Kỳ cuối: 'Gieo chữ' nơi đầu sóng

TRƯỜNG SA - NƠI TÔI ĐẾN - Kỳ 3: Rèn binh trên đảo xa Kỳ 4: Thầy thuốc quân y nơi đầu sóng Kỳ 2: Điểm tựa tinh thần nơi đảo xa TRƯỜNG SA - NƠI TÔI ĐẾN - Kỳ 1: Cuộc hò hẹn giữa ngàn khơi

Ở Trường Sa, chúng tôi may mắn gặp và trò chuyện với vài thầy giáo trẻ. Họ tình nguyện đã đến đảo với một tâm nguyện đặc biệt và đáng tự hào: để những đứa trẻ lớn lên ở Trường Sa có thể biết nhiều hơn những gì chúng vẫn thấy mỗi ngày…

Lớp học “6 trong 1” của thầy giáo Bành Hữu Tình trên đảo Trường Sa lớn.

Lớp học “6 trong 1” của thầy giáo Bành Hữu Tình trên đảo Trường Sa lớn.

Lớp học 6 trong 1

Các lớp học ở Trường Sa là lớp học đặc biệt nhất cả nước. Gọi là lớp cũng được, mà gọi là trường cũng chẳng sao. Vì trường hay lớp thì cũng chỉ là 1 phòng học duy nhất (ở Trường Sa chỉ có 3 đảo có dạng trường lớp kiểu này).

Chúng tôi may mắn được đến lớp ở thị trấn Trường Sa. Lớp học có 8 học sinh. Thầy giáo thì chỉ có một - thầy Bành Hữu Tình. Thứ có thể coi là nhiều ở lớp học này, là nhiều về độ tuổi. 8 học sinh nhưng độ tuổi từ mẫu giáo… đến lớp 5.

Quản sao nổi một lớp học như vậy?

Đó thật sự cũng là điều đặc biệt. Lớp học tưởng sẽ rất lộn xộn. Nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Các em ngồi ngay ngắn, im phăng phắc mỗi khi thầy giảng bài.

Chiếc bảng to được chia làm 3 phần. Mỗi phần là những kiến thức khác nhau theo độ tuổi của học sinh. Thầy Tình vừa giảng bài, vừa cầm tay kèm cặp từng học sinh.

“Các em ở đảo, việc học tập đã khác so với những bạn trên đất liền. Thế nên, mình phải quan tâm nhiều hơn, kèm cặp kỹ hơn, để các em không thua kém bạn bè”, thầy giáo Tình nói.

Tranh thủ giờ ra chơi, thầy giáo Tình chia sẻ: “Để đảm nhiệm việc dạy học trong một lớp học có HS nhiều trình độ khác nhau, tôi phải dạy xoay vòng. Sau khi hướng dẫn tập viết lớp 1, thì chuyển sang kiểm tra bài tập toán lớp 2, xong sang giảng bài cho lớp 3. Khi dạy lớp này, các học sinh lớp khác làm bài tập và tự quản. Coi vậy chứ các em thi đua học tập dữ lắm”.

Nghe thầy Tình chia sẻ về những giờ lên lớp đặc biệt của mình, trong tôi nảy ra chút suy nghĩ: Liệu các thầy cô ở đất liền, ở thành phố nơi tôi sống sẽ nghĩ gì về cách vận hành một lớp học như ở Trường Sa? Ở đâu tôi không biết, chứ ở cái đảo bé nhỏ mà kiên cường này, chuyện dạy và học, tuyệt nhiên không có những tranh chấp vụn vặt. Tất cả chỉ là tình người.

Cũng vì thế, ở trên đảo, phụ huynh và học sinh ai cũng quý thầy. Họ cảm phục không phải chỉ bởi thầy luôn quan tâm thương yêu con em họ mà còn bởi họ hiểu công tác và làm việc ở đây.

Chị Huỳnh Thị Phương Dung, phụ huynh em Lâm Nhật Tinh Anh (lớp 4, Trường TH thị trấn Trường Sa) cho biết: “Dân cư trên đảo ai cũng coi thầy như người nhà bởi thầy quan tâm, dạy dỗ, chăm sóc bọn trẻ tận tình, cháu nào được thầy dạy cũng tiến bộ rất nhanh”.

