Kỳ cuối: Dấu ấn văn hóa độc đáo

Trong chuyến đi Bắc Triều Tiên, tôi nghĩ tôi đã phần nào giải đáp được thắc mắc vì sao người Triều Tiên khóc khi gặp lãnh tụ. Tôi đã gặp những giọt nước mắt ấy ở cung Mặt trời Kumsusan, nơi đặt thi hài hai vị lãnh đạo Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) và Kim Chính Nhật (Kim Jong Il).

“Chúng tôi được hướng dẫn chỉnh trang y phục và cúi chào…”

Trước hết, tôi muốn kể về một nơi cách Bình Nhưỡng 160 cây số về phía Bắc. Đó là Cung Hữu nghị, nơi trưng bày tất cả những hiện vật được các nước và các tổ chức quốc tế tặng cho hai vị Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật. Vì là một dạng như bảo tàng nên có quy định không được chụp ảnh bên trong. Thật tiếc!

Cung Hữu nghị - nơi chứa quà tặng các nước cho 2 vị lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật

Cung này xây trên mảnh đất sở hữu của chính gia đình ông Kim Nhật Thành, do gia đình ông Kim Nhật Thành hiến cho nhà nước. Trong cung trưng bày 115.425 hiện vật đến từ 188 nước tặng cho hai vị Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật lúc còn sinh thời, từ năm 1953 đến năm 2011. Được biết, ý tưởng xây dựng Cung Hữu nghị về phía Bắc là của chính ông Kim Nhật Thành, bởi vì chỉ có phía Bắc thì Bắc Triều Tiên mới có đường biên giới với hai nước: Trung Quốc (có chung đường biên giới khoảng 1.300km) và Nga (có chung đường biên giới 18km).

Tại Cung Hữu nghị, có 3 bức tượng rất đẹp điêu khắc: ông Kim Nhật Thành, ông Kim Chính Nhật và bà vợ ông Kim Nhật Thành, tức mẹ đẻ ông Kim Chính Nhật. Mỗi pho tượng được đặt trang trọng ở một phòng riêng trong khung cảnh thiên nhiên y như thật. Chúng tôi được hướng dẫn chỉnh sửa trang phục và vào từng phòng cúi mình chào trước tượng.

Quà tặng thì vô cùng phong phú, nhiều hiện vật rất thú vị và giá trị. Dưới mỗi món quà có ghi chú thích bằng tiếng Anh, tiếng Bắc Triều Tiên và ngôn ngữ của chính nước tặng quà. Rất công phu và tỉ mỉ. Nhiều nhất là quà của Trung Quốc và Nga.

Nhà học tập (tức thư viện) ở Bình Nhưỡng có sức chứa 100.000 người

Đáng chú ý là Stalin tặng 1 chiếc xe ô tô bọc thép nặng 6 tấn. Ngoài ra còn hai chiếc xe ô tô khác của các vị lãnh đạo sau này của Liên Xô (cũ) tặng. Một chiếc trực thăng, bên trong tòa nhà cao không hề có cột chống (tôi phải khâm phục kiến trúc của người Bắc Triều Tiên), cũng của Nga tặng.

Tôi nghe hướng dẫn viên trong Cung Hữu nghị nói là vào thời điểm thập niên 50, Nga đã tặng 3 chiếc máy bay trực thăng giống nhau cho Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và bà Đặng Dĩnh Siêu (vợ Đặng Tiểu Bình) đều có tặng những món quà giá trị. Chẳng hạn như 1 bức tranh cổ đời nhà Minh, 1 chiếc ngà voi lớn chạm trổ điêu khắc cảnh làng quê nơi ông Kim Nhật Thành sinh ra. Nghe nói việc điêu khắc chiếc ngà này mất hơn 1 năm trời. Tổng thống Nga Putin tặng 1 khẩu súng trường Kalashnikov.

