có thể thấy rõ ở các đơn vị như: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao một số quận huyện…

Sau khi có Kết luận số 46-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã ký ban hành Kế hoạch số 139-KH/TU, tiếp tục hoàn thiện Đề án theo ý kiến của Bộ Chính trị, tạo sự chủ động trong thực hiện, góp phần quan trọng nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TƯ.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ Nguyễn Đình Hoa thông tin về sắp xếp các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tại giao ban báo chí của Thành ủy

Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ Nguyễn Đình Hoa thông tin về sắp xếp các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tại giao ban báo chí của Thành ủy

Để triển khai Đề án, thành phố xác định phải tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC, nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính quyền các cấp. Do vậy, kết quả sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Thành phố trong thời gian qua là tiền đề quan trọng để Hà Nội triển khai có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị theo Đề án.

Cần cơ chế đặc thù!

Theo ông Nguyễn Đình Hoa, để thực hiện Đề án, thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ và các Bộ quản lý chuyên ngành quan tâm, cho phép Hà Nội được thực hiện phân cấp tại 35 vấn đề thuộc 11 nhóm lĩnh vực như đã đề xuất tại Đề án và đã được Bộ Chính trị thông qua chủ trương tại Kết luận số 46-KL/TW.

Cụ thể, thành phố đề xuất Trung ương phân cấp, phân quyền cho UBND Thành phố về việc điều chỉnh vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, tạo sự chủ động cho địa phương. Xây dựng khung pháp lý để kiểm soát khi phân quyền cho các đơn vị sự nghiệp tự chủ 100% tự phê duyệt đề án vị trí việc làm, số lượng người làm việc.

Thành phố cũng kiến nghị các Bộ, ngành sớm xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về khung năng lực vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập cũng như có chính sách cụ thể, hợp lý để giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư, luân chuyển, điều động khi thực hiện đề án vị trí việc làm.

Theo Sở Nội vụ, việc quản lý, giao biên chế hành chính như hiện nay là chưa phù hợp với thực tiễn của một đô thị đang phát triển rất nhanh như Hà Nội với dân số gần 8 triệu người, khối lượng giao dịch hành chính trung bình lên tới 4.070.096 hồ sơ hành chính/năm, và tính chất phức tạp, nhạy cảm ngày càng cao.

Mặc dù công tác cải cách hành chính được thành phố quan tâm chú trọng, ứng dụng công nghệ thông tin mức độ 3 và 4, xong việc liên tục giảm biên chế hành chính là một điều hết sức khó khăn trong cân đối, bố trí biên chế đúng vị trí việc làm đã được xây dựng, và khiến công chức chịu sức ép lớn về khối lượng công việc được giao.

Tiếp tục sắp xếp bộ máy

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội xác định sẽ tăng cường tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 39-NQ/TW và các nghị quyết Hội nghị T.Ư 6, 7 khóa XII; chú trọng sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết T.Ư 6. Trong đó, hoàn thành sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Viện Quy hoạch xây dựng; thí điểm mô hình văn phòng tư vấn, cung ứng dịch vụ hành chính công tại quận Long Biên.

Đồng thời, thành phố cũng sẽ sắp xếp các cơ quan chuyên môn theo tinh thần sửa đổi Nghị định số 24, Nghị định số 37 của Chính phủ về tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện.

Đặc biệt, Thành phố sẽ tập trung chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo chỉ tiêu đến năm 2021 được nêu tại Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị T.Ư 6. Cùng với đó, xây dựng cơ chế, định mức khoán chi thường xuyên phù hợp điều kiện của thành phố theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW Hội nghị T.Ư 7 khóa XII…

Tại nhiều cuộc hội thảo góp ý vào Đề án chính quyền đô thị, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đổi mới mô hình tổ chức của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ sẽ nâng cao được tính tự chủ, năng động, sáng tạo của chính quyền thành phố, cũng như các địa phương cơ sở.

Mặc dù, công tác sắp xếp tinh gọn bộ máy của Hà Nội thời gian qua đã được thực hiện dứt điểm, triệt để, và hiệu quả, nhưng với vai trò đặc biệt quan trọng, Thủ đô Hà Nội rất cần được trao các cơ chế đặc thù, hàng lang pháp lý phù hợp hơn nữa để xây dựng được chính quyền đô thị kiến tạo, năng động, hiệu quả, đưa Thủ đô phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước.

Thành phố Hà Nội là đơn vị hành chính hạng đặc biệt theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, với quy mô 30 quận, huyện, thị xã; 584 xã phường thị trấn, 7.979 thôn, tổ dân phố, 53 cơ quan hành chính, 2.634 đơn vị sự nghiệp. Tổng biên chế hành chính sự nghiệp là 159.483 biên chế (hành chính: 10.661, sự nghiệp 148.822), quy mô lớn nhất trong 63 tỉnh, thành phố.

Hải Lý

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-cuoi-tao-tien-de-quan-trong-de-xay-dung-chinh-quyen-do-thi-159642-159642.html