Học sinh Trường TH thị trấn Trường Sa giao lưu cùng đoàn đại biểu ra thăm đảo.

Tình nguyện ra đảo

Dưới tán những cây bàng vuông, phong ba xanh ngắt, thầy giáo Bành Hữu Tình, GV Trường TH thị trấn Trường Sa lặng lẽ tâm sự, khi còn là GV tại Trường TH Suối Cát (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), thầy đã từng đến thăm Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Đứng trước vòng tròn Gạc Ma bất tử, thầy muốn làm một điều gì đó cho quê hương, đất nước. Mãi đến năm 2019, biết được Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa tuyển dụng giáo viên ra Trường Sa công tác, tôi đã không đắn đo viết đơn tình nguyện và may mắn được chọn.

Cùng có chung tình yêu với Trường Sa như thầy Tình, thầy giáo trẻ Nguyễn Công Qua, giáo viên Trường TH Sinh Tồn cũng tạm gác mọi chuyện riêng để đến với các em nhỏ nơi đảo xa từ năm 2018. Lúc ấy, khi được tin Sở GD-ĐT chấp thuận đơn xin ra đảo, thầy chạy ngay về nhà, gói ghém đồ đạc và chờ ngày lên đường. “Gần 4 năm qua, sống và dạy học ở xã đảo Sinh Tồn, đảo nhỏ thành quê hương, trường lớp là ngôi nhà lớn và đám trẻ là những đứa con thương”, thầy Qua bày tỏ.

Với thầy giáo Qua, trong khoảng thời gian giảng dạy ở đảo Sinh Tồn, có vô số kỷ niệm đáng nhớ. Trong đó xúc động nhất là dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các em HS chạy đi nhờ các chiến sĩ hái hoa sứ để tặng thầy. Sau khi hỏi lý do thì các em hồn nhiên trả lời rằng chúng con xem trên tivi thấy học trò tặng hoa cho thầy giáo, nhưng ở đảo không có bán hoa nên phải hái hoa sứ để tặng thầy. “Nghe các chiến sĩ trên đảo kể lại và nhìn thấy đóa hoa sứ trên bàn, tôi như run lên vì hạnh phúc”, thầy Qua kể.

Tạm biệt Trường Sa, chúng tôi không quên những gửi gắm của người thầy nơi đảo xa rằng các bạn trẻ đang theo nghề giáo nói riêng và thế hệ trẻ nói chung muốn cảm nhận đất nước mình đẹp, biển đảo thiêng liêng thì hãy một lần đến Trường Sa. Dù ở miền núi hay hải đảo, bằng sức trẻ, hãy cống hiến những gì có thể, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

Quần đảo Trường Sa hiện có 3 trường học gồm: TH thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa), TH Sinh Tồn (đảo Sinh Tồn) và TH Song Tử Tây (đảo Song Tử Tây). Các trường học (hay lớp học) tuy nhỏ, nhưng cơ sở vật chất không hề thua kém đất liền, cũng có bảng đen, phấn trắng, bàn ghế ngăn nắp. Số lượng HS khá ít nên các trường đều dạy theo kiểu học ghép. Mỗi lớp từ 2 hoặc 3 khối khác nhau. Việc dạy và học ở Trường Sa vẫn tuân theo quy định, sự hướng dẫn của Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa. Các hoạt động học tập, thi cử, đánh giá, xếp loại học sinh vẫn diễn ra tương tự như trên đất liền. Mỗi ngày 2 buổi, từ thứ hai đến thứ sáu, các em đều đến trường để học tập.

Năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và đơn vị, cơ sở vật chất của các trường được sửa sang ngày càng khang trang, sạch đẹp. Năm học 2020-2021, thầy và trò của các trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 100% HS đều đạt học lực Khá, Giỏi và có hạnh kiểm Tốt...

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/202205/truong-sa-noi-toi-den-ky-cuoi-gieo-chu-noi-dau-song-951921/