Biểu tượng của Đảng Lao động Triều Tiên là búa tượng trưng cho công nhân, liềm tượng trưng cho nông dân và ngòi bút tượng trưng cho trí thức. Ngoài ra ở Triều Tiên còn 2 đảng nữa là đảng Dân chủ xã hội và đảng Thanh Hữu Thiên Đạo (Heaven Way)

Những món quà từ các lãnh tụ Việt Nam

Cũng có những món quà từ các nước châu Phi xa xôi, từ Nhật, Pháp, Hàn, Mỹ… Quà của các quốc gia châu Phi thường là những bộ trang phục cầu kỳ. Quà của Việt Nam được trưng bày 1 gian riêng rất long trọng, cũng như quà của nhiều nước khác. Có cả ảnh 1 con voi do Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho Triều Tiên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tặng ảnh chính chân dung của mình, cùng 1 khẩu súng ngắn cho ông Kim Nhật Thành. Ngoài ra còn có những quà tặng của Việt Nam rất đậm chất chiến tranh như súng, mảnh xác máy bay, bình hoa làm từ mảnh xác máy bay và cả chân dung Nguyễn Văn Trỗi ở pháp trường.

Tôi để ý thấy Chủ tịch Trần Đức Lương tặng 1 cặp bình sơn mài. Nói chung người Bắc Triều Tiên giữ gìn rất cẩn thận từng món nhỏ. Tôi thấy họ chu đáo giữ và trưng bày những món quà của cả những đoàn Việt Nam sang giao lưu văn hóa, quân sự, dù có khi chỉ là một tấm ảnh, một bình hoa nhỏ.

Ngôi nhà biên giới Liên Triều. Phía trải cát màu trắng là của Bắc Triều Tiên, phía trải sỏi là của Hàn Quốc

Tôi cũng có dịp vào Cung Mặt trời Kumkusan, nơi đặt thi hài hai vị lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật. Thi hài hai vị được ướp xác và giữ vẹn nguyên để người dân Triều Tiên đến ngưỡng vọng. Nơi này quy định rất chặt chẽ về trang phục. Nam giới phải mặc quần tây hoặc kaki, không được mặc quần jean, áo pull. Phải mặc sơ mi trắng hoặc sậm màu, mang giày tây chứ không được mang giày thể thao. Phụ nữ mặc váy công sở hoặc hanbok truyền thống, cũng phải mang giày không được hở gót hở mũi. Tôi thấy từng hàng dài người Bắc Triều Tiên trang nghiêm vào viếng lãnh tụ, có nhiều người đã khóc.

Bắc Triều Tiên tuy duy trì tư tưởng Juche (Chủ thể), nhưng vẫn có tôn giáo. Đó là Phật giáo và Công giáo. Tất nhiên số tín đồ không nhiều vì tư tưởng Juche là vô thần và coi con người là chủ thể.

Tôi có đến thăm 1 ngôi chùa. Đó là chùa Pohyon huyện Hyangsan (Phyonganbuk), được xây dựng đầu thế kỷ 11, là trung tâm Phật giáo lớn nhất Bắc Triều Tiên với rất nhiều khu điện. Chùa từng bị bom đạn tàn phá và trùng tu nhiều lần theo thời gian. Năm 1951, trong chiến tranh Triều Tiên, Mỹ đã ném bom phá hủy 1 nửa ngôi chùa. Về sau chính quyền Bắc Triều Tiên đã tu sửa lại và khôi phục lại diện mạo cũ của chùa. Hướng dẫn viên cho biết nguyên thủy ngôi chùa làm bằng gỗ, về sau trùng tu có dùng bê tông cốt thép, song tôi nhìn thì thấy rất khéo léo, giống y như gỗ. Chánh điện được trùng tu năm 1976 và giữ nguyên thiết kế với bản gốc năm 1765.

Quang cảnh điện chính của chùa Pohyon

Chùa cực kỳ đẹp và rộng rãi, phong cách kiến trúc của Triều Tiên, song tượng lại mang phong cách Trung Hoa. Tôi chụp rất nhiều hình trong khuôn viên chùa và chụp chung với cả sư trụ trì Chính Minh. Sư cho biết hiện nay trong chùa có khoảng 20 nhà sư. Trong chùa có hai bảo vật quốc gia. Đó là bảo tháp 13 tầng Sokka, xây dựng từ thế kỷ 14 và được chính phủ Bắc Triều Tiên xem làm bảo vật quốc gia mang số hiệu 144. Nằm ở phía Tây chùa là điện Kwanum được xây dựng năm 1449 và là tòa nhà lâu đời nhất trong khu chùa. Nó được chính phủ Bắc Triều Tiên ghi nhận là báu vật quốc gia số 57.

