Kỳ cuối: Ngay từ nhỏ, cần giáo dục ý thức pháp luật

Dưới góc nhìn luật pháp, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đã có những lời khuyên bổ ích để hạn chế thấp nhất những vụ bạo lực gia đình.

Theo ông, những vụ án đau lòng xảy ra thời gian vừa qua, nguyên nhân có phải do một bộ phận người dân thiếu hiểu biết pháp luật?

Trong những vụ việc mâu thuẫn gia đình, xảy ra các vụ việc nghiêm trọng trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình như con cái, anh chị em, vợ chồng có sự tranh chấp, chém giết lẫn nhau vì một vấn đề gì đó thì theo tôi, không phải lý do vì họ không hiểu biết pháp luật.

Có những vấn đề rất đơn giản, tôi nghĩ kể cả là người chậm hiểu đến mấy thì cũng phải biết rằng, đã gây nguy hiểm cho người khác, thậm chí là nguy hiểm đến cả tính mạng thì đó là việc làm sai trái.

Người ta không biết là đánh người, giết người có bị ở tù hay không hay bị phạt như thế nào, hình thức cụ thể ra sao, điều luật nào thì có thể không biết vi phạm pháp luật, chứ nếu không biết việc làm của mình là sai trái thì đó là lý do tôi nghĩ không chấp nhận được. Đó chỉ là biện minh cho hành động sai trái của họ và tôi thấy như thế là không thể chấp nhận được.

Nếu như những vụ việc ở vùng sâu vùng xa, do tuyên truyền pháp luật chưa phổ biến được hết, người ta ít có am hiểu pháp luật tường tận đã đành, đằng này ở TP, dân trí cao, nhiều đôi vợ chồng đánh, chém, giết nhau lại là người có học thức, thì càng không thể biện minh được.

Qua đây cũng cần xem xét việc tuyên truyền pháp luật đối với người dân thời gian qua, có những cái còn làm một cách hình thức, chưa đến nơi đến chốn, tuyên truyền qua báo, thông tin đại chúng, trên mạng hay thông qua Mặt trận, đoàn thể… Nhưng có khi người dân lại không đến các buổi tập huấn vì bận việc nên họ cũng không xem được. Hoặc có những gia đình hoàn cảnh khó khăn, lam lũ đầu tắt mặt tối lo làm ăn cho vợ chồng, con cái, cha mẹ, gia đình, họ không có thời gian đến các buổi sinh hoạt cộng đồng như vậy… Chính vì thế, có những vấn đề tưởng cơ bản, đơn giản nhưng họ lại không biết.

Nhận thức, hiểu biết của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế dẫn đến có hành vi gây hậu quả bi thảm, thương tâm. Nhưng tôi nghĩ đây chỉ là những yếu tố khác quan ảnh hưởng đến các vụ việc chồng bắn vợ, vợ giết chồng, cha con, mẹ con, anh chị em xô xát, mâu thuẫn gây hại lẫn nhau.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa: “Để không còn những vụ án đau lòng xảy ra, cần nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến với người dân”. Ảnh: Văn Biên

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa: “Để không còn những vụ án đau lòng xảy ra, cần nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến với người dân”. Ảnh: Văn Biên

Vậy theo ông, những yếu tố chủ quan nào cần nhận biết rõ để hạn chế và có biện pháp khắc phục trong thời gian tới, tránh những vụ việc đau lòng?

Tôi nghĩ rằng, vấn đề nằm ở bản tính của mỗi con người. Thêm nữa, nguyên nhân cũng có thể do điều kiện kinh tế gia đình, điều kiện, hoàn cảnh cuộc sống… Thậm chí, trong mối quan hệ vợ chồng thì không thể loại trừ có yếu tố ghen tuông nhau và nảy sinh mâu thuẫn.

Những mâu thuẫn này không được giải quyết một cách triệt để, tích tụ lại, cho đến một thời điểm nào đó người ta không còn đủ bình tĩnh để điều chỉnh hành vi của mình, lý trí không còn thì họ sẽ hành động một cách manh động trong thời điểm đó. Sự không kiềm chế được bản thân, không kiểm soát được hành động khi mất hết lý trí, nhân tính thì có thể dẫn đến án mạng như các vụ việc đau lòng thời gian qua.

