Kỳ cuối: Nhà báo tự kiểm soát mình trước khi pháp luật kiểm soát

'Báo chí là đại chúng, làm báo là không phải làm cho mình, nên người làm báo không được nghĩ nghề báo là nghề để làm giàu. Nhà báo phải biết vượt qua những cám dỗ tầm thường, để thật sự là người cầm bút có cái tâm trong sáng, sử dụng ngòi bút để phục vụ đại chúng…', đó là những tâm tư được Nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chia sẻ với phóng viên báo Gia đình & Xã hội.

Vượt qua sức hút của đồng tiền

Mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi, Nhà báo Nhị Lê dẫn chứng nhờ có sự tham gia tích cực của đông đảo những người làm báo, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã bị phanh phui, thu lại cho Nhà nước và nhân dân hàng ngàn tỷ đồng như: Vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; vụ án Phạm Công Danh gắn với Ngân hàng xây dựng Việt Nam… Việc đưa tin kịp thời, công khai về các vụ án, vụ việc tham nhũng lên các phương tiện thông tin đại chúng đã giúp nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin và quyết tâm của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta. Bằng những bài báo có tính chiến đấu cao, báo chí không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân mà còn góp phần “kích hoạt” tinh thần phòng, chống tham nhũng trong nhân dân...

Nói về thực trạng trong quá trình tác nghiệp điều tra, không ít phóng viên, Nhà báo đã và đang gặp phải “rào cản” từ việc bị các mối quan hệ cho đến việc chấp nhận im lặng khi phát hiện tiêu cực để nhận lại được những lợi ích cho bản thân mà Báo Gia đình & Xã hội đã nêu ở hai bài viết trước, Nhà báo Nhị Lê chia sẻ: “Tôi cũng được nghe một số trường hợp như vậy, đó là điều rất buồn đối với nghề báo. Đó là “con sâu làm rầu nồi canh”, những người bị mua chuộc, bẻ cong ngòi bút, cái tâm không trong sáng. Báo chí là đại chúng, làm báo là không phải làm cho mình, nên người làm báo không được nghĩ nghề báo là nghề kiếm tiền để làm giàu. Nhà báo phải biết vượt qua những cám dỗ tầm thường, để thật sự là người cầm bút có cái tâm trong sáng, sử dụng ngòi bút để phục vụ đại chúng. Nhất là đối với Nhà báo điều tra chống tham nhũng lại càng không được thỏa hiệp với tham nhũng lãng phí, càng phải có bản lĩnh để vượt qua sức hút của đồng tiền”.

Nhà báo Nhị Lê với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một cảnh phim tài liệu.

Nhà báo Nhị Lê với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một cảnh phim tài liệu.

“Tôi thường nói vui với đồng nghiệp rằng, báo chí muốn lên tiếng chống tham nhũng thì trước hết phải có cơ chế chống tiêu cực ngay trong các cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí; công khai và xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp tiếp nhận phản ánh, tố giác về hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nhưng không tích cực vào cuộc”, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản bày tỏ.

Cần “tiếp lửa” cho báo chí đấu tranh chống tiêu cực

Cùng bàn về vấn đề này, ông Vũ Mão nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ: Bên cạnh những đóng góp tích cực của báo chí trong công cuộc phòng chống tham nhũng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, báo chí còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém. Đó là việc đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở các báo còn chưa hài hòa, cân đối giữa “xây” và “chống”; Một bộ phận báo chí chưa coi trọng công tác đấu tranh tư tưởng, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực mang tính vụn vặt thường ngày trong đời sống; Nói về cái tốt thì nội dung còn ít, tính điển hình không cao, sức lan tỏa không lớn, trong khi đưa thông tin “xấu” còn bỏ ngỏ, số vụ việc phát hiện còn ít, tính đấu tranh chưa sắc sảo, thông tin chưa vững chắc, độ dũng cảm kiên định còn bị lung lay.

Nhiều trở ngại, thách thức đặc biệt, trong công cuộc đấu tranh với các biểu hiện chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, báo chí cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, trở ngại, thậm chí là thách thức. Biểu hiện rõ nét là nhiều người dân và cán bộ công chức làm trong các cơ quan Nhà nước ngại va chạm, sợ trù dập, không dám tố cáo các hành vi tiêu cực… Từ đó người dân cũng ít tìm đến các cơ quan báo chí để phản ánh, tố cáo về tình trạng suy thoái đạo đức, tư tưởng, lối sống cũng như các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng.

Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phải cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Mặc dù báo đã có cơ chế chính sách ưu đãi và rất trân trọng khi mời gọi các tác giả viết bài cho thể loại khó này nhưng không có nhiều người tham gia. Trong số các bài viết cộng tác với báo còn nhiều bài chưa đề cập trực diện vấn đề, tính thuyết phục chưa cao. Và có một thực tế là giờ đây không ít cơ quan, đơn vị, người dân mất niềm tin đối với báo chí. Vì thế, thay cho lựa chọn báo chí, người dân lại tìm đến mạng xã hội, các trang lề trái để phản ánh các vụ việc tiêu cực. Báo chí trong nhiều trường hợp phải chạy theo tin đồn, chạy theo các thông tin tố cáo trên mạng xã hội.

Gian nan chống “giặc nội xâm”

Từ thực tế trên, ông Hoàng Nguyên Hồng (Cựu chuyên viên Cao cấp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cho rằng cuộc chiến chống “giặc nội xâm” rất phức tạp, dai dẳng và vô cùng khó khăn mà cả hệ thống phải chung tay. Để cuộc chiến chống tham nhũng có thể đi đến hồi kết, nếu chỉ một cá nhân hoặc báo chí đơn độc đều không thể có kết quả. Do vậy, người dân cần “tiếp lửa” mạnh mẽ hơn nữa cho báo chí “đủ sức nóng” để cùng với cơ quan chức năng “thiêu đốt” những “con sâu mọt” đục khoét của dân, của nước.

Ông Hoàng Nguyên Hồng, Cựu chuyên viên Cao cấp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ông Hồng cũng chỉ ra thực tế hiện nay nhiều tờ báo đang dần dần đi theo xu hướng thị trường, xa rời tôn chỉ, mục đích ban đầu, một bộ phận người làm báo tha hóa về đạo đức và có một số biểu hiện vi phạm pháp luật. “Chính vì thế cần nâng cao vai trò của tổ chức Đảng ở mỗi tòa soạn báo trong việc giáo dục quần chúng để người làm báo phải xứng đáng là lực lượng tiên phong trong đấu tranh chống tham nhũng. Đặc biệt, Nhà báo là đảng viên càng phải gương mẫu, không chỉ về chuyên môn mà còn nâng cao ý thức rèn luyện về đạo đức lối sống, đạo đức nghề nghiệp. Đứng trước muôn vàn cám dỗ, mỗi Nhà báo cần chủ động kiểm soát chính mình trước khi để người khác kiểm soát, thậm chí là bị pháp luật kiểm soát” - Cựu chuyên viên Cao cấp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh.

Không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 25/6/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong muốn báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng “cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng”. Qua đó làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp.

Cao Tuân – Nguyễn Khuê

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ky-cuoi-nha-bao-tu-kiem-soat-minh-truoc-khi-phap-luat-kiem-soat-20190615153159699.htm