Kỳ cuối: Doanh nghiệp cần chủ động đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2018 của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo Nghị quyết của Chính phủ thì mục tiêu tối thiểu trong đợt rà soát điều kiện kinh doanh năm 2018 là phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh.

Trong các báo cáo khi lập phương án, phần lớn các Bộ đều đưa ra con số về tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa là trên 50%. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cắt giảm chỉ mang tính hình thức, bảo đảm được yêu cầu về số lượng nhưng ít ý nghĩa thực tế.

Ví dụ, trong các phương án, các điều kiện liên quan đến nhân thân (của một số vị trí quản lý, điều hành chuyên môn của DN) như “có năng lực hành vi dân sự” đều được kiến nghị bãi bỏ và được đếm vào số lượng cắt giảm.

“Trên thực tế điều kiện này chỉ có nghĩa là cá nhân đủ 18 tuổi, bình thường về nhận thức những điều kiện mà đương nhiên người ở vị trí đó của DN phải đáp ứng. Vì vậy, việc bãi bỏ hay không các điều kiện này cũng không tạo thêm bất kỳ thuận lợi nào cho DN”, Trưởng ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nói.

Hay trong lĩnh vực dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, liên quan điều kiện “phải có phương án kinh doanh”, Nghị định 151/2018/NĐ-CP đã bỏ 2 nội dung trong phương án kinh doanh thay vì 4 nội dung. Như vậy, về cơ bản thì các DN vẫn phải cung cấp phương án kinh doanh, chỉ có điều là với nội dung ít hơn, trong khi đó bản thân điều kiện về phương án kinh doanh là không cần thiết.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: “Tình trạng xung đột của hệ thống pháp luật nhiều khi đã đẩy người dân và DN vào tình thế khó...”.

Đáng nói, một số sửa đổi lại gây khó khăn hơn cho DN hoặc có tình trạng bỏ giấy phép này nhưng lại “đẻ” thêm giấy phép khác, và việc ban hành các loại giấy phép mới cũng không được xem xét, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tiêu chí tạo thuận lợi cho DN.

Cụ thể, điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng tại nghị định 100/2018/NĐ-CP còn “khó” hơn so với quy định tại nghị định 59/2015/NĐ-CP khi yêu cầu cá nhân nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ phải đảm bảo “đã làm giám sát trưởng hoặc chỉ huy trưởng công trình” thay vì “đã trực tiếp giám sát thi công” như trước đây.

Hay nghị định 136/2018/NĐ-CP đã bổ sung điều kiện để cá nhân được hành nghề tư vấn xác định giá đất là phải có thêm “giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng về định giá đất theo chương trình bồi dưỡng về định giá đất do Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành”.

“Tình trạng xung đột của hệ thống pháp luật nhiều khi đã đẩy người dân và DN vào tình thế khó. Tình trạng mỗi Bộ ngành “ôm” một luật.

Việc tổng rà xét các quy định pháp luật về kinh doanh để có thể ban hành các văn bản một luật sửa nhiều luật, để tạo sự nhất quán trong hệ thống pháp luật về kinh doanh là rất cần thiết. Chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ ủng hộ giải pháp này”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Còn theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Chính phủ cần chỉ đạo bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh gây khó cho cộng đồng DN mà không cần tranh cãi.

Chẳng hạn điều kiện tập huấn bởi cơ quan quản lý Nhà nước, cấp chứng chỉ hành nghề, kinh nghiệm làm việc…

“Tại sao một cơ quan Nhà nước lại cấp chứng chỉ hành nghề? Tại sao cứ phải có 3 năm kinh nghiệm mới được làm quản lý? Chúng ta khuyến khích mọi người học nghề nhưng lại quy định người quản lý hoặc thành lập DN phải có trình độ CĐ hoặc ĐH, vậy ai học nghề nữa? Cho nên cái yêu cầu về chứng chỉ, bằng cấp, kinh nghiệm… phải bãi bỏ hàng loạt, không tranh cãi gì cả”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng đề nghị bãi bỏ tất cả quy định giới hạn về thời gian. Ví dụ chứng chỉ hành nghề, có những loại chứng chỉ chỉ có giới hạn trong thời gian 5 năm. Vậy nếu sau 5 năm tôi không được gia hạn thì điều gì xảy ra? Quy định này khiến DN gặp quá nhiều rủi ro, bởi nếu đầu tư nguồn vốn lớn mà sau 5 năm lại không được cấp chứng chỉ hành nghề nữa.

Từ thực tiễn nghiên cứu, Phó Viện trưởng Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, các cá nhân, tổ chức, Hiệp hội DN cũng phải chủ động, rà soát và kiến nghị.

Còn theo ông Lộc, cộng đồng DN kỳ vọng trong thời gian tới các rào cản về môi trường kinh doanh phi lý tiếp tục được dỡ bỏ và các hoạt động cải cách về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính tiếp tục được thúc đẩy một cách thực chất hơn.

Đáng quan tâm, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho hay, việc kết nối thủ tục trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia còn chậm (tính đến tháng 9-2018 mới chỉ có 68 thủ tục có thể thực hiện được trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia), dự kiến đến năm 2020 sẽ có 284 thủ tục. Tuy nhiên, trong 68 thủ tục này thì chỉ có duy nhất một thủ tục là thực hiện điện tử hoàn toàn, các thủ tục khác dù DN có nộp hồ sơ điện tử thì vẫn phải nộp thêm một bản giấy.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-cuoi-doanh-nghiep-can-chu-dong-de-xuat-cat-giam-don-gian-hoa-dieu-kien-kinh-doanh-134776.html