Kỳ cuối: Giải bài toán 'nơi cần không có, nơi có không dùng'

Như Lao động Thủ đô đã đề cập trong kỳ trước về tình trạng người dân thuộc nhiều xã ở huyện Thanh Trì 'chê' nước sạch không được sạch. Đáng chú ý, tình trạng trên cũng đang tồn tại ở một số địa phương ngoại thành khác. Nghịch lý này dẫn đến hệ lụy, người dân không mặn mà với nước sạch nông thôn, tạo nên bức tranh khuyết thiếu, nơi cần thì không có nước, còn nơi có thì người dân không dùng.

Chuyện về những nghịch lý

Có nhiều điểm chung với xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), tại địa bàn huyện Phú Xuyên, nhiều khu vực dân cư cũng đang phải đối mặt với tình trạng nguồn nước mặt, nước ngầm bị ô nhiễm kim loại nặng, nhất là nhiễm asen vượt quy định nhiều lần. Những ô nhiễm này gây ảnh hưởng lớn đến nguồn nước sinh hoạt trong khu vực. Đáng nói, khi hệ thống nước sạch “phủ” về đây, người dân trong khu vực vẫn tỏ ra e ngại vì chất lượng nước tại các trạm cấp trên địa bàn huyện chưa đảm bảo.

Theo tìm hiểu, ở Phú Xuyên hiện có 3 trạm cấp nước do đơn vị Xí nghiệp nước sạch Phú Xuyên (thuộc Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông) khai thác, quản lý vận hành. Các trạm cấp nước khu vực này có công suất khoảng 2.900 m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch phục vụ cho hơn 2 vạn người, chủ yếu trên địa bàn thị trấn Phú Xuyên, thị trấn Phú Minh và một số xã lân cận. Theo đánh giá, toàn huyện Phú Xuyên còn trên 80% tổng số dân đang sử dụng nước sinh hoạt hằng ngày bằng nước giếng khoan, giếng đào và bể chứa nước mưa.

Có nguồn nước đảm bảo để sinh hoạt là nguyện vọng của nhiều người dân ngoại thành Hà Nội

Đáng chú ý, theo Trung tâm Y tế dự phòng huyện Phú Xuyên, chất lượng nước của 3 trạm cấp nước tập trung đều chưa đạt chuẩn. Chẳng hạn, với trạm cấp nước trên 1.000 m3/ngày đêm, kiểm tra ngoại kiểm vào tháng 5/2018 cho thấy có 3 chỉ tiêu không đạt là khử trùng clo dư, amoni, asen. Ngoài những yếu tố chất lượng chưa khắc phục, mạng lưới cấp nước còn nhiều dấu hiệu không đảm bảo như ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm vi sinh vật. Tương tự, tại 2 trạm cấp nước khác trên địa bàn, dù có công suất dưới 1.000m3/ngày đêm song các trạm này cũng có chỉ tiêu amoni vượt quy chuẩn.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại huyện Mê Linh. Theo đó, mạng lưới nước sạch nơi đây vẫn chưa “phủ rộng”, trên địa bàn mới chỉ có khoảng hơn 6.000 hộ được cấp nước sạch. Ngay cả ở 2 thị trấn Quang Minh và Chi Đông, vẫn còn khoảng 905 hộ chưa được sử dụng nước sạch. Với 16 xã còn lại của huyện mới có 805 hộ trong tổng số hơn 47.000 hộ được cấp nước sạch.

Đáng lưu ý, các trạm cấp nước sạch nơi đây phần lớn được xây dựng cách đây hàng chục năm và đang có dấu hiệu xuống cấp. Chẳng hạn, Trạm cấp nước tại xã Thanh Lâm, đã xây dựng từ những năm cuối của thế kỷ XII. Cho đến nay, trạm cấp nước này vẫn hoạt động được, nhưng tình hình hoạt động, bảng biểu chi tiết các thông số liên quan đến vận hành, chất lượng nước không được đảm bảo thường xuyên.

Thống kê của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn cho thấy: Giai đoạn từ năm 1990 đến nay, Hà Nội đã đầu tư xây dựng hàng trăm công trình cấp nước tập trung từ nhiều nguồn vốn như: Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình 134, Chương trình 135, vốn vay Ngân hàng Thế giới, vốn doanh nghiệp tự đầu tư...

Trong số đó, vẫn xuất hiện một số hạn chế là công trình hoạt động không đồng đều, một số công trình xây dựng dở dang từ nhiều năm nay hoặc từng hoạt động nhưng hiện xuống cấp trầm trọng. Chẳng hạn, trên địa bàn huyện Ba Vì có 16 công trình cấp nước thì có tới 7 trạm được đánh giá hoạt động không hiệu quả, 5 trạm đã ngừng hoạt động do hư hỏng… Hệ quả là, việc tiếp cận nước sạch sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn còn khiêm tốn.

