Kỳ cuối: 'Mại dâm online' - cần thêm nhiều giải pháp để đẩy lùi

Tệ nạn mại dâm biến tướng thông qua các trang mạng xã hội, 'web đen' là mặt trái và khó xử lý tận gốc. Thực tế cho thấy, giải pháp căn cơ nhất vẫn là mở ra các diễn đàn định hướng cho giới trẻ về lối sống và văn hóa trong môi trường Internet, giúp họ nhận thức được những nguy hiểm, tác hại đồng thời khai thác hiệu quả lợi ích từ mạng xã hội, cung cấp các thông tin cần thiết cho việc giữ gìn sức khỏe, tình dục an toàn cho người dùng Internet….

Theo một thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện trên địa bàn Thành phố có hơn 5.700 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm về an ninh trật tự dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá 53 ổ mại dâm, 240 đối tượng liên quan.

Dẫn như vậy để thấy rằng, các ngành chức năng luôn quyết liệt với loại tội phạm này. Qua tìm hiểu, tại các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định tương đối cụ thể xử lý hành vi bán dâm, mua dâm và môi giới mại dâm.

Cụ thể, với hành vi môi giới mại dâm, theo quy định tại Điều 255 Bộ luật hình sự thì “Người nào dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm thì bị phạt tù...”. Như vậy, chỉ cần có hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm thì đã cấu thành tội môi giới mại dâm mà không cần yếu tố người môi giới có thu lợi gì từ hành vi môi giới đó hay không.

Về việc xử lý, với người thực hiện hành vi môi giới mại dâm, tùy từng trường hợp cụ thể, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thì người có hành vi “dẫn dắt hoạt động mại dâm” nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 5.000.000 đồng.

Trong trường hợp hành vi môi giới mại dâm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi môi giới mại dâm bị kết án theo Điều 255 Bộ luật Hình sự. Đặc biệt, đối với người phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Với những biến tướng của tệ nạn mại dâm trên mạng xã hội, theo quy định của pháp luật, tại Điều 5, Nghị định 72, năm 2013 quy định về quản lý mạng Internet, có quy định nghiêm cấm các hành vi tuyên truyền lối sống đồi trụy, xâm phạm đến thuần phong mỹ tục. Hành vi quảng cáo, lôi kéo mua bán dâm cũng là một trong những hành vi nghiêm cấm.

 Bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội cũng bị lợi dụng và có những mặt trái, đòi hỏi người tham gia cần tỉnh táo và chọn lọc thông tin

Bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội cũng bị lợi dụng và có những mặt trái, đòi hỏi người tham gia cần tỉnh táo và chọn lọc thông tin

Tương tự, tại Khoản 4, điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 về các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng cũng ghi rõ hành vi tuyên truyền, đăng tải các thông tin đồi trụy, xâm phạm thuần phong mỹ tục cũng là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Và người thực hiện hành vi này thì tùy trường hợp cụ thể có thể bị xử lý vi phạm hành chính.

Thiết nghĩ, để giảm thông tin xấu, độc, hướng tới xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn, văn hóa thì ngoài các quy định trong luật, quy tắc ứng xử, chế tài xử phạt cụ thể… các ngành chức năng cần có giải pháp về công nghệ, chẳng hạn như nghiên cứu sử dụng phần mềm lọc, ngăn chặn thông tin xấu, độc khi mới được đăng tải.

Đặc biệt, cần có những chiến dịch truyền thông lớn, kéo dài trong nhiều năm với sự vào cuộc của cả cộng đồng. Trên hết, mỗi người, khi tham gia mạng xã hội phải luôn chủ động sử dụng mạng xã hội như một công cụ hữu ích để kết nối cộng đồng làm điều hay, lẽ phải thay vì để những mặt trái trên mạng xã hội thu hút, điều khiển, dẫn dắt.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-mai-dam-online-can-them-nhieu-giai-phap-de-day-lui-101373.html