Kỳ cuối: Nâng tầm chất lượng nông thôn mới

Thủ đô Hà Nội đã và đang là đơn vị dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, song xây dựng nông thôn mới là quá trình vận động liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Chính vì thế, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, các địa phương vẫn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đích đến là nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững.

Hướng đến chất lượng và tính bền vững Đến nay, TP Hà Nội đã có 4 huyện và 297 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn đều quan tâm chỉ đạo thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới với mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững.

Đến với các xã của huyện Đan Phượng, người ta dễ dàng nhận ra nét nông thôn mới rất rõ, những con đường bê tông sạch đẹp, hai bên là những bức tường được trang trí đẹp mắt, cây xanh và hoa tươi được cắt tỉa gọn gàng. Cùng với đó là những ngôi nhà được gắn số rõ ràng trên con đường có tên cụ thể.

Để có được thành quả đó, ngay sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Đan Phượng đã bắt tay ngay vào xây dựng nông thôn kiểu mẫu với mong muốn từ những mô hình, những cách làm mới sẽ nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, để nông thôn thực sự trở thành những nơi đáng sống.

Mô hình trang trại rau hữu cơ tại huyện Đan Phượng

Mô hình trang trại rau hữu cơ tại huyện Đan Phượng

Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng, nếu như trong giai đoạn 2011-2015, huyện có đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp địa phương sớm cán đích nông thôn mới thì đến giai đoạn 2016-2020, huyện Đan Phượng tiếp tục triển khai nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Huyện đã bám sát theo 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đồng thời, lồng ghép thêm những nét rất riêng của địa phương. Cùng với đó huyện tập trung vào lợi thế làng nghề để mở rộng, phát triển các điểm công nghiệp làng nghề nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Hiện nay, huyện Đan Phượng đang làm điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 3 xã: Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung với khẩu hiệu: “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”… để từ đó tổng kết, rút kinh nghiệm nhân rộng ra toàn huyện. Là một trong 3 xã điểm của huyện Đan Phượng đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ông Bùi Văn Đức – Chủ tịch UBND xã Song Phượng cho biết: Sau khi hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, không dừng ở kết quả đạt được, xã tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với những mục tiêu cao hơn như xây dựng các tuyến đường có hoa, nhà có số.

Tính đến nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn xã đã “nở hoa”; hàng chục điểm được vẽ tranh bích họa, tất cả các tuyến đường trên địa bàn đã được gắn biển ghi rõ tên xóm, các hộ gia đình được gắn số nhà. Các tuyến đường đều giao cho các đoàn thể tự quản vệ sinh sạch sẽ, cống rãnh có nắp đậy nên không còn tình trạng ô nhiễm. Tại huyện Phúc Thọ, sau khi 22/22 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhằm tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các xã, UBND huyện đã yêu cầu các xã xây dựng cụm dân cư kiểu mẫu về cảnh quan môi trường, tạo điểm nhấn, điểm mới và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của xã nông thôn mới, ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm từ rác thải, nước thải, khí thải, tạo cảnh quan môi trường trong lành cho một miền quê đáng sống.

Đến nay, 100% các xã, thị trấn đã ra quân chỉnh trang cảnh quan, vệ sinh môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp trên tất cả các tuyến đường liên xã, thôn, đường ngõ xóm, khu trung tâm nơi sinh hoạt cộng đồng… Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn, huyện Phúc Thọ đã đặt ra mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 22/22 xã, xây dựng lộ trình để các xã phấn đấu xã nông thôn mới điển hình tiên tiến và xã nông thôn mới nâng cao, xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sach – đẹp, xây dựng huyện trở thành huyện nông nghiệp xanh trù phú, xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, gắn việc duy trì các tiêu chí nông thôn mới với thực hiện tốt trật tự và văn minh đô thị.

Để thực hiện mục tiêu đã đặt ra, huyện Phúc Thọ xác định 3 khâu đột phá: Quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị sản xuất; Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân (theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII), nhằm tăng thu ngân sách; Thực hiện hiệu quả cuộc vận động “3 sạch”, nâng cao tiêu chí huyện nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Bên cạnh đó, huyện Phúc Thọ xác định tập trung khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của huyện để phát triển.

Cùng nguồn lực vật chất, huyện Phúc Thọ sẽ phát huy hiệu quả các giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương, quyết tâm xây dựng thành công huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến. Mục tiêu không có điểm dừng Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, các địa phương đều tiếp tục duy trì kết quả và xây dựng nông thôn mới nâng cao. Nhằm tạo cơ sở cho các địa phương lập kế hoạch, đồng thời, là căn cứ đánh giá, công nhận xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, UBND TP Hà Nội đã ban hành bộ Tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020.

Theo đó, xã nông thôn mới nâng cao của Hà Nội vẫn được đánh giá dựa trên kết quả thực hiện 19 tiêu chí như bộ Tiêu chí quốc gia về xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chia làm 6 nhóm (tăng 1 nhóm so với bộ Tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới), gồm: Quy hoạch; Hạ tầng kinh tế - xã hội; Phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân; Giáo dục, y tế, văn hóa; Cảnh quan, môi trường; Hệ thống chính trị - quốc phòng, an ninh - hành chính công.

Các tiêu chí được đánh giá cao hơn một bước so với bộ Tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cụ thể như, đối với tiêu chí thu nhập, quy định “thu nhập bình quân đầu người phải cao gấp 1,2 lần trở lên so với quy định của TP Hà Nội tại thời điểm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”; “tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 1%”; tiêu chí trường học quy định “cả 3 cấp trường đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó có tối thiểu 1 cấp trường mầm non hoặc tiểu học đạt chuẩn mức độ 2 về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học”...

Bộ tiêu chí cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, trong đó thêm chỉ tiêu về cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp... Bộ Tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020 được coi là thước đo để các địa phương thực hiện các giải pháp thiết thực nâng cao đời sống của người dân. Trên cơ sở các tiêu chí mới nâng cao, các xã, huyện phải có kế hoạch chi tiết về nguồn lực, đầu tư, triển khai để bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra.

Cũng từ những tiêu chí mới, các địa phương tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách cho các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy mô tập trung và vận dụng linh hoạt chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nông thôn điển hình tiên tiến bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội...

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-nang-tam-chat-luong-nong-thon-moi-85437.html