Tôi vẫn muốn nhắc lại quan điểm cá nhân của mình, khi đã xô xát, hành hung nhau thì không thể nói là do không hiểu biết pháp luật được vì đó là những cái phổ biến, cái có thể nhìn thấy được. Không cần học hành cao siêu, hiểu biết quá rộng rãi cũng có thể biết được rằng, hành hung người khác là không nên, là vi phạm pháp luật.

Vậy theo ông, giải pháp cho vấn đề này là gì?

Như tôi đã nói, cần nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến với người dân, làm sao để mọi người dân đều có thể có những hiểu biết cơ bản về pháp luật Việt Nam, không để xảy ra những hành động sai phạm đến mức phải dùng pháp luật để xử lý.

Vấn đề tuyên truyền cần được đổi mới thường xuyên, liên tục về phương pháp để đi vào thực chất hơn, góp phần nâng cao nhận thức của người dân một cách thiết thực chứ không phải làm qua loa cho có, cho xong.

Việc quan trọng là giáo dục cho mỗi người ý thức chấp hành pháp luật. Ngay từ trong gia đình, ngay từ khi còn nhỏ, con người đã cần phải được giáo dục một cách bài bản, đầy đủ để hình thành nhân cách tốt trong tương lai.

Thêm nữa, cũng cần nâng cao vai trò, hoạt động hiệu quả của mặt trận, đoàn thể trong vấn đề giáo dục sự đoàn kết, đùm bọc, yêu thương trong mỗi gia đình. Cần sớm giúp mỗi thành viên trong gia đình cởi bỏ những nút thắt từ chính trong cuộc sống sinh hoạt của họ. Cần làm sao để họ cởi mở hơn, chia sẻ nhiều hơn, giải quyết mâu thuẫn ngay từ khi nó bắt đầu hình thành, không để dồn nén, tích tụ thành mâu thuẫn lớn đến mức không chịu được và chuyển thành hành động vi phạm pháp luật.

Tôi muốn nói rộng ra chính là vấn đề vi phạm, xuống cấp đạo đức xã hội hiện đang ở mức báo động hiện nay. Những ngày qua, trên diễn đàn Quốc hội (kỳ họp thứ 6) đang diễn ra tại Hà Nội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đặc biệt quan tâm đặt ra vấn đề này. Những vụ việc như chồng bắn vợ, vợ giết chồng, mẹ vứt bỏ con mới sinh hay mẹ ôm con cùng tự tử… đều gây ám ảnh dư luận xã hội. Nhưng giải quyết vấn đề này không phải đơn giản và chúng ta vẫn phải từng bức làm một cách căn cơ, bền bỉ nhưng không thiếu sự quyết liệt. Thậm chí, vấn đề xuống cấp đạo đức này – nguyên nhân hình thành các mâu thuẫn, xô xát dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, nếu muốn giải quyết thì không phải là việc của một ngành nào, một địa phương nào mà là của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị phải vào cuộc thì mới có thể hạn chế thấp nhất các vụ việc đau lòng xảy ra trong thời gian tới.

Có ý kiến cho rằng, dường như gần đây có xu hướng kết hôn vội vàng dẫn đến cuộc sống gia đình không hạnh phúc, dễ nảy sinh mâu thuẫn khi hai người xa lạ về chung một nhà. Ông nghĩ sao về điều này?

Đây là một thực tế mà tôi nghĩ chúng ta – đặc biệt là các bạn trẻ cần hết sức chú trọng, nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo. Cụ thể, trước khi kết hôn, hãy tìm hiểu thật kỹ người sẽ gắn bó, sẽ thành bạn đời của mình. Một cuộc hôn nhân chóng vánh, kết hôn chỉ vì cần có một gia đình, làm đẹp lòng cha mẹ, thậm chí là gượng ép vì nghĩ rằng cứ kết hôn là sẽ nảy sinh tình yêu… thì đó là quan điểm hết sức sai lầm mà tôi nghĩ rằng, mỗi người cần phải tự nhìn nhận lại, cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định tiến tới hôn nhân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-cuoi-ngay-tu-nho-can-giao-duc-y-thuc-phap-luat-126710.html