Liên quan đến vấn đề này, một nghịch lý khác cũng đang diễn ra đó là hạ tầng nước sạch nông thôn dù đã được trang bị nhưng chỉ hoạt động cầm chừng. Huyện Chương Mỹ là một ví dụ. Theo đó, hiện trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 13 công trình cấp nước sạch. Tuy nhiên, hiện mới có 4 công trình hoạt động và chỉ khoảng 20% hộ dân được tiếp cận nước sạch.

Đáng nói, những công trình đang hoạt động quy mô tương đối hạn chế. Chẳng hạn, ở hệ thống cấp nước thôn An Phú (thị trấn Chúc Sơn) dù hoạt động tích cực nhưng quy mô công trình chỉ đủ cung cấp nước cho 115 hộ, xong nhiều hạng mục đã xuống cấp. Tương tự, hệ thống tại xã Hợp Đồng cũng chỉ cung cấp cho 70 hộ dân; hệ thống tại Trường ĐH Lâm nghiệp (thị trấn Xuân Mai) cấp nước cho 300 hộ cán bộ, nhân viên của trường…

Được biết, hiện trên địa bàn Chương Mỹ đang có 6 công trình đang xây dựng dở dang gồm: 3 công trình tại cụm công nghiệp Ngọc Sơn (thị trấn Chúc Sơn) và 3 xã Tiên Phương, Hoàng Diệu, Tân Tiến. Đặc biệt, tại huyện Chương Mỹ cũng đang tồn tại hàng loạt hệ thống cấp nước bị hư hỏng, đã dừng hoạt động hoàn toàn, đó là công trình tại các thôn: Đồng Ké (xã Trần Phú), Thượng (xã Hồng Phong) và Phương Hạnh, Tân Hội (xã Tân Tiến).

Còn tại hai huyện Gia Lâm, theo tìm hiểu đến nay, 18/22 xã, thị trấn đã được cấp nước sạch, chiếm hơn 70,1%. Chủ yếu nước được cấp là từ các trạm cấp nước cục bộ. Tuy nhiên, 4 xã trên địa bàn gồm Lệ Chi, Kim Sơn, Văn Đức, Trung Mầu vẫn đang trong tình trạng “trắng” nước sạch. Trong khi đó, dù Nhà nước đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây dựng trạm cấp nước sạch cho người dân 2 xã Ninh Hiệp và Kim Lan (huyện Gia Lâm), nhưng nghịch lý đang xảy ra ở đây là người dân không mặn mà với việc sử dụng nguồn nước của trạm.

Nên xử lý dứt điểm tồn tại

Khách quan nhìn nhận, thời gian qua Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho các công trình, dự án cấp nước sạch phục vụ khu vực nông thôn. Tuy nhiên, đến nay mới có 52% số dân sống ở khu vực này được tiếp cận nguồn nước sạch. Theo cơ quan chức năng đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người dân nông thôn tiếp cận với nước sạch nông thôn thấp.

Cụ thể, nguồn vốn từ ngân sách của thành phố, vốn hỗ trợ xây dựng trạm cấp nước, thì ngân sách của huyện, xã hay vốn do người dân đóng góp thường không cân đối đủ, nên nhiều dự án bị đầu tư dở dang. Việc xác định quy mô đầu tư dự án hệ thống cấp nước sạch chưa phù hợp khiến nhiều trạm cấp nước có quy mô công suất thấp, không hấp dẫn doanh nghiệp tiếp nhận đầu tư. Ngoài ra, việc quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch tập trung bộc lộ nhiều hạn chế: Trình độ nhân công quản lý, vận hành thiếu chuyên môn, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra tại chỗ, xử lý sự cố nghèo nàn, lạc hậu…

Được biết, nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân nông thôn, vừa qua UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong phát triển hệ thống nước sạch trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu của Hà Nội là đến năm 2020, 100% người dân trên địa bàn được tiếp cận nước sạch đạt tiêu chuẩn và xóa vùng “trắng” nước sạch ở khu vực nông thôn. Để bảo đảm mục tiêu trên, UBND Thành phố đang nỗ lực xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án phát triển mạng lưới cấp nước cho các xã chưa có hệ thống nước sạch.

Trở lại câu chuyện người dân “chê” nước sạch từ trạm cấp nước mini tại địa bàn xã tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Trao đổi về vấn đề liên quan, ông Nguyễn Tràng Thắng – Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai cho biết, địa phương đang tích cực phối hợp với UBND huyện Thanh Trì để rà soát, xử lý vấn đề trên.

Như vậy, những người dân xã Tả Thanh Oai trong thời gian ngắn tiếp theo sẽ vẫn phải chờ đợi những giải pháp tổng thể từ cơ quan chức năng liên quan. Nhắc chuyện nước sạch, bà Nguyễn Thị Thúy, trú tại Đội 4 kiến nghị: Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm rà soát thực trạng các nhà máy nước, trạm cấp nước để có nguồn nước đảm bảo. Nếu cần thiết, chúng tôi mong có nước sạch từ nguồn nước sông Đà để sử dụng cho đảm bảo.

Lê Thắm – Luyện Đinh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-giai-bai-toan-noi-can-khong-co-noi-co-khong-dung-80025.html