Sư thầy Chính Minh, trụ trì chùa Pohyon

Ngôi chùa thanh bình, không hề có không khí xô bồ, hỗn tạp như nhiều ngôi chùa Việt Nam. Tôi thành kính đứng vái Phật và tôi thấy tôi tin lời nói của hướng dẫn viên: Khi chia cắt đất nước, phía Nam đã được thừa hưởng nhiều di tích, cung điện, đền đài hơn phía Bắc, vì thế chính phủ Bắc Triều Tiên cũng rất chú ý bảo tồn các công trình văn hóa truyền thống ít ỏi của họ.

Tháp bằng đá granite cao nhất thế giới

Khi đến Bình Nhưỡng, tôi đã có dịp thăm tháp Juche (Chủ thể). Tháp này xây dựng năm 1982, kỷ niệm khi ông Kim Nhật Thành 70 tuổi. Tháp cao 170 mét. Trong đó phần thân tháp là 150m và ngọn lửa đỏ là 20m. Tháp hiện nay đang giữ kỷ lục là tòa tháp bằng đá granite cao nhất thế giới.

Ngọn tháp Juche

Tháp được xây dựng đối diện với quảng trường Kim Nhật Thành, cách nhau con sông Đại Đồng. Người Bắc Triều Tiên có ý thức quy hoạch thành phố rất tốt, các công trình kiến trúc quan trọng đều đối diện hay ở bên cạnh nhau.

Vì là tháp tôn vinh tư tưởng Juche của ông Kim Nhật Thành, nên tháp được xây dựng bằng 25.550 viên đá, tượng trưng cho số ngày sống của ông Kim Nhật Thành (365x70). Tháp có lối kiến trúc rất đẹp, tọa lạc trên một quảng trường rộng mênh mông. Hướng dẫn viên có giải thích cho tôi về tư tưởng Chủ thể và tôi có tra cứu thêm về tư tưởng này: “Tư tưởng Chủ thể là: 1/ Người dân phải có sự độc lập (chajusong) trong tư tưởng và chính trị, kinh tế tự cung cấp, và tự chủ về quốc phòng; 2/ Chính sách phải phản ánh ý chí và nguyện vọng của quần chúng và sử dụng chúng triệt để trong cách mạng và xây dựng; 3/ Các biện pháp cách mạng và xây dựng phải thích hợp với tình hình đất nước; 4/ Sự nghiệp quan trọng nhất của cách mạng và xây dựng là định hướng người dân về tư tưởng là những người cộng sản và huy động họ vào công việc xây dựng”.

“Korea is one” (Triều Tiên là một)

Một nơi cực kỳ ấn tượng là khu DMZ Bàn Môn Điếm, nơi biên giới chia cắt hai miền Triều Tiên tôi cũng có dịp đến. Ở đây cũng cho chụp ảnh khá thoải mái. Tôi có mua tại đây một chiếc áo pull lưu niệm có dòng chữ Bàn Môn Điếm và chữ “Korea is one” (Triều Tiên là một), như là một khát vọng về thống nhất của nhân dân hai miền.

Những người lính Bắc Triều Tiên đang đứng gác ở khu DMZ Bàn Môn Điếm

Lăng mộ Cung Mẫn Vương và hoàng hậu. Cung Mẫn Vương là vị vua có công chống giặc Mông Cổ

Trong thời gian ở Bắc Triều Tiên, tôi còn đến thăm nhiều nơi nữa. Ấn tượng của tôi về Triều Tiên là một đất nước hiền hòa, thân thiện, hiếu khách và rất đẹp. Hy vọng sang năm tôi lại đến Triều Tiên để được trải nghiệm cảm giác ở homestay với người dân vùng núi Trường Bạch, ngọn núi đã đi vào huyền thoại trong văn học Đông Á.

HÀ THANH VÂN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/ky-cuoi-dau-an-van-hoa-doc-dao